Vươn lên trên đá

Phương Nguyên 05/12/2016 10:10

Mô hình Tổ hợp tác (THT) nhỏ và vừa ra đời nhằm tạo công việc, giúp người dân có điều kiện “vươn lên cùng đá núi” tại xã Sảng Tủng (Đồng Văn, Hà Giang).

Mô hình THT may đã giúp nhiều người dân Sảng Tủng có cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Trong phong trào phát triển kinh tế, nhất là từ khi hợp tác xã ra đời, nắm bắt cơ hội cho người dân, tại Sảng Tủng đã cho ra đời nhiều mô hình THT.

Chỉ trong thời gian ngắn, mô hình ra đời đã đem lại thu nhập thêm cho bà con, tạo ra niềm phấn khởi cho họ. Trên con đường gập gềnh đá, trong các mô hình THT đang phát huy hiệu quả, chúng tôi tìm đến THT may Minh Khoa nằm tại thôn Tả Lủng B.

Thôn Tả Lủng B có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc thành lập THT may mặc – chuyên may y phục như váy, khăn cho đồng bào Mông. Nghề may mặc cũng là nghề có truyền thống lâu đời trong thôn nhưng chủ yếu hoạt động riêng lẻ, chưa đi vào quy củ.

Tháng 1/2015, THT thành lập với 10 tổ viên được thành lập. Quy ước hỗ trợ ban đầu được định hình, khi tham gia vào THT, tổ viên sẽ được hỗ trợ 1 máy may tại nhà và 5 triệu đồng tiền mặt để mua vải.

Đến nay, nhận thấy rõ được hiệu quả của THT, nhiều chị em cũng xin tham gia, nâng tổng số lên 25 tổ viên; trong đó, nhiều tổ viên có kinh nghiệm còn tự mua thêm máy may, thuê thêm nhân công đến làm việc.

Vừ Thị Máy, là tổ viên có kinh nghiệm nhất Tổ may Minh Khoa cho biết, chị làm nghề may đã được 5 năm. Trước khi thành lập Tổ may mặc tận dụng những ngày nhàn rỗi chị cũng đã làm may.

Năm vừa rồi, khi thành lập THT, chị cùng tham gia để giúp đỡ được nhiều chị em mới. Hiện, gia đình chị Máy đã có 4 máy may, ngoài ra chị còn thuê thêm 3 thợ.

Theo tìm hiểu, mỗi tháng, mỗi chị em có thể thu nhập thêm từ 4-5 triệu đồng và vẫn có thể làm các công việc gia đình, chăn nuôi thêm bò, lợn.

Nghề may trang phục ở thôn Tả Lủng B chủ yếu là tự may tự bán. Sản phẩm được bày bán tại các chợ phiên vùng cao, gia đình có điều kiện đi lại có thể mang sang chợ phiên của các huyện lân cận như Yên Minh, hay chợ trung tâm thị trấn.

Không chỉ tạo ra thu nhập cho các tổ viên mà THT còn có thể tạo thêm công việc cho nhiều chị em chưa có điều kiện mua máy may tại nhà.

Được biết, những chị em chưa có máy được các tổ viên thuê đến may có thể được trả từ 1,5- 2,5 triệu đồng/tháng tuỳ vào khả năng làm việc.

Chị Vàn Thị Khen, Tổ trưởng tổ may mặc Minh Khoa cho biết: Mục đích chính của THT là tạo thêm công việc cho chị em trong thôn những ngày nông nhàn và giúp tăng thêm thu nhập. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của chúng tôi khá ổn, nên tiêu thụ được hết các sản phẩm.

Tuy nhiên, mong mỏi chung của chị em trong tổ là có thể xây dựng được một gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Phương Nguyên