Đường tới Moskva

Trung Tín 03/12/2016 14:05

Tháng 11 này trên chính trường quốc tế xuất hiện một xu thế mà bất cứ ai quan tâm tới tình hình an ninh thế giới đều không thể bỏ qua. Đó là kết quả trong những cuộc bầu cử quan trọng ở một số quốc gia, thí dụ như Mỹ, Pháp cùng hai nước ở Đông Âu là Moldova (từng nằm trong thành phần Liên bang Xôviết) và Bulgary (từng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước kia)…

* Thấy gì qua kết quả những cuộc bầu cử mới diễn ra gần đây ở Mỹ, Pháp, Moldova và Bulgary?

Các ông Francois Fillon, Donald Trump, Vladimir Putin, Rumen và RadevIgor Dodon.

Trước tiên, cần phải nhắc lại việc tỉ phú Donald Trump giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 vừa qua. Tiếp theo, đó là việc cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã vượt được lên hàng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, một dấu hiệu tốt để ông có thể dọn đường vào Điện Elysee trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm tới. Tại Moldova, thủ lĩnh Đảng Xã hội Igor Dodon đã được bầu làm Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 14/11. Còn ở Bulgary trước đó một ngày, nguyên thiếu tướng dự nhiệm, nguyên Tư lệnh không quân Rumen Radev cũng đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống…

Truyền thông thế giới đã gọi ông Radev là “Trump của Bulgary” vì chiến thắng được coi là bất ngờ này… Sau khi hay tin mình đắc cử, ông Radev tuyên bố rằng Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện những gì mà Nội các tiền nhiệm đã cam kết nhưng ông muốn hợp tác với những ai chủ trương bãi bỏ các biện pháp cấm vận đối với nước Nga…

Bốn sự kiện trên thoạt nhìn có vẻ như không liên quan gì tới nhau. Tuy nhiên, theo bình luận của các nhà quan sát quốc tế, cả bốn sự kiện trên có thể tạo ra một bầu không khí mới trên chính trường quốc tế: Cả bốn nhân vật đang đội vòng nguyệt quế trên về thực chất đều âm thầm ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, thậm chí có người còn là bằng hữu với đương kim chủ nhân ông trong Điện Kremli. Và cả bốn nhân vật này đều đặt ra mục tiêu cấp bách (ít ra là trong chương trình vận động tranh cử) là chấm dứt ngay tình trạng đối đầu với Moskva. Cũng chính vì lý do này nên các nhà quan sát đã nhận định rằng, dù có vẻ mâu thuẫn đến mấy thì vẫn có thể khẳng định rằng, trong bốn cuộc bầu cử trên, người duy nhất và trước nhất giành được chiến thắng chính là ông Vladimir Putin!

Dễ dàng nhận ra rằng, có nhiều chi tiết khác nhau trong quan hệ của Tổng thống Nga với bốn nhân vật vừa được đề cập tới. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump cho tới nay vẫn chỉ hạn chế mình bằng việc bày tỏ sự khâm phục đối với ông Putin khi đánh giá ông là một thủ lĩnh đích thực. Ông Trump cũng thổ lộ rằng sau khi vào Nhà Trắng, ông sẽ không tiếp tục duy trì chính sách đối đầu quyết liệt trong quan hệ với Moskva như vị Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama. Cũng chính vì hiểu rõ điều này nên để bày tỏ sự sẵn sàng “chín bỏ làm mười” trong việc hợp tác với Washington cùng vị Tổng thống mới nên ông Putin đã là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi điện chúc mừng ông Trump sau khi hay biết ông này đắc cử. Tất nhiên, bất cứ một Tổng thống Mỹ nào cũng hành động trước hết vì cái gọi là quyền lợi chính đáng của nước Mỹ nên hiện giờ cũng chưa thể nói đích xác về mức độ nồng ấm trở lại giữa Washington với Moskva sau ngày 20/1/2017.

Cũng không ai rõ ông Trump sau khi vào Nhà Trắng sẽ làm những gì để chấm dứt tình trạng gần như là chiến tranh lạnh với nước Nga bùng nổ sau cuộc khủng hoảng Ukraina. Và cũng không ai rõ tân Tổng thống Mỹ sẽ làm cách gì để vượt qua sự chống lại quá trình xích gần hơn với Moskva từ phía những cộng sự thân cận nhất của mình trong lĩnh vực quân sự ở Washington. Nhân vật có lẽ sẽ được chọn làm Ngoại trưởng mới trong chính quyền Trump là Mitt Romney, như người ta vẫn biết, vốn không có thiện chí với Điện Kremli. Giới truyền thông Mỹ cũng ở trong tâm trạng như vậy: nhiều cơ quan truyền thông lớn gần đây đã liên tiếp lên tiếng cảnh báo ông Trump về tác hại có thể nảy sinh từ những nhượng bộ đối với Moskva, nếu thực sự tân Tổng thống sẽ công nhận quyền sáp nhập Krym vào lãnh thổ nước Nga và để yên cho quân đội Nga tự do hành sự trên lãnh thổ Syria.

Thế nhưng, bầu không khí đã thay đổi so với mối quan hệ rất tồi tệ giữa ông Obama với ông Putin mà biểu tượng là cái bắt tay rất lạt lẽo ngày 19-11 giữa hai người, mỗi người nhìn mỗi hướng, trong cuộc gặp gần đây nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Lima, thủ đô Peru. Phải sau gần ba tháng nữa thì công chúng mới có thể biết rõ thái độ thực sự đối với nhau của hai nhà lãnh đạo hai siêu cường hàng đầu thế giới này. Chỉ biết rằng, những phát biểu gần đây nhất của ông Trump cho thấy, ông cũng sẽ không “tái khởi động” lại quan hệ với Điện Kremli và có lẽ ông cũng vẫn sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận đối với Moskva…

Thực sự bất ngờ là chiến thắng đột ngột của ông Fillon, người mà mới đây vẫn bị coi là “khách lạ tình cờ” trong cuộc tỉ thí giữa hai ứng cử viên nặng ký hơn nhiều là cựu Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy với cựu Ngoại trưởng Alain Juppe. Các nhà quan sát coi đó mới là thành công to lớn thực sự của ông Putin. Hóa ra là giữa ông Putin với ông Fillon đã có một mối quan hệ khá bền chặt mà cho tới gần đây, rất ít người được biết đến. “Cái thuở ban đầu” của hai người đã đến từ tám năm trước, khi cả hai đều ngồi ở ghế Thủ tướng trong các nội các ở nước mình. Ông Fillon khi đó đứng đầu chính phủ dưới thời của Tổng thống Sarozy, còn ông Putin, sau hai nhiệm kỳ liên tiếp làm Tổng thống, đã chuyển sang giữ ghế Thủ tướng để ông Dmitri Medvedev lên làm Tổng thống. Quan hệ của họ vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả sau khi ông Fillon thôi làm Thủ tướng và chỉ còn là nghị sĩ bình thường, còn ông Putin lại thêm một lần vào làm chủ Điện Kremli. Ông Fillon từng được người bạn Nga quý mến của mình mời sang “chơi” ở trang trại ngoại ô của Tổng thống cũng như tới khu nghỉ mát Sochi…

Giờ đây, sau khi có được cơ hội tuyệt vời để tiếp tục cuộc chạy đua vào Điện Elysee trong năm tới, Fillon không còn cần phải giấu giếm chương trình hành sự dự định của mình: chấm dứt các biện pháp cầm vận chống lại Moskva, kết thúc những vụ dịch chuyển đội hình NATO ở sát đường biên giới với nước Nga, tách rời khỏi Washington (đã có lần ông Fillon còn sử dụng lại cách nói của tướng Charles de Gaulle khi đề cập tới đồng minh bên kia đại dương: “chủ nghĩa đế quốc Mỹ”). Đặc biệt, ông Fillon cũng nhấn mạnh tới việc cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremli trong những nỗ lực chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và xóa bỏ thái độ thù địch với mối liên hệ đồng mình giữa Moskva và chính thể của Tổng thống Bashar al - Assad. Thiết tưởng, trong bối cảnh hiện nay, Điện Kremli sẽ không còn cần gì nhiều hơn nữa từ một ông chủ Điện Elysee!

Hai cuộc bầu cử tại những nước cộng hòa hàng xóm láng giềng với Moskva là Moldova và Bulgary có thể sẽ bị ai đó xem là ít ý nghĩa hơn so với những gì đã diễn ra ở Mỹ và Pháp. Tuy nhiên, với bất cứ ai thì “mua láng giềng gần” cũng là điều rất cần phải làm. Cuộc bầu cử ở Moldova đã là trận đấu tay đôi quyết liệt giữa những ứng cử viên thân Nga (hiện nay đã sẵn sàng xé bỏ các thỏa thuận với Liên minh châu Âu để gia nhập Liên minh Thuế quan Á – Âu với Nga) và những người thân phương Tây. Bulgary, nước vẫn đang là thành viên NATO và EU, với vị Tổng thống mới có cảm tình với nước Nga và hiểu rõ những quyền lợi dân tộc hơn ai hết, sẽ có thể tạo ra những ảnh hưởng tốt đối với Moskva trong các cuộc bỏ phiếu cần ý kiến đồng thuận hoàn toàn từ các nước thành viên.

Nhân tố này sẽ được gia tăng thêm nếu chúng ta biết rằng, tại chính CHLB Đức, bất chấp thái độ không thiện chí với Moskva từ phía bà Thủ tướng Angela Merkel, chính đảng có cảm tình với nước Nga (trong đó có cựu Thủ tướng Herhard Schroeder) vẫn tiếp tục duy trì được vị thế của họ. Nhiều nhà công nghiệp lớn ở Đức cũng cần tới những mối quan hệ tốt với Moskva… Tại Italia, Điện Kremli không chỉ có người bạn thân thiết là cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi mà ngay cả bộ máy cầm quyền hiện nay ở đây cũng không chống lại việc xóa bỏ các biện pháp cầm vận đối với Moskva. Cũng có thế thấy thêm là, Điện Kremli hiện có những mối quan hệ tuyệt với ở đảo Cyprus, Hy Lạp và ở Serbia… Nói ngắn gọn là, nhìn vào thực trạng chính trường châu Âu nói riêng và thế giới nói chung hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có rất nhiều những lý do để hoan hỉ…

Những con đường khác nhau, nhưng xem ra đều có xu hướng lại gần Moskva hơn...

Trung Tín