Nam Trung Bộ chống chọi với mưa lũ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, đến sáng 2/12, nước lũ trên các sông đang rút chậm, nhiều địa phương vẫn bị ngập và chia cắt do lũ, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có đã có 4 người chết và 3 người bị thương, hàng ngàn ha lúa hoa màu bị ngập úng.
Nhiều diện tích lúa của người dân bị ngập úng nặng.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mưa lũ gây ngập sâu và chia cắt gần 8.000 nhà dân từ 1 đến 1,5 m, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê điều ở các huyện Tuy Phước, An Lão, Hoài Nhơn và Hoài Ân bị sạt lở nghiêm trọng.
Lũ lớn tràn về bất thường nhấn chìm gần 7.500 ha lúa mới sạ (tương đương 500 tấn giống) và 1.142 ha lúa mùa chưa thu hoạch cũng bị chìm sâu trong nước lũ. Hàng trăm hộ dân trồng mai tết có nguy cơ mất trắng do lũ ngập chậu mai lâu ngày gây thối rễ.
Hiện 112 hồ chứa ở tỉnh Bình Định đã đầy nước, trong đó có 104 hồ chứa nước qua tràn. Hiện hồ Định Bình điều tiết lũ xuống sông Côn khoảng 600 m3/giây qua cửa tràn.
Trong khi đó, tại Phú Yên, hiện nhà máy thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh) đã xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây. Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (huyện Sơn Hòa) dự kiến bắt đầu xả lũ từ sáng nay.
Nhà máy thủy điện Krông H’năng (giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên) xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Hồ chứa các tỉnh Nam Trung Bộ trung bình đạt từ 75- 95% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất đã có 49 hồ chứa có cửa van khu vực miền Trung đã phải xả tràn.
Hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các sở ngành và địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó với đợt mưa lũ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu nhân dân với quân số 537 cán bộ chiến sĩ, tập trung ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão.
Lữ đoàn PPK572 cử 100 cán bộ, chiến sĩ giúp dân ở xã Bok Tới, Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.