Giao lưu truyền thống ‘Tiếp bước cha anh’
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Đoàn Đại biểu các giới phát động đồng bào xuống đường phản đối quân can thiệp Mỹ vào miền Nam Việt Nam (19/3/1950 – 19/3/2016), ngày 5/12/2016, tại trường THPT Ten Lơ Man (số 8 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP HCM), Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Đoàn Thanh niên các Cơ quan Trung ương Cục miền Nam phối hợp với trường Ten Lơ Man tổ chức buổi giao lưu truyền thống với chủ đề “Tiếp bước cha anh”.
Quang cảnh buổi giao lưu.
Tham dự buổi giao lưu có gần 100 cựu cán bộ Đoàn viên thanh niên Các cơ quan Trung ương Cục miền Nam; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP; đại diện lãnh đạo quận 1; hơn 1.000 học sinh và các thầy cô nhà trường.
Buổi giao lưu có sự góp mặt của đại diện gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông Nguyễn Hữu Châu, nguyên Bí thư Đoàn ủy Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Việt Nam - người đã sống và chiến đấu cùng cha mình trong suốt chiều dài đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất và xây dựng đất nước sau này.
Buổi giao lưu nhằm tiếp nối truyền thống một thời hào hùng của các thế hệ cha anh đã góp phần tô điểm, làm rạng danh lịch sử của dân tộc.
Đây cũng là dịp để 2 thế hệ Đoàn viên thanh niên kết nối giao lưu, tìm hiểu sâu hơn về truyền thống hào hùng mà thế hệ Đoàn viên thanh niên ở các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã ghi dấu trong trang sử vẻ vang của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập tự do.
Cũng thông qua giao lưu nhằm khơi dậy quá khứ oanh liệt của ngôi trường mà 66 năm trước trở thành điểm tập hợp xuất phát của đồng bào các giới, sinh viên, học sinh đứng lên chống quân can thiệp Mỹ.
Để từ đó, mỗi thầy cô, học sinh, đoàn viên nhà trường tự hào về ngôi trường thân yêu của mình, thực hiện di huấn trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước nguyện của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
66 năm trước, tại địa điểm này, một cuộc biểu tình lớn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khởi xướng phát động, cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc tuần hành xuống đường chống Mỹ. Sau những tháng năm dấn thân đấu tranh đòi công lý, bảo vệ hòa bình, chống áp bức, bất công.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Ông Nguyễn Hữu Châu kể lại: Sinh thời cha ông, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người yêu thương đồng bào mình, đặc biệt là những người dân lầm tham dưới ách đô hộ của đế quốc thực dân, đã nhiều lần Luật sư đấu tranh đòi những quyền lợi cho nhân dân, đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó yêu cầu phía Pháp phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, đàn áp dân Việt Nam.
Năm 1950, có hai cuộc đấu tranh lớn, huy động hàng triệu đồng bào tham gia, Cuộc đấu tranh thứ nhất là cuộc đấu tranh chống lại tội ác của thực dân Pháp đã giết hại những người yêu nước và ngày 9 tháng giêng hàng năm đã trở thành Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc.
Cuộc đấu tranh thứ hai, chính Luật sư dương cao ngọn cờ chống sự can thiệp của Mỹ tại Sài Gòn, nhờ sức mạnh đại đoàn kết của người dân mà 2 tàu chiến của Mỹ phải rút lui, và ngày 19/3/1950 đã trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.
Với tinh thần chống ngoại xâm như vậy, bọn ngoại xâm đã đày ải Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra tận biên giới Lai Châu.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Zơ-ne-vơ để thống nhất nước nhà. Luật sư tiếp tục bị lưu đày lên tận miền núi Phú Yên suốt gần 7 năm, hàng ngàn ngày ông nằm trong nanh vuốt của kẻ thù, đặt gia đình Luật sư vào cảnh “màn trời chiếu đất”, gia đình ông bị địch theo dõi bắt bớ vô cớ.
Đến 30/10/1961, theo Chỉ thị của Bác Hồ và Trung ương, Lực lượng Võ trang nhân dân Phú Yên đã giải thoát ông ra khỏi nhà tù của kẻ thù.
Từ đây, Luật sư bắt tay ngay vào việc chống cuộc xâm lược được xem là một trong những cuộc chiến lớn nhất của Thế giới, đó là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Đế quốc Mỹ.
Nhờ sự chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc trong niềm hân hoan vô bờ của nhân dân Việt Nam và thế giới, đó là đại thắng mùa xuân 1975.
Cuộc đối đầu lịch sử này đã có biết bao nhiêu đồng bào ta đã đổ máu, nằm xuống để chúng ta có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.
Sau ngày giải phóng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục đem tài đức của mình để cống hiến cho công cuộc tái thiết đất nước, nhờ vậy, ông được bầu giữ những trọng trách lớn như: Chủ tịch Quốc hội, Quyền Chủ tịch nước.
Ông trút hơi thở cuối cùng ngày 24/12/1996. Ông được công nhận là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1930 theo kết luận 88 của Bộ Chính trị.
Ông Châu tâm sự: Thời niên thiếu, tôi có hai sự lựa chọn: một ra miền Bắc để học tập, hai là tiếp tục ở lại chiến trường và tôi đã chọn ở lại chiến trường để chiến đấu. Ba tôi có dạy, “Để nên người, cần phải tôi luyện trong cuộc sống và chiến đấu”.
Tôi làm bất cứ công việc gì được phân công và hoàn thành tốt công việc của mình, từ việc đào hầm, nấu cơm, phát thanh viên của Đài phát thanh giải phóng, tải vũ khí để đánh quân địch.
Thời niên thiếu, thanh niên của chúng tôi mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng chúng tôi đã góp phần làm nên cuộc thắng lợi lớn cho dân tộc, được bạn bè quốc tế khâm phục.
Dịp này, ông Nguyễn Hữu Châu bày tỏ tâm huyết, khuyên giới trẻ rằng, hãy công hiến bằng cả trái tim và khối óc, không bị cám dỗ bởi đồng tiền, thói hư tật xấu thì mới góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh được.
Tham gia kháng chiến từ thời còn trẻ, trải qua nhiều khó khăn đến bây giờ ông Nguyễn Văn Khởi trở thành lãnh đạo một công ty rất thành công (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn).
Ông Khởi chia sẻ: “Tôi sinh và và lớn lên trong thời kỳ khói lửa, đạn bom mặc dù có nhiều mất mát nhưng chiến trường cũng tạo cho tôi nhiều bài học, đó là lòng kiên trì và sự quyết tâm. Những lợi thế đó đã giúp tôi rất nhiều trong thời bình để có được thành công như ngày hôm nay.”.
Ông Khởi khuyên giới trẻ rằng: đầu tiên phải có niềm tin mình có thể làm được, và cần có ý chí, có quyết tâm, có định hướng rõ ràng.
Bên cạnh đó, muốn thành công cần phải khổ luyện. “Các em hãy nhìn ra nước Nhật, họ đi lên từ chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay ai cũng phải ngưỡng mộ, ai cũng phải kính trọng, người Nhật có tinh thần sáng tạo , tinh thần lao động cao. Các em sinh ra trong môi trường hòa bình, hãy phát huy những thuận lợi, những ưu điểm của mình trở thành người hữu ích, giúp đỡ cho xã hội, cho đất nước” – ông Khởi nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 15 suất học Nguyễn Hữu Thọ, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh nghèo chăm ngoan, hiếu học của Trường. Ông Nguyễn Văn Khởi cũng trao tặng 50 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi giao lưu đầy ý nghĩa: