Bến xe, công viên: Mối nguy hiểm rình rập phụ nữ
Đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất theo đánh giá của 57% phụ nữ/trẻ em gái và 47% nam giới/ người chứng kiến. Địa điểm có nguy cơ cao thứ hai là công viên với lần lượt 11% và 19% đối tượng của hai nhóm đồng tình. 20% trẻ em gái trong độ tuổi 16-18 từng bị quấy rối tình dục tại trường học và 11% bị quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng.
(Ảnh minh họa).
Ngày 2/12, Vụ Bình Đẳng Giới (Bộ LĐ-TB&XH) và Actionaid Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo khảo sát đường phố về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại khu vực xe buýt và nhà vệ sinh công cộng
Theo đó, qua kết quả nghiên cứu tại 5 tỉnh gồm Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Trà Vinh của hai đơn vị trên cho thấy phụ nữ Việt Nam vẫn rất dễ bị tổn thương trước những thách thức hàng ngày do bạo lực, sự phân biệt đối xử và tình trạng thiếu các cơ hội kinh tế gây ra.
Theo khảo sát, 51,3% phụ nữ, trẻ em gái trải qua ít nhất một hình thức quấy rối tình dục, như huýt sáo, trêu ghẹo, nhìn chằm chằm vào bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể, sờ mó hoặc đụng chạm cố ý, gửi trang web và ảnh khiêu dâm…Trong đó nhóm học sinh, sinh viên hay nhân viên kinh doanh thường bị quấy rối bằng hình thức quấy rồi tình dục như huýt sáo, trêu ghẹo. Trong khi đó, nhóm công chức Nhà nước thường nhìn vào bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể, tin nhắn, email, hình ảnh và đôi khi bằng lời nói có mục đích ve vãn, tán tỉnh..
Đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất theo đánh giá của 57% phụ nữ/trẻ em gái và 47% nam giới/ người chứng kiến. Địa điểm có nguy cơ cao thứ hai là công viên với lần lượt 11% và 19% đối tượng của hai nhóm đồng tình. 20% trẻ em gái trong độ tuổi 16-18 từng bị quấy rối tình dục tại trường học và 11% bị quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng.
Nơi làm việc cũng là một địa điểm thường xuyên diễn ra hành vi quấy rối tình dục theo nhận xét của 18% phụ nữ/trẻ em gái và 15% nam giới/người chứng kiến.
Riêng Hà Nội các điểm không an toàn là Bến xe Long Biên, Nước Ngầm, Giáp Bát, các tuyến xe buýt, công viên, nhà vệ sinh công cộng tuyến Giáp Bát- Nhổn, công viên Bắc Thăng Long, đường Khuất Duy Tiến…
Tại TP Hồ Chí Minh là bến xe Miền Đông, khu Chợ Lớn, Thư Viện Trung tâm đại học Quốc gia TP HCM, cầu Phú Mỹ... Hầu hết những người gây ra hành vi quấy rối đều là nam giới trong nhóm tuổi 15-25.
“Hơn nửa nhóm phụ nữ và trẻ em gái (51%) chia sẻ rằng họ đã từng bị quấy rối vào ban ngày hơn 3 lần trong đời. Điều đáng lưu ý là 16% phụ nữ và trẻ em gái cho rằng họ thường xuyên gặp phải hành vi quấy rối” – báo cáo cho biết
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức Actionaid Việt Nam, cho rằng khi bị quấy rối tình dục hầu hết không khai báo, vì phụ nữ cảm thấy xấu hổ và thậm chí bị xã hội kỳ thị nếu họ khai báo các hành vi quấy rối tình dục, bởi suy nghĩ đổ lỗi cho phụ nữ vì đã có hành vi sai trái gì đó nên mới bị đàn ông quấy rối tình dục vẫn còn tồn tại trong xã hội.
“Có tới 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động phản ứng nào khi họ gặp phải các hành vi quấy rối tình dục, tuy nhiên, tỷ lệ này dao động nhẹ giữa các nhóm khác nhau. Theo thống kê, chỉ có 17% trong nhóm thất nghiệp và 29% trong nhóm giúp việc gia đình phản ứng lại ngay tức thời, trong khi đó, 30% công chức nhà nước chọn cách kể với đồng nghiệp hoặc nhờ họ giúp đỡ khi gặp phải vấn đề này” – Bà Hoàng Phương Thảo cho hay.
Với những kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng cường thực thi pháp luật và các chế tài hình sự đối với hành vi bạo lực nhắm tới phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi. Tăng cường lực lượng nữ công an với nghiệp vụ và thái độ có nhạy cảm giới để ứng phó với các tình huống bạo lực. Thiết lập các đường dây nóng để phụ nữ có thể kịp thời khai báo về hành vi bạo lực và yêu cầu lực lượng chức năng có các hành động can thiệp….