Không để người dân đói khát do mưa lũ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản người dân; hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men, không để bất cứ người dân nào bị đói, thiếu nước sạch...
Đó là những thông tin tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, diễn ra ngày 2/12.
Lực lượng cứu hộ Bình Định giúp bà con địa phương tránh lũ.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổng hợp diễn biến, thiệt hại của mưa lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, chỉ tính riêng trong hai đợt mưa lũ vừa qua, đã có 65 người chết và mất tích, gần 200.000 ngôi nhà bị ngập, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt bị sạt lở, chia cắt, ách tắc nhiều đoạn. Tổng thiệt hại vật chất trên 7.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt đánh giá cao những tổ chức, cá nhân có tinh thần, trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung vượt qua khó khăn do mưa lũ thời gian qua.
Đánh giá về những điểm cần rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết là tình trạng chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó của một số bộ phận người dân, chính quyền cơ sở. “Sự chỉ đạo của các cấp còn chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc.
Người dân còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó. Việc này chúng ta cũng đã nhắc nhiều lần, chỉ đạo nhiều nhưng vẫn cứ xảy ra”, Phó Thủ tướng nói. “Chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa công tác phổ biến kiến thức, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng tránh, ứng phó mưa lũ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, việc vận hành điều tiết, xả lũ, cũng như thông tin về vận hành xả lũ của một số hồ chứa còn bất cập, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du. Nhiều hồ thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu dẫn tới bị động trong vận hành; việc phối hợp với chính quyền địa phương trong đưa thông tin xả lũ đến người dân còn hạn chế, gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đầy đủ đến yếu tố an toàn trước thiên tai, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm cho mưa lớn bất thường hơn, làm tăng rủi ro và gây thiệt hại nặng nề khi xảy ra thiên tai.
Trong khi đó, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai còn quá chậm, quy trình, thủ tục hỗ trợ rườm rà, chưa kịp thời; nguồn kinh phí hỗ trợ khó khăn, chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với yêu cầu của địa phương.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác quy hoạch, trong đó có rà soát, bổ sung, lập mới quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vùng, địa phương để ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
Cùng ngày, sáng 2/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định cho biết, đến sáng 2/12, nước lũ trên các sông đang rút chậm, nhiều địa phương vẫn bị ngập và chia cắt do lũ, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có đã có 4 người chết và 3 người bị thương, hàng ngàn ha lúa hoa màu bị ngập úng.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, mưa lũ gây ngập sâu và chia cắt gần 8.000 nhà dân từ 1 đến 1,5 m, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê điều ở các huyện Tuy Phước, An Lão, Hoài Nhơn và Hoài Ân bị sạt lở nghiêm trọng.
Lũ lớn tràn về bất thường nhấn chìm gần 7.500 ha lúa mới sạ (tương đương 500 tấn giống) và 1.142 ha lúa mùa chưa thu hoạch cũng bị chìm sâu trong nước lũ.
Hiện 112 hồ chứa ở tỉnh Bình Định đã đầy nước, trong đó có 104 hồ chứa nước qua tràn. Hiện hồ Định Bình điều tiết lũ xuống sông Côn khoảng 600 m3/giây qua cửa tràn.
Trong khi đó, tại Phú Yên, hiện nhà máy thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh) đã xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây. Nhà máy thủy điện Krông H’năng (giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên) xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây.
Hồ chứa các tỉnh Nam Trung Bộ trung bình đạt từ 75- 95% dung tích thiết kế. Thời điểm cao nhất đã có 49 hồ chứa có cửa van khu vực miền Trung đã phải xả tràn.
Ngày 2/12, Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 2 đến ngày 5/11 trên địa bàn tỉnh nhiều địa phương bị thiệt hại nặng gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con.
Trong đó, thiệt hại về nhà cửa, tài sản trong nhà 2,13 tỷ đồng; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp 497,21 tỷ đồng; thiệt hại về công trình thủy lợi trên 100 tỷ đồng; thiệt hại về giao thông 94,92 tỷ đồng; thiệt hại khác 182 tỷ đồng.