Hiệu quả từ những cánh đồng chuyên canh
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều cánh đồng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao, đạt hàng trăm triệu đồng/ha. Có được kết quả đó, nhờ sự quan tâm đến việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Nhờ quy hoạch vùng sản xuất tập trung đã tạo điều kiện cho việc vận chuyển tiêu thụ nông sản.
Những ngày này, đến các vùng rau của huyện Gia Lộc, đều bắt gặp cảnh bà con nông dân đang chăm sóc, thu hoạch rau màu. Những thửa ruộng đã thu hoạch, bà con lại khẩn trương làm đất để gieo trồng vụ rau mới. Năm nay, giá rau cũng khá ổn định nên thu nhập trên 1 sào cũng khá cao.
Tại cánh đồng rau của thôn Anh, xã Lê Lợi, bà Trần Thị Quê đang chăm sóc 4 sào bắp cải của gia đình. Bà Quê cho biết mỗi năm gia đình bà trồng 2 vụ lúa, 1 vụ rau. Đối với vụ rau bắp cải bà trồng giống Sakata chịu nhiệt, giá trị thu nhập đạt 6-7 triệu đồng/sào, trừ chi phí bà còn thu lãi 4 – 5 triệu đồng/sào.
Không chỉ xã Lê Lợi ở Gia Lộc còn có các xã Toàn Thắng, Gia Xuyên, Đồng Quang, Phạm Trấn, Đoàn Thượng… cũng phát triển mạnh cây vụ đông với thế mạnh là cây bắp cải, su hào. Mỗi năm, sản lượng vụ đông của huyện Gia Lộc đạt 100.000 tấn rau các loại.
Theo ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, hiện nay, huyện đã có 26 vùng chuyên canh, với tổng diện tích 510 ha. Hiệu quả sản xuất ở những vùng quy hoạch rau màu chuyên canh cao vượt trội với giá trị đạt từ 150 triệu đến 500 triệu đồng/ha, trong khi những vùng không chuyên canh chỉ thu đạt 60 - 70 triệu đồng/hà.
Còn các xã Đức Chính, Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng lại có thế mạnh về cây cà rốt. Ngoài trồng ở ruộng, nhiều người dân còn trồng cà rốt trong vườn nhà để tận dụng đất tăng thu nhập. Năm 2008, huyện Cẩm Giàng đã xây dựng vùng chuyên canh trồng cà rốt an toàn chất lượng cao, quy mô hơn 300 ha, trong đó, xã Đức Chính hơn 200 ha, xã Cẩm Văn gần 100 ha. Các vùng chuyên canh cà rốt cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết, ở những nơi trồng chuyên canh cà rốt, chỉ với 1 sào cũng cho lợi nhuận bằng hoặc cao hơn so với một mẫu trồng lúa. Cụ thể một sào cà rốt mang lại doanh thu 6 - 7 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 4 – 5 triệu đồng, còn một sào lúa, trừ chi phí chỉ còn lãi 300 nghìn đồng, thậm chí nhiều khi chẳng có lãi.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ những cánh đồng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa đem lại, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, lựa chọn những cây thế mạnh phù hợp với đồng đất của địa phương, có thị trường ổn định để phát triển.
Chẳng hạn như huyện Cẩm Giàng đã lập và chờ tỉnh phê duyệt dự án xây dựng các vùng chuyên canh rau màu. Còn huyện Gia Lộc cũng xác định hướng đi bền vững cho những vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa, an toàn, tiến tới sạch. Huyện cũng đã và đang triển khai những mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm hoa, một số loại rau quả thực phẩm cao cấp.
Hải Dương cũng đã xác định rõ các giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung khắc phục tình trạng đất sản xuất manh mún; tổ chức tập huấn, đào tạo lại đội ngũ cán bộ lĩnh vực nông nghiệp. Mở rộng thị trường cho nông sản địa phương; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn và thủy lợi. Chú trọng nhân rộng các mô hình thâm canh có hiệu quả kinh tế cao.