Ô nhiễm hiện hữu khắp nơi

Hoàng Anh (tổng hợp) 04/12/2016 09:05

Do chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên hầu hết các làng nghề ở Hà Nội đều bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chính đời sống của người dân.

Trên địa bàn cả nước có nhiều nhà máy rác,
bãi xử lý rác lại gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ô nhiễm ở làng nghề: SOS!

Hà Nội hiện có 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với khoảng 60.000m3 nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của lượng lớn rác thải trong khi việc xử lý chủ yếu là chôn lấp, hoạt động thu gom chưa được thực hiện triệt để… khiến tình trạng ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm không khí tại các làng nghề đã tới mức báo động.

Do chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên hầu hết các làng nghề ở Hà Nội đều bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chính đời sống của người dân. Môi trường tại các làng nghề Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức); Kỳ Thủy, Thanh Lương (Thanh Oai); Hòa Khuê - Hạ (Phú Xuyên)… đã bị suy thoái nghiêm trọng. Kết quả khảo sát tại 40 làng nghề trên địa bàn của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội cho thấy, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai tại các làng nghề đều ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm tới mức báo động.

Điều đáng nói là hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề đều được thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý.

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có nơi lên tới hàng nghìn lần. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 3 làng chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Với đặc thù là nơi chế biến tinh bột, nên lượng nước thải ở đây lên tới 3.155.000m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, coliform cao hơn hàng nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần…

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng diễn ra tại xã Tân Triều (Thanh Trì). Tại làng Triều Khúc, các rãnh thoát nước trong làng dù đã được bê tông hóa, song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng xả thẳng xuống cống chung không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào.

Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho thấy, tỷ lệ những người mắc bệnh tại các làng nghề, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng.

Gây ô nhiễm, doanh nghiệp chây ỳ, dân lĩnh đủ

Người dân xã Tự Tân (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) phản ánh, nhiều năm qua, trại nuôi gia súc, gia cầm của Công ty CP Tập đoàn Quang Minh tại xã Tự Tân với quy mô lớn nhưng không có biện pháp bảo vệ môi trường. Không khí bị ô nhiễm nặng nề, nước thải xả thẳng ra cánh đồng Mả Trâu đen ngòm, lúa cấy đổ, không cho thu hoạch. Dân phải đóng cửa kín mít quanh năm, suốt tháng. Bốn xóm Phú Lễ, Đông An, Kiều Mộc và Nam Long thuộc thôn La Điền, xã Tự Tân nằm bao quanh trại nuôi gia súc, gia cầm của Công ty cổ phần tập đoàn Quang Minh. Gần mười năm nay, hễ công ty bật hệ thống quạt thông gió công suất lớn là ngay lập tức đánh mùi xú uế, nồng nặc đến các hộ dân quanh vùng. Gió thổi hướng nào thì xóm đó chịu ảnh hưởng nặng nề. Dân làm đơn kêu cứu lên xã nhưng đến nay ô nhiễm vẫn chưa được giảm thiểu.

Được biết, từ năm 2009 đến nay, công ty này đã bị xử phạt nhiều lần về hành vi gây ô nhiễm môi trường, chăn nuôi không đúng mục đích, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Tuy nhiên, công ty này không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt và yêu cầu của ngành chức năng dẫn đến việc người dân bức xúc khiếu kiện kéo dài.

Theo ông Hà Tuấn Anh, Phó Phòng TN&MT huyện Vũ Thư, trong tháng 8, tháng 9 vừa qua, UBND huyện hai lần gửi công văn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường tới Công ty này theo ý kiến phản ánh của cử tri xã Tự Tân. Tuy nhiên, cũng giống như lần làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Công ty cổ phần tập đoàn Quang Minh không trực tiếp làm việc, mà cử ông Phạm Ngọc Luân, cán bộ kỹ thuật và bà Trần Minh Hà, cán bộ phòng hành chính gặp gỡ đoàn, không có báo cáo theo nội dung yêu cầu từ trước, đồng thời từ chối, bất hợp tác khi đoàn đề nghị khảo sát khu trại nuôi hàng vạn con gà đẻ và lợn rừng.

Lực bất tòng tâm?

Nhiều năm qua ở Tuyên Quang, việc xử lý rác thải y tế gặp nhiều khó khăn bởi đa số các bệnh viện đều được xây dựng từ lâu, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu, đội ngũ nhân viên xử lý chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không được tập huấn, đào tạo bài bản. Tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Yên, trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 60kg rác thải y tế. Lò đốt được đầu tư xây dựng từ năm 2008 nên không có hệ thống xử lý khí thải vì vậy không thể kiểm soát được các khí độc hại có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cũng như môi trường.

Theo ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, tại bệnh viện này rác thải y tế sau khi được phân loại cho vào đốt luôn trong ngày, trung bình mỗi ngày đơn vị đốt khoảng 105kg rác thải nguy hại. Tuy nhiên, hệ thống lò đốt đã cũ, thường xuyên hỏng, đặc biệt là mùa mưa. Trong khi đó, lượng chất thải y tế quá lớn, quá trình đốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân quanh vùng. Để khắc phục, đơn vị đã cho nối thêm ống khói, sửa đầu đốt sơ cấp nhằm giảm phần nào ảnh hưởng của khí thải, đồng thời chỉ đạo nhân viên phải đốt đúng quy trình…

Không chỉ rác thải rắn, việc xử lý nước thải y tế còn khó khăn gấp bội bởi hầu hết hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện, đặc biệt ở tuyến huyện đã xuống cấp, không còn phù hợp.

Trong số 14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, có đến 5 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải mà nguyên nhân là do xây dựng mới nên không được đầu tư. Nhiều bệnh viện sử dụng các hệ thống xử lý đã cũ và xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn về môi trường.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, trung bình mỗi ngày toàn bộ hệ thống bệnh viện trên địa bàn thải ra khoảng 500kg rác thải y tế, phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là đốt. Đa số các lò đốt được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, trong khi đó, chưa có cán bộ chuyên trách, cán bộ được phân công phụ trách thì chưa được tập huấn xử lý rác thải. Cũng theo bà Mai, các lò đốt rác đều phải hoạt động thường xuyên nên việc bảo dưỡng, sửa chữa ngắt quãng. Kinh phí dành cho việc tu sửa, kiểm định, đánh giá tác động môi trường cũng chưa có. Ngành y tế tỉnh Tuyên Quang đã xác định nếu không được xử lý tốt, chất thải y tế có thể gây tác hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường nhưng “lực bất tòng tâm.”

Công ty Đông Xuân (Hà Nam) “đầu độc” môi trường

Công ty TNHH Nông nghiệp và xây dựng Đông Xuân hiện có 3 trại nuôi lợn, với tổng diện tích trên 12ha, nằm trên địa bàn 2 xã: La Sơn, Tiêu Động của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ khi đi vào hoạt động, trại nuôi lợn của Công ty đã xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường xung quanh khiến người dân bức xúc. Theo ông Nguyễn Kinh Luân (người dân địa phương) phản ánh, từ khi trại lợn của Công ty Đông Xuân chăn nuôi đến nay, ruộng lúa gia đình ông liên tục bị sụt giảm năng suất. Nhất là vào vụ lúa những năm gần đây mỗi sào chỉ được từ 50kg đến 70kg/sào, so với trước mất đi 1/3 sản lượng. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa lúa, ông Luân khẳng định là do việc lấy nước tưới từ kênh bị ô nhiễm.

Không những lúa bị mất mùa mà khi, người dân làm ruộng do tiếp xúc nước ô nhiễm nặng về đều bị mẩn ngứa, mắc các bệnh ngoài da. Ông Nguyễn Đình Tâm, Trưởng thôn Tiên Quán, chia sẻ: Đã nhiều lần ông đại diện cho người dân ý kiến với chính quyền các cấp trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng chính quyền không hề đả động gì đến sai phạm của công ty này. Việc xả thải từ trại lợn của Công ty ra môi trường không những giảm mà ngày một nhiều, khiến những thửa ruộng của thôn đều bị mất mùa. Trong thôn, 100% người dân làm nông nghiệp, đời sống chỉ trông chờ vào ruộng vốn khó khăn, nay càng thêm bí bách.

Khốn khổ vì hơn ngàn tấn rác tồn đọng

Thời gian qua, Nhà máy xử lý rác Thủy Phương, thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) đã không xử lý hết lượng rác nhập về, dẫn đến cả ngàn tấn rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà máy xử lý rác Thủy Phương hoạt động từ năm 2007, tiếp nhận và xử lý rác từ các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế, với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày.

Sau khi phun hóa chất diệt ruồi, muỗi, chế phẩm khử mùi thì rác thải được tách, tuyển, phân loại, tận thu bao nilon sau đó sẽ được chọn ủ thành phân rác; hoặc đưa vào lò đốt; riêng phần còn lại chủ yếu là rác trơ được đổ vào bãi chôn lấp Thủy Phương. Tuy nhiên suốt nhiều tháng qua, do nhà máy này ngừng hoạt động một lò đốt nên trong khoảng 200 tấn rác được nhập về mỗi ngày thì chỉ xử lý được 100 tấn, riêng gần 100 tấn còn lại đã phân loại được chất thành những đống lớn trong khuôn viên nhà máy…

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân Thủy Phương đã nhiều lần phản ánh vấn đề ô nhiễm này, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Phạm Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Thủy Phương thừa nhận, hiện nhà máy đang còn tồn đọng hơn 1.000 tấn rác từ quý 1/2016 và đến nay chưa thể xử lý hết.

Ông Lê Bá Phúc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, đơn vị đã lập đoàn liên ngành cùng với UBND thị xã Hương Thủy và phường Thủy Phương kiểm tra, phát hiện nhiều vị trí rò rỉ nước rác từ Nhà máy xử lý rác Thủy Phương ra môi trường nên đã lấy mẫu kiểm tra; đồng thời đoàn đã lập biên bản và yêu cầu phía nhà máy có văn bản cam kết xử lý dứt điểm rác tồn đọng. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Nhà máy xử lý rác Thủy Phương, phải đến giữa năm 2017, số rác thải tồn đọng mới được xử lý hết sau khi đưa lò đốt mới lắp đặt vào sử dụng.

Hoàng Anh (tổng hợp)