Đối thoại để cải cách

Thanh Giang 03/12/2016 12:35

Mấy ngày qua Bộ Tài chính liên tục thực hiện đối thoại với doanh nghiệp cả nước ở hai thành phố lớn là TP HCM và TP Hà Nội, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan. Bộ Tài chính một lần nữa đánh giá cao kết quả đóng góp không nhỏ của lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp giúp thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng và phát triển. Bộ này hy vọng đà phát triển thời gian qua sẽ được duy trì, nỗ lực thúc đẩy hơn nữa bởi những cải cách đáng kể của ngành.

Đối thoại để cải cách

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp vẫn băn khoăn về quy trình xử lý của cơ quan thuế, hải quan. (Ảnh: S.Xanh).

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế chung cũng như thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ Tài chính cam kết tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế và hải quan.

Bằng chứng, nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ. Trong lĩnh vực thuế bãi bỏ 32 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 40 thủ tục, triển khai nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử,…

Lĩnh vực hải quan vừa công khai vừa đơn giản thủ tục, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với 73 thủ tục hành chính chính yếu. Đặc biệt, giảm thời gian thông quan hàng hóa từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng nhập khẩu.

Cũng như các cuộc đối thoại trước đó, hai cuộc đối thoại lần này Bộ Tài chính tiếp tục cam kết đơn giản hóa thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, khi một chính sách ra đời có thể là thuận lợi cho doanh nghiệp này nhưng khó khăn cho doanh nghiệp khác. Bộ Tài chính cố gắng tháo gỡ vướng mắc của các thủ tục để đảm bảo sự hài hòa về lợi ích cho các bên.

Có thể thấy Bộ Tài chính, các địa phương nỗ lực thực hiện Nghị quyết 19 (trước đây) và Nghị quyết 35 theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kết quả, lĩnh vực thuế và hải quan có sự cải thiện thông qua chỉ số đo lường, lượng hóa cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên điểm số hài lòng mà doanh nghiệp chấm cho cơ quan thuế, hải quan chưa cao. Không phủ nhận những cải cách thủ tục mang tính vượt bậc của ngành thuế, hải quan song doanh nghiệp vẫn băn khoăn, quan ngại về nhiều vấn đề. Bởi thực tế vẫn còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải chịu đựng.

Bức xúc nhiều nhất của cộng đồng doanh nghiệp không thể không nhắc đến là vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo quy định, doanh nghiệp được hoàn thuế trước kiểm tra sau nhưng ngành thuế lại áp dụng phương án kiểm tra trước hoàn sau.

Thuận theo quyết định xử lý của cơ quan thuế, thế nhưng doanh nghiệp mỏi mòn chờ đợi vẫn không được hoàn. Một doanh nghiệp từng than thở, doanh thu một năm của công ty là 400 tỷ đồng, trong đó nộp thuế 40 tỷ đồng thuế VAT.

Thế nhưng sau 5 năm thành lập đến nay công ty này chỉ nhận lại được 1 tỷ đồng tiền hoàn thuế (!). Thực tế cho thấy, quy định thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế chỉ 40 ngày, vậy mà quan thuế có thể kéo dài một năm, thậm chí “im hơi lặng tiếng” trong vài năm cơ.

Bị nợ đọng tiền hoàn thuế kéo dài, cũng có nghĩa là làm giảm nguồn vốn, giảm khả năng kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Quan trọng hơn, còn làm suy giảm niềm tin, động lực của cộng đồng doanh nghiệp vào sự cải cách của bộ máy hành chính.

Nghịch lý hơn, cơ quan thuế chậm hoàn thuế VAT buộc doanh nghiệp phải chịu đựng nhưng doanh nghiệp chậm nộp thuế thì truy thu rất nhanh.

Không ít doanh nghiệp than vãn phải chạy đôn, chạy đáo đến ngộp thở vì quyết định truy thu sai quy định khiến các đơn vị sản xuất có nguy cơ mất hàng tỷ đồng.

Nghĩa là theo quy định cũ, mặt hàng A nào đó không bị áp thuế hoặc áp thuế với mức thấp nhưng hải quan lại thực hiện theo quy định mới đối với những lô hàng cũ.

Chưa dùng lại ở đó, doanh nghiệp còn kêu trời về thời gian thực hiện kiểm tra chuyên ngành kéo dài trong nhiều tháng.

Cụ thể, có doanh nghiệp nhập hàng về cảng Hải Phòng, hải quan ở đây thông báo C/O hàng bị sai so với kết quả phân tích sản phẩm. Mong muốn xử lý sớm lô hàng nhập khẩu doanh nghiệp chủ động gửi văn bản lên Cục Hải quan Hải Phòng hỏi kết quả.

Thế nhưng sau 3 tháng thông tin phản hồi mới về đến doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan giúp giảm bớt chi phí và thời gian cho doanh nghiệp song bớt về chi phí thủ tục thì doanh nghiệp lại vướng phải những quy định khác tréo ngoe. Điều này chứng tỏ, tháo điểm rối chỗ này lại phình điểm khó chỗ khác.

Rõ ràng, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vẫn ráo riết tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục cho doanh nghiệp, thế nhưng nhiều địa phương vô tư áp dụng một mình một kiểu, làm khó hoạt động kinh doanh.

Thực tế đang đòi hỏi, môi trường kinh doanh phải cải thiện hơn nữa nhằm bắt nhịp được với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trường hợp cải cách thủ tục chậm chạp doanh nghiệp không tận dụng được thời cơ thì nguy cơ nằm ngoài cuộc chơi trên thương trường không biên giới là khó tránh khỏi. Việt Nam hội nhập kinh tế với các nước kèm theo đó là đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn.

Mục tiêu, Việt Nam có nằm trong top ASEAN + 6 hay ASEAN + 4 về môi trường kinh doanh hay không phụ thuộc khá lớn vào hoạt động cải cách thủ tục thuế, hải quan.

Vấn đề đặt ra ở đây, cần tính nhất quán từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai chương trình hành động về cải cách thủ tục.

Song song với hoạt động cải cách thủ tục thuế, hải quan tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cần có sự bình đẳng, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Không thực hiện đúng quy định, doanh nghiệp bị phạt, nhưng khi cơ quan quản lý sai sót trong việc áp dụng quy định doanh nghiệp cũng phải gánh chịu thiệt hại là bất ổn.

Muốn cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan có hiệu quả cần quy trách nhiệm cho đơn vị, cán bộ quản lý chứ không thể buông lỏng như hiện nay rồi quy hết về một đầu mối chịu thiệt là doanh nghiệp.

Thanh Giang