Những năm tháng không thể nào quên

(Hồi ức của cố nhà báo Nguyễn Tiêu – nguyên Tổng biên tập báo Cứu Quốc – Đại Đoàn kết) 05/12/2016 09:10

Thế là chấm dứt thời kỳ ở rừng và cũng chấm dứt luôn thời kỳ chúng tôi làm báo hàng ngày. Bước vào giai đoạn mới, báo Nhân dân sẽ ra hằng ngày và báo Cứu Quốc chuyển sang hàng tuần. Lúc này anh Nguyễn Thành Lê được điều sang làm Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân và anh Nguyễn Ngọc Kha thay anh Lê làm Tổng biên tập báo Cứu Quốc.

Tòa soạn báo Cứu Quốc tiễn đồng chí Tô Hòa (tức Năm Phượng) đi B năm 1970.
Sau này nhà báo Tô Hòa là Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng.

Cơ quan chuẩn bị đóng gói tài liệu để về Hà Nội vào ngày 10/10/1954. Tôi được lệnh vào Hà Nội trước một ngày. Trở lại Thủ đô yêu dấu mà tôi đã sinh ra, lớn lên và hoạt động ở đấy, đến chiều tối 19/12/1946 mới ra đi, lần đầu tiên trong đời xa Hà Nội. Tám năm xa Hà Nội, bây giờ lại về, đường sá nhộn nhịp. Những cô gái Hà Nội quần trắng áo màu, đạp xe băng băng ngoài phố. Nhân dân nô nức nhưng một cách kín đáo chuẩn bị đón đại quân vào tiếp quản thành phố. Nhìn lại những con đường, những phố ngõ cũ, nước mắt cứ trào ra.

Chúng tôi tạm ở trong trại Đồn Thủy – Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108 ngày nay. Một tuần sau khi tiếp quản, cơ quan báo được đóng tại 66 Gia Long (tức 66 Bà Triệu hiện nay). Chúng tôi phải ra sức tẩy uế, vì nơi đây là nơi ăn uống, chơi bời, nhảy nhót của bọn lính tây.

Ngoài một số cán bộ cùng sang báo Nhân Dân với anh Lê, số còn lại khoảng hơn bốn mươi người, kể cả cấp dưỡng, giao thông. Trụ sở có rồi, bộ máy có rồi, giờ chỉ còn bàn xem làm báo Cứu Quốc hàng tuần thế nào. Ý kiến thảo luận được tập hợp lại và đưa lên xin ý kiến quyết định của cấp trên.

Cứu Quốc vẫn giữ tên cũ, vì nửa nước chưa giải phóng, nhiệm vụ cứu quốc chưa hết. Về đối tượng, Mặt trận thông qua ý kiến của tòa soạn, báo nhằm các thành phần trong Mặt trận, chủ yếu là các tầng lớp tiểu tư sản trở lên. Báo vẫn giữ tính chất toàn quốc, song nặng về các thành phố, nhất là Thủ đô Hà Nội.

…Báo Cứu Quốc hàng tuần ra số đầu tiên ngày 16/10/1954. Trong số này, Cứu Quốc tiếp tục đăng loạt bài “Chuyện gần xa” của tác giả Đ.X (bút danh của Bác Hồ). Dưới bút danh này, Bác là cộng tác viên thường xuyên của báo từ nhiều năm qua.

… Đầu tháng 1/1955, Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc đề ra chủ trương mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất đã được nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài hoan nghênh nhiệt liệt. Một ban vận động Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc được thành lập gồm đại diện các chính đảng, các đoàn thể, các nhân sĩ yêu nước. Báo Cứu Quốc hồi đó phản ánh đậm nét về việc các nơi sôi nổi hoạt động tiến tới Đại hội Mặt trận toàn quốc. Ngày 5/9/1955, Đại hội khai mạc với một thành phần rộng rãi. Nhiều số liền, báo Cứu Quốc đã tập trung viết về Đại hội.

Báo đã đóng khung trên trang nhất lời Bác Hồ phát biểu tại Đại hội. Bác nói: “Cương lĩnh mới của Mặt trận là cương lĩnh đại đoàn kết. Mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Đại hội đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban TƯMTTQ VN họp ngày 15-9-1955 đã quyết định: báo Cứu Quốc là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

… Giữa năm 1961, đồng chí Nguyễn Ngọc Kha được Mặt trận điều sang làm Tổng biên tập báo Thời Mới. Đồng chí Trần Phong thay đồng chí Kha phụ trách tờ Cứu Quốc. Đến tháng 8/1961 thì Cứu Quốc xin được khổ giấy nhỡ nên báo ra 12 trang, rồi 1962 báo ra 16 trang khổ nhỏ hơn. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ đấu tranh thống nhất là nhiệm vụ lớn Cứu Quốc thường đặt lên hàng đầu.

…Đầu năm 1964, đồng chí Trần Phong được điều vào công tác ở miền Nam cùng với đồng chí Thái Duy, tức Trần Đình Vân, đồng chí Tống Đức Thắng tức Ba Trí và đồng chí Nguyễn Thế Phiệt tức Mai Đình để ra báo Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đến 1970, đồng chí Tô Hòa tức Năm Phượng cũng lên đường đi B.

Lúc này phong trào chi viện sức người sức của cho miền Nam rất mạnh. Riêng ở báo Cứu Quốc, các cán bộ quê miền Nam hầu hết xin về Nam chiến đấu và cả các đồng chí quê ở miền Bác cũng xin đi. Tiếng gọi của miền Nam thôi thúc mọi người. Hồi đó, tôi cũng được gọi đi cùng với đồng chí Trần Phong. Tôi đi khám sức khỏe với đồng chí Phong. Nhưng rồi Mặt trận thấy trong 2 người, chỉ lấy một thôi. Thế là đồng chí Trần Phong (quê miền Nam) được nhận trọng trách đó. Mặt trận gọi tôi lên giao cho việc phụ trách báo Cứu Quốc thay đồng chí Trần Phong. Đồng chí Thái Cương được cử đi B ngắn.

Nhà báo Nguyễn Tiêu (bên trái) và họa sĩ Trần Đình Thọ trên đường đi công tác – 1948.

Tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí đi trước, tôi lao vào nhiệm vụ nặng nề này.

Có đến 5 đồng chí ở tòa soạn Cứu Quốc đã vượt Trường Sơn vào Nam để làm báo Giải Phóng. Lực lượng biên tập của chúng tôi lại mỏng đi. Trong khi đó, báo lại được giao cho một nhà in để tự quản lý. Lúc này Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Báo động liên tục, nhiều nhà máy bị trúng bom. Ngay cả sứ quán Pháp ở bên kia đường ngay trước tòa soạn cũng bị trúng bom. Buồng làm việc của chúng tôi bị sập trần. Địch đánh mạnh, càng ngày càng leo thang. Chúng tôi được lệnh sơ tán.

Phải nhiều chuyến ô tô mới chuyển được cả nhà in ra khỏi Hà Nội về một xã hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Anh em công nhân chia ra làm nhiều bộ phận dựng nhà để máy in, máy điện… Toà soạn vẫn đóng ở Hà Nội vì phải ở gần Mặt trận và Ban Tuyên huấn Trung ương để nhận chỉ thị. Tòa soạn chúng tôi rất gọn nhẹ, chỉ có 30 người, kể cả 3 đồng chí trong ban phụ trách. Chúng tôi chia ra làm ba. Các anh An Châu và Hữu Tuấn ủy viên ban biên tập, mỗi anh phụ trách một bộ phận ở chỗ sơ tán những lúc tình hình thật căng. Tôi được phân công ở lại cùng 10 người làm việc ở Hà Nội với một bộ máy in và một kho giấy. Báo cứ tiếp tục in ở Hà Nội, nếu gặp trường hợp xấu, bị hủy diệt, thì bộ phận dự bị 1 đóng ở Hà Sơn Bình cũng có nhà in và một kho giấy cùng với các anh em sơ tán trên đó tiếp tục ra báo, nhất định không để chậm số nào. Nếu trường hợp cả bộ phận dự bị 1 cũng bị trúng bom thì cách đấy 30 km, bộ phận dự bị 2 sẽ tiếp tục ra báo. Ở đấy, cũng bố trí một máy in và một kho giấy. Nhưng cho đến khi ta chiến thắng hoàn toàn, không một bộ phận nào của báo bị suy xuyển.

Sơ tán ở đâu, anh em đều tổ chức chu đáo nơi ăn chốn ở, hầm hố nhiều để tránh bom đạn. Tòa soạn ở Hà Nội cũng xây một cái hầm kiên cố ngay giữa sân, nhà tập thể của báo cùng xây hầm đề phòng những lúc làm việc ở nhà có chỗ ẩn nấp.

Trong những năm địch đánh phá miền Bắc, chúng tôi vẫn làm việc rất đều. Các phóng viên đều xung phong trực ở gần những địa điểm trọng yếu để có tin, bài “nóng”.

… Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Trưa ngày 30/4/1975, đồng chí Kỳ Phương tức Trần Phong, nguyên Tổng biên tập báo Giải Phóng ra Bắc chữa bệnh, lúc này ngồi cạnh tôi. Hai chúng tôi đã nhiều năm công tác với nhau, cùng chia sẻ vui buồn. Chúng tôi có cái máy bán dẫn nho nhỏ theo dõi từng bước đi của đại quân. Và đến khi nghe rõ tiếng nói của tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hành không điều kiện, chúng tôi ôm nhau xúc động. Nước mắt ràn rụa. Thế là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ đã hoàn thành, độc lập, thống nhất đã được thực hiện.

Đất nước thống nhất, tất nhiên hai Mặt trận cũng thống nhất. Báo Cứu Quốc phải chuẩn bị từ bây giờ. Lúc này anh Nguyễn Thành Lê và một số anh em được lệnh cấp tốc vào Sài Gòn để ra báo Giải Phóng hằng ngày. Báo Giải Phóng từ chiến khu dọn ra thành phố, trụ sở đóng ở 176 Hiền Vương (tức 176 Võ Thị Sáu bây giờ). Cuối năm 1975, tôi và đồng chí Hữu Tuấn được Mặt trận cử vào Sài Gòn làm việc để sơ bộ bàn bạc với anh em báo Giải Phóng chuẩn bị cho việc thống nhất. Làm việc một thời gian, chúng tôi ra Bắc, và đến cuối năm 1976, tôi lại vào chuẩn bị tỉ mỉ với đồng chí Nguyễn Thành Lê. Tháng 3/1977, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hai báo Cứu Quốc và Giải Phóng cũng hợp nhất làm một, lấy tên là báo Đại Đoàn Kết.

(Hồi ức của cố nhà báo Nguyễn Tiêu – nguyên Tổng biên tập báo Cứu Quốc – Đại Đoàn kết)