Chính sách đối với lao động nữ: Còn nhiều khoảng trống

Minh Long 06/12/2016 05:51

Chúng ta đã có nhiều chính sách, quy định nhưng lao động nữ vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng giới. Thậm chí có những quy định pháp luật vô tình đã trở thành rào cản sự phát triển đối với lao động nữ. Đó là những đánh giá của các đại biểu tại hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động” ngày 5/12, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chính sách đối với lao động nữ: Còn nhiều khoảng trống

Vẫn còn nặng tư tưởng phân biệt đối xử về việc làm với phụ nữ.

Khó tiếp cận chính sách

Theo Báo cáo Đánh giá tình hình giới ở Việt Nam của Tổ chức UN Women, phụ nữ làm công ăn lương những năm gần đây chiếm dưới 30% tổng số lao động nữ, so với 40% ở nam giới.

Việc làm của lao động nữ cũng bấp bênh hơn, tỷ lệ lao động nữ không có hợp đồng lao động (49%) cao hơn so với nam giới (36%). Phụ nữ có xu hướng tham gia nhiều hơn nam giới trong những công việc dễ bị tổn thương.

Có nhiều phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức hơn nam giới, họ có thu nhập trung bình thấp hơn 50% và phải đối mặt với nhiều bấp bênh hơn cũng như có ít khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội.

Báo cáo Tổng hợp theo chuyên đề lương và phúc lợi của Chương trình Better Work Việt Nam (Khảo sát do Tổ chức Lao động quốc tế ILO và Tổ chức Tài chính quốc tế ISC thực hiện) được công bố mới đây cũng chỉ ra thực tại đáng buồn khi mà có tới 79,7% doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu của Luật trong nhóm vấn đề nghỉ có hưởng lương…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong vòng 25 năm qua, tỷ trọng lao động nữ chiếm trong lực lượng lao động có sự thay đổi rất ít, tỷ trọng lao động nữ tham gia lực lượng lao động không có sự chênh lệch lớn giữa các vùng trong cả nước.

Giai đoạn 2011-2015 cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 7,8 triệu lao động (trong đó lao động nữ chiếm 48%). “Tới đây việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần phải sửa đổi những quy định cho phù hợp hơn, góp phần đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất để cho cả nam và nữ đều được hưởng thụ bình đẳng” - TS Trần Vân Anh nhấn mạnh.

Loại bỏ sự thiếu thống nhất

Đồng tình với quan điểm sửa luật đổi Bộ luật Lao động cần hướng tới sự bình đẳng, từ đó góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và tạo ra sự đồng bộ về mặt chính sách, song TS Trần Vân Anh, chuyên gia giới cho rằng, Luật dù có hoàn thiện đến đâu vẫn chỉ là một văn bản. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống thì các quy định cụ thể của Luật cần được mọi người biết đến và thực hiện.

Vì vậy, việc tuyên truyền cho lao động nữ về các điều khoản cụ thể của Luật là đặc biệt cần thiết. Bởi trên thực tế cho đến nay, mặc dù đã có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện, song vẫn còn nhiều khoảng trống. Bên cạnh đó ngành chức năng cần rà soát các nghị định để loại bỏ sự thiếu thống nhất giữa luật và nghị định hướng dẫn.

“ Tại Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 thì đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy có nghĩa nếu người lao động thiếu 1 trong 2 yếu tố, chẳng hạn đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sẽ không bị chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP lại quy định: “ Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động”. Rõ ràng, 2 quy định này mâu thuẫn với nhau và hậu quả gây ra tranh chấp lao động “ – TS. Trần Vân Anh dẫn chứng.

Theo các đại biểu, để hành động vì mục tiêu bình đẳng giới thực chất, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt một số giải pháp, trong đó cần phân tích kỹ và nhiều chiều khi xây dựng các phương án chính sách trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới.

Minh Long