Đẩy nhanh tái cơ cấu
Tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước – một trong ba mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế được kỳ vọng là sẽ thay đổi diện mạo của cả nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng đến thời điểm này, việc cổ phần hóa DN, thoái vốn từ các DN nhà nước vẫn rất chậm chạp và thiếu thực chất. Đó là nhận định của các diễn giả, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020”, diễn ra sáng 2/12, tại Hà Nội.
Tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước giai đoạn 2016-2020 được kỳ vọng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ từ đề án mới.
Chậm và thiếu thực chất
Nhận định tại Diễn đàn nói trên, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Lộc, quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước giai đoạn 2011-2015 diễn ra chậm chạp và chưa đi vào thực chất.
“Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các tổng công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản. Vấn đề này cần được tập trung cải thiện để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải thực chất hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo” - TS. Lộc nêu quan điểm và nhấn mạnh: Nếu đẩy nhanh được tiến trình này, sẽ tạo cơ hội cho DN tư nhân mua cổ phần và có thể lớn mạnh.
Chính vì vậy, ông Lộc cũng bày tỏ kỳ vọng, đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ khắc phục được những bất cập của giai đoạn trước. Mà theo người đứng đầu VCCI, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại khu vực Nhà nước, mở ra cơ hội, dư địa cho kinh tế tư nhân, trong đó đề án đã nêu ra mục tiêu cụ thể.
Đặc biệt, đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ nắm cổ phần trong DNNN, giảm tỉ lệ DNNN nắm đa số cổ phần, thoái vốn khỏi DNNN, không cần nắm giữ trên 50%. “Đây là những quyết sách quan trọng có thể tạo ra bước đột phá mới trong cơ cấu nền kinh tế của chúng ta” – ông Lộc nhấn mạnh.
Loại bỏ dần DN Nhà nước
Một trong những điểm mới nhất của Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 được ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra rằng, tất cả các ngành nghề nhà nước làm bây giờ được quy lại trong Luật Đầu tư chỉ còn 4 ngành nghề kinh doanh là Nhà nước độc quyền, còn lại các DN, người dân hoàn toàn được phép kinh doanh.
Theo ông Kiên, một trong những điểm nhấn khác là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang có xu hướng “co lại”. Như vậy sẽ mở ra nhiều ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác được tham gia.
Quan trọng nhất là theo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ không khống chế tỉ lệ vốn của các nhà đầu tư tham gia trong doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu (trừ khi đó là các doanh nghiệp tổ chức tín dụng). “Thậm chí, còn đang có xu thế, bán cả một DN lớn của Nhà nước để cho các thành phần kinh tế khác được tham gia cơ cấu lại, mà Vinamilk là một điển hình. Đây thực sự là một đổi mới” – ông Kiên nhận định.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng nêu ra những thách thức mà tiến trình tái cơ cấu DN Nhà nước sẽ gặp phải trong giai đoạn 2016 -2020, trong đó thách thức lớn nhất đối với việc thực thi đề án tái cơ cấu chính là phải đạt được sự thực chất.
Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt, sẽ dẫn tới mô hình quản trị của doanh nghiệp cũng không đạt được như mong đợi. Và như vậy, vốn và mô hình đã không đạt được, lợi nhuận chắc chắn sẽ không đạt được.
Do đó, theo vị diễn giả này, thách thức lớn nhất nằm ở bản thân DN chứ không phải vấn đề cơ chế, vì cơ chế luôn đi sau thực tế, luật không thể vừa mới làm ra đã phù hợp ngay.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra quan điểm, càng ngày sẽ càng có nhiều DN có vốn Nhà nước bị loại bỏ.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cập nhật xu thế để tồn tại và phát triển, vì chắc chắn Nhà nước sẽ không tạo ra sân chơi thứ ba. Do đó, Nhà nước sẽ không thể quyết định hoặc can thiệp vào việc đấu tranh hay hợp tác giữa 2 khu vực kinh tế này.
Để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả và được đẩy nhanh, hầu hết các chuyên gia kinh tế, diễn giả tham gia diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 đều cho rằng, phải thúc đẩy bằng được quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của khu vực DN này.
Việc để tiến trình cổ phần hóa chậm chính là nguyên nhân của việc tái cơ cấu khu vực DNNN trở nên ì ạch. Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần phải thấy rõ trách nhiệm của Bộ chủ quản và DN là rất quan trọng. Thời gian vừa qua tiến trình diễn ra chậm là do vấn đề này. “Chúng ta thấy, trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2016) nhiều chỗ bị chậm nhưng chưa thấy ai bị xử lý” – ông Lực đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, các diễn giả, chuyên gia cũng đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là cần xóa bỏ tư duy “ưu ái” DN lớn, DN nhà nước mà bỏ quên quyền lợi của DN vừa và nhỏ.
“DN Nhà nước hiện nay đang nắm giữ khu vực kinh doanh trong nền kinh tế, đang nắm giữ nguồn lực của nền kinh tế, nên cơ cấu lại khu vực Nhà nước và thoái vốn ra khỏi DNNN sẽ tạo cơ hội cho DN tư nhân mua cổ phần, tạo cơ hội lớn cho DN tư nhân trở thành nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, để cơ hội đó trở thành hiện thực, cần có kế hoạch cụ thể đồng thời phải rất quyết liệt trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa” – TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. |