Đoàn kết, đổi mới, tạo điểm nhấn trong công tác Mặt trận
Ngày 3/12, phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác Mặt trận cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2016, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận 9 tỉnh trong cụm thi đua tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chủ động hơn nữa về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điểm nhấn để có sức chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2017.
Cùng dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
"Dân hiểu, dân sẽ không kiện nữa”
Giao ban cụm Đồng bằng sông Hồng năm 2016 gồm 9 tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình là giao ban cụm thứ hai trên cả nước tổ chức giao ban cụm thi đua theo hướng dẫn mới của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đồng bằng sông Hồng là khu vực có nhiều thế mạnh về giao thông, tài nguyên thiên nhiên cũng như tiềm năng du lịch và tiềm năng nhân lực con người.
Phát huy những lợi thế này, trong năm 2016, phần lớn các tỉnh trong Cụm đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, mỗi tỉnh đều có những mô hình, điểm sáng rất cụ thể.
Tuy nhiên, việc có nhiều thế mạnh cũng kéo theo áp lực thách thức trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và công tác Mặt trận nói riêng.
Ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình cho biết, Thái Bình đã tập trung nâng mức chi cho đại biểu dân cử, đưa mức hoạt động của các đoàn thể cơ sở tăng 1,5 lần so với kỳ trước.
Đặc biệt trong việc thực hiện chức năng giám sát đầu tư cộng đồng và xây dựng nông thôn mới- một nhiệm vụ mà ông Giang cho rằng “nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định cao”, Mặt trận Thái Bình đã có nhiều nỗ lực đổi mới trong việc tham mưu, phối hợp cùng với chính quyền.
Ví dụ, trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới có hai nhóm chủ trì là cấp xã và cộng đồng dân cư.
Mặt trận cấp xã đã tham mưu các công trình do cấp xã quản lý phải có sự giám sát của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Với nhóm công trình đường giao thông, hạ tầng thì nhân dân tự giám sát và đóng góp bằng tiền, ngày công để thực hiện toàn bộ hạng mục và giảm được chi phí.
Với cách làm này, theo ông Đặng Thanh Giang, Thái Bình phấn đấu hết năm 2016 sẽ có 200 xã về đích nông thôn mới chiếm 76%, vượt xa so với chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra.
Trong công tác đối thoại với nhân dân, theo ông Phạm Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, để tránh "vỡ trận", Mặt trận Ninh Bình đã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận tại hơn 45 khu dân cư trong tỉnh lắng nghe xem nội dung nào nhân dân cần nhất, trong đó có vấn đề quản lý đất đai, chuyển đổi nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách người có công.
Từ đó, Ninh Bình đã tổ chức mỗi đơn vị đối thoại với nhân dân được 1 lần, mỗi cuộc đối thoại đề cập đến vấn đề và chọn một địa điểm tiêu biểu. Và cũng nhờ đó, việc khiếu kiện vượt cấp giảm rất nhiều trong năm 2016.
"Dân hiểu rồi nên dân không kiện nữa. Qua công tác này, lãnh đạo tỉnh và nhân dân đánh giá Mặt trận tổ quốc gần gũi và lắng nghe nhân dân nhiều hơn, được nhân dân tin yêu hơn", ông Phạm Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình khẳng định.
Cần ban hành Nghị quyết về Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những mong mỏi và bức xúc nhất hiện nay của người dân.
Đó là lý do mà năm 2016, trong số nội dung giám sát của mình, Mặt trận lựa chọn một nội dung mới là giám sát về ATTP. Việc mới và không dễ làm nhưng đã có những điểm sáng để người Mặt trận vững tin hơn trong hành trình gian khó này.
Hà Nam là cái tên được nhắc tới nhiều và xem như một điểm sáng trong việc sản xuất sạch. Chính vì lý do đó, Hà Nam được chọn là "điểm đến" trong chuyến giám sát đầu tiên của Mặt trận về an toàn thực phẩm vào hồi đầu năm nay, mở đầu cho hàng loạt cuộc giám sát về ATTP trong năm 2016.
Với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, Hà Nam đã hình thành Đề án phát triển cây trồng hàng hóa chất lượng cao.
Đặc biệt, Hà Nam còn mở cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa, thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng’’, coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm chia sẻ công tác giám sát an toàn thực phẩm với các đại biểu tại hội nghị.
Theo bà Hà Thị Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Mặt trận là phải hướng về cơ sở, phải có mô hình thiết thực để triển khai nhiệm vụ quan trọng này.
Mặt trận tỉnh Hà Nam đã tổ chức tập huấn cho 200 đại biểu chuyên trách và triển khai điểm ở xã đồng thời chọn khu dân cư điểm trong “Xây dựng người Hà Nam sản xuất tiêu dùng thực phẩm sạch tại mỗi khu dân cư".
Tuy nhiên, để cuộc vận động đạt được hiệu quả như mong muốn, bà Hà Thị Minh Tâm đề xuất, Mặt trận kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về thi hành Luật An toàn thực phẩm.
Cũng tại hội nghị giao ban cụm, các đại biểu đã tập trung trao đổi làm rõ nhiều vấn đề để công tác Mặt trận cụm Đồng bằng sông Hồng sẽ đóng góp tích cực trong việc tận dụng và phát huy những thế mạnh vốn có của mình để cùng với chính quyền địa phương phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ văn hoá và đảm bảo an ninh trên địa bàn dân cư.
Phát huy tối đa vai trò giám sát
Trân trọng những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận cụm Đồng bằng sông Hồng trong năm qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII MTTQ Việt Nam.
Đồng bằng sông Hồng là khu vực có bờ biển dài, vì vậy, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, công tác tuyên truyền của Mặt trận cần gắn bó mật thiết với Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ hơn nữa về vấn đề chủ quyền, biên giới phối hợp với chính quyền có nhiều phương cách hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển.
Việt Nam là một nước có sản xuất nông nghiệp làm nền tảng, nông nghiệp và nông thôn đã góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu đưa nước ta sắp tới cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Trên chặng đường tiến tới mục tiêu quan trọng này, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ cần đặc biệt chú ý. Bởi công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Do vậy, một trong những nội dung quan trọng của Mặt trận trong năm 2017 là tập trung triển khai đồng bộ các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong thời gian sắp tới, Mặt trận sẽ triển khai hướng dẫn Nghị quyết liên tịch số 88/NQ-LT ngày 7/10/2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đồng bằng sông Hồng giữ vai trò là cửa ngõ phía bắc của Tổ quốc với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, cảng biển, cửa khẩu và đường biên giới… nối với các vùng kinh tế trong nước và mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới.
Cho nên, theo ông Trần Thanh Mẫn, trong thời gian tới, công tác Mặt trận cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại khu vực này. "Việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt là góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển, đất nước mới phát triển".
Trong thời gian qua, áp lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của nhiều địa phương đã kéo theo nhiều hệ lụy nhất là việc ảnh hưởng đến môi trường.
Đồng bằng sông Hồng cũng là khu vực phát triển kinh tế nhanh, mạnh, tập trung nhiều khu công nghiệp, vì vậy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong thời gian tới, Mặt trận các tỉnh trong Cụm cần phát huy tối đa vai trò giám sát của mình để giám sát việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu công nghiệp, các nhà máy cùng với đó giám sát việc đảm bảo vệ sinh ATTP.
Riêng chương trình giám sát đảm bảo ATTP, Mặt trận đã có hẳn một đề án, chương trình phối hợp với Chính phủ trong 5 năm cho nên có trách nhiệm của chính quyền trong công tác phối hợp với Mặt trận.
“Người dân cần có sự nhận thức đúng đắn về môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể. Cần có các công cụ pháp lý nhằm xử lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường cũng như khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất sử dụng công nghệ sạch, tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế", ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại hội nghị.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, nhiệm vụ trước mắt của Mặt trận Cụm thi đua Đồng bằng sông Hồng là chăm lo cho người nghèo một cái Tết đầm ấm.
Trên tinh thần khách quan, dân chủ, đoàn kết, hội nghị đã thực hiện việc bình xét các danh hiệu khen thưởng để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét, quyết định. Hội nghị cũng đã thống nhất và giới thiệu tỉnh Hà Nam là Cụm trưởng cụm thi đua năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tTỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Mặt trận hoạt động hiệu quả nhờ có địa chỉ cụ thể Quảng Ninh hiện là địa phương đang thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung của khối Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Mặt trận Quảng Ninh hoạt động rất rõ việc, một năm chọn 1 đến 2 nội dung, địa chỉ cụ thể để làm. Nổi bật nhất có thể kể đến là Mặt trận và các tổ chức đoàn thể làm rất tốt việc vận động nhân dân, các nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo cùng tham gia vận động giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, trong thời gian rất ngắn Quảng Ninh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc, sân bay Vân Đồn. Năm 2017, Quảng Ninh chọn chủ đề là năm kỷ cương công chức và năm xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trong hai nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi đặt niềm tin vào trách nhiệm và vai trò quan trọng của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền và giám sát. |