Chanh đào rớt giá, người trồng lao đao
Từ khan hiếm với giá bán trên trời, đem lại lợi nhuận cao nên chanh đào – một trong những thứ cây trồng ở đất Cao Phong (Hòa Bình) nhanh chóng được trồng trên diện rộng với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, do thị trường không ưa chuộng, cung vượt cầu đã làm nhiều người ôm nợ.
Từ cây có giá trị kinh tế, chanh đào nhanh chóng mất giá.
Ngoài cam và một số cây đặc sản có tiếng khác trên miền đất được mệnh danh là “vương quốc hoa quả” như Cao Phong thì cây chanh đào (chanh có ruột đỏ khác chanh truyền thống) cũng đã có mặt ở đây.
Tuy nhiên, ngày ấy, người Cao Phong cũng như người Hòa Bình chỉ coi cây này là cây trồng xen. Hơn chục năm trước chanh đào ở đất Cao Phong chỉ có giá khoảng vài nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên sau khi được đồn thổi giá mỗi vụ ngày một tăng. Cao điểm nhất phải kể đến năm 2012, giá chanh đào bán ra thị trường đạt mức độ “phi mã”, lên đến 50.000-60.000 đồng/kg.
Trước hiệu quả kinh tế của cây chanh đào nhiều hộ đầu tư mở rộng diện tích, bỏ đất để trồng chanh đào. Nhiều cây trồng truyền thống bị đốn bỏ, đất đai được mua bán chuyển đổi, chanh đào loang nhanh với những diện tích chóng mặt.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ 3 - 4 năm sau, diện tích tăng, sản lượng lớn, thị trường ủ uột nên chanh đào đã mang lại nỗi buồn cho không ít người. Bước vào năm nay, giá chanh đào rớt thảm hại, thậm chí dân chả muốn thu để bán nữa dẫn đến cảnh chanh đào rụng thối đầy gốc.
Anh Ngô Văn Thắng, Khu 1 thị trấn Cao Phong cho biết: Nhà tôi có vài nghìn mét đất nhận khoán của Công ty rau quả Cao Phong. Do đất không đẹp lại thấy cây chanh dễ chăm sóc, thu hoạch cao nên quyết định trồng. Mấy năm đầu thu hoạch, trên 20.000 đồng/kg, vườn chanh nhà anh đã đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng.
Có thời điểm giá được trên 50.000 đồng/kg, gia đình anh có thu đến gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay giá chanh giảm đột ngột do lượng chanh nhiều mà người mua ít nên từ số thu trăm triệu thì nguồn thu vườn chanh nhà anh đã “tụt đáy”.
Như năm ngoái, tổng kết cả bán sỉ đến bán lẻ vườn chỉ đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng, tính khéo mới đủ chi phí phân thuốc sâu còn không có tiền công.
Cũng mê mẩn bởi giá chanh đào những ngày vượng, không nề hà, chị Lê Thị Mai, ở khu 4 thị trấn Cao Phong dành một lượng lớn đất đai để đi trước, đón đầu với loại cây này.
Ngày đêm mua, nhân giống và chăm sóc nên gia đình chị cũng là một trong những gia đình có chanh đào để bán sớm trên đất Cao Phong. Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng chẳng kéo dài được bao nhiêu. Theo chị Mai, trồng năm 2011, năm 2014 chanh nhà chị bước vào thu và vụ đầu đã đem lại thu nhập đến vài chục triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như các hộ trồng chanh đào khác, năm ngoái giá xuống thấp và bước vào niên vụ năm 2016 này giá rớt thảm hại đến không ngờ. Giờ chả biết thế nào?
Để thì thương, vương thì tội. Bao nhiêu công đầu tư giống má làm đất, giờ để thì không có lợi nhuận mà chặt bỏ thì cũng tiếc. Đành đánh bạc thêm năm nữa xem thế nào không thì phải chặt chanh để dọn vườn và trồng cây khác thôi! – Chị Mai bùi ngùi.
Với những người dân sở tại khi họ có đất, chanh tụt giá đã phải méo mặt nhưng tội nhất là những người vùng xa đến đây bỏ tiền mua đất để trồng chanh.
Những người này phần lớn là những người chậm chân, khi chanh có thu thì cũng là lúc tụt giá nên chỉ còn nước méo mặt với hai chữ: Ôm nợ! Trong những người ở miền dưới lên Cao Phong đầu tư đất với hy vọng làm giầu phải kể đến anh Thành Xuân. Vốn có cửa nhà Hà Nội tử tế, nhưng hai chữ trang trại và làm giầu trong đó có cây chanh đào cũng đưa đường dẫn lối cho anh lên với Cao Phong.
Anh Thành Xuân cho biết, lúc lên đất Cao Phong, chanh đào đang ở thời kì hoàng kim nhất. Tính toán, với lợi nhuận khó sánh kịp nên không nề hà anh đã huy động anh em để vay mượn, giắt lưng đến gần 4 tỷ đồng lên đây mua đất.
Do không phải người bản địa, không phải người quen lao động nên tất tần tật mọi thứ anh phải thuê nhân công. Khu đất rộng gần 3ha được phủ kín chanh, 4 tỷ đồng tiêu đến đồng cuối, đang khấp khởi hy vọng nguồn thu về với mình thì đùng cái chanh đào hạ giá. Hướng làm ăn kinh tế đầy hứng khởi của anh đã hiển hiện trước mắt một sự trắng tay.
Tâm sự, anh Thành Xuân cho biết, sang năm vườn nhà mới bước vào thu chính. Thế nhưng 2 năm nay giá chanh đào liên tục tụt và đến giờ còn rẻ hơn rau nên không biết làm cách nào được nữa.
Giờ quay về thì ôm nợ, mất nhà mà nếu trồng cây khác thì lấy tiền đâu và biết trồng cây gì ? Cam Cao Phong đã được các nhà quản lý khuyến cáo không nên mở rộng diện tích nữa rồi. Trồng mía cũng không ổn còn bưởi da xanh thì giờ có trồng, đến lúc bán được cũng không kịp thiên hạ nữa rồi.
Theo cán bộ Phòng NN&PTNT Cao Phong, ngoài cây cam, cây mía – vốn là những cây có thế mạnh, truyền thống thì các cây trồng khác trong đó có chanh đào đều là những cây trồng mang tính tự phát.
Chanh đào chỉ là cây thức thời và đều được người dân nhân trồng theo sự đồn thổi, tính bền vững và thị trường đều không ổn định nên việc xuống giá thậm chí thua lỗ là cái khó tránh.
Cũng theo Phòng NN&PTNT Cao Phong thì hiện nay qua khảo sát và giới thiệu đã có một số cá nhân lên đây mua chanh đào để chiết xuất tinh dầu. Nếu được thị trường chấp nhận thì đây sẽ là hướng đi mới để gỡ khó cho người trồng chanh đào trên đất Cao Phong. Nhưng đấy còn là một câu chuyện… khá xa!