Cần Thơ: Tăng cường kiểm tra, giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tuấn Quang 06/12/2016 08:57

Tính đến tháng 11 năm 2016, hơn 4.375 lao động nông thôn ở thành phố Cần Thơ được đào tạo nghề, đạt 104.16% kế hoạch đề ra. Hơn 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành lao động thương binh và xã hội thành phố Cần Thơ ngày càng khẳng định việc dạy nghề mang lại hiệu qủa thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo, tình trạng thất nghiệp ở vùng nông thôn.

Cần Thơ: Tăng cường kiểm tra, giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bà Trần Thị Xuân Mai, giám đốc Sở LĐTBXH Cần Thơ
tham quan mô hình dạy nghề may công nghiệp tại Chi nhánh Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai tại Cần Thơ.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, giám đốc Sở LĐTBXH Cần Thơ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các cơ sở dạy nghề thuộc 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố để đánh giá chất lượng công tác dạy nghề, thẳng thắn nhìn nhận những mặt được, mặt chưa được, khuyết điểm cần khắc phục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ đó đề ra những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm góp phần nâng cao tỷ lệ giảm nghèo, giảm nghèo bền vững.

Tính đến tháng 11 năm 2016 trong số 4.375 lao động nông thôn được đào tạo nghề, đạt 104.16%, đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách là 58 người; hộ nghèo 153 người; dân tộc 167 người, hộ cận nghèo 65 người; tàn tật 05 người; hộ bị thu hồi đất 17 người và các đối tượng lao động khác là 3.910 người với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề đối với người lao động là 12,156 tỷ đồng trong đó Sở LĐTBXH quản lý để thực hiện hỗ trợ dạy nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp là 9,265 tỷ đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý để thực hiện hỗ trợ dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 2,891 tỷ đồng.

Các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đã đào tạo được 37 nghề trong đó, số nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp là 21, số nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 16 nghề.

Sau khi được đào tạo nghề, tỉ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trung bình 75% thông qua các hình thức tự tạo việc làm và giới thiệu, tìm kiếm việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Số lượng nghề được đào tạo không ngừng tăng lên, đáp ứng nhu cầu lao động đặc thù của từng địa phương.

Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác tổ chức điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có hiệu quả.

Theo đó, trong năm 2016, các cơ sở đào tạo đã tập trung đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhiều mô hình đào tạo mang lại hiệu quả cao, như: đào tạo cung ứng lao động cho nhà máy may Vinatex Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh, công nhân may công nghiệp cho Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai - Chi nhánh Biti’s Cần Thơ tại quận Bình Thủy,... nâng tổng số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng là 1023 lao động. Ngoài ra, còn đào tạo nghề giải quyết việc làm theo hình thức gia công sản phẩm, bao tiêu sản phẩm đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp… cho hàng trăm lao động.

Qua kiểm tra thực tế tại các lớp học thuộc các cơ sở đào tạo nghề cho thấy, điều kiện vật chất và trang thiết bị đào tạo đã được cải thiện nhiều so với trước đây.

Các cơ sở dạy nghề công lập đã được đầu tư kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, máy móc thiết bị dạy nghề thông qua các dự án, chương trình mục tiêu.

Các cơ sở dạy nghề tư nhân cũng đã huy động được nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn khác nhau để tự đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo của đơn vị mình, đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ dạy nghề.

Mặc dù các cơ sở đào tạo có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định mà Ban chỉ đạo đề án đã thẳng thắn chỉ ra, như: Công tác tổ chức điều tra, khảo sát, tư vấn và định hướng học nghề của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, chính xác nên một số nghề có tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo còn tương đối thấp.

Công tác kế hoạch hóa trong dạy nghề của một số cơ sở dạy nghề chưa được chú trọng đúng mức nên việc tuyển sinh còn chậm, chưa thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề. Mặt khác, nhận thức của người học, gia đình, cộng đồng và xã hội đối với học nghề còn hạn chế dẫn tới công tác tuyển mới dạy nghề luôn gặp khó khăn.

Trao đổi về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc sở LĐTB&XH thành phố Cần Thơ cho biết: Thành phố sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu lao động của từng địa phương; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo phục vụ cho đào tạo nghề, đặc biệt là nguồn lực của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất để kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những sai phạm trong công tác đào tạo nghề, tiến tới kiểm định chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tuấn Quang