Tầm soát sớm để giảm gánh nặng ung thư vú
Ngày 2/12, tại Bắc Ninh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội nghị truyền thông phòng chống Ung thư vú cho phụ nữ năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe vòng một nói”.
Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư vú là loại bệnh phổ biến nhất của phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư vú là 1 trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Năm 2010 có hơn 12.500 trường hợp mắc ung thư vú và con số này ước tính lên tới hơn 22.600 trường hợp trong năm 2020.
Trong đó, ung thư vú có HER2 dương tính, chiếm 25% đây là loại ung thư vú có diễn tiến xấu và cần liệu pháp điều trị đặc hiệu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành ung thư, ở Hà Nội và TP HCM, bệnh ung thư vú chiếm tỷ lệ 20- 30% trong số các bệnh ung thư.
Ung thư vú mắc ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là từ sau 40 tuổi. Đa số bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn (chiếm từ 70% đến 80%) khiến việc điều trị thêm khó khăn.
Xu hướng mắc bệnh không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Ung thư có thể mắc ở mọi lứa tuổi, các vùng địa lý và mọi hoàn cảnh không kể giàu nghèo.
Điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú.
Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ 40 tuổi trở lên) là rất quan trọng, không những giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh, mà còn giảm gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là chi phí điều trị.
Theo bà Trần Thị Hương- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, một trong những lý do dẫn đến việc phát hiện ung thư vú muộn ở Việt Nam là nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này chưa thực sự đầy đủ.
Đặc biệt, là ý thức khám phát hiện sớm và phòng ngừa còn hạn chế. Phần lớn, chị em trong lứa tuổi nguy cơ chưa biết cách tự khám vú và phát hiện sớm bệnh.
Trong khi, đây lại là nền tảng quan trọng để kiểm soát UVT, giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị căn bệnh này cho chị em.
Vì vậy, việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho chị em trong phòng chống UTV đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của chị em.
Hội nghị đã phổ biến kiến thức và khuyến khích khám tầm soát, duy trì các hoạt động thể lực và ăn uống vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh; tổ chức giao lưu và tọa đàm chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm bệnh nhân chống chọi với căn bệnh ung thư vú; phát động bài tập Yoga tăng cường thể lực; đặc biệt, phối hợp tổ chức với Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng tầm soát ung thư vú cho hơn 300 hội viên Hội liên hiệp phụ nữ có độ tuổi trên 40 tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh…