Gắn kết đường hành hương Đông-Tây Yên Tử
Hội thảo bàn việc “Tổ chức lễ hội Tây Yên Tử” vừa diễn ra tại Bắc Giang đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và giới nghiên cứu văn hóa. Hội thảo này cũng nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị của di sản vùng Tây Yên Tử, mối liên hệ giữa quần thể di tích, danh thắng sườn Tây Yên Tử ở Bắc Giang với khu di tích danh thắng Đông Yên Tử tại Quảng Ninh.
Đường vào Khu du lịch tâm linh sườn Tây Yên Tử đang được xây dựng.
Đề xuất tổ chức lễ hội quốc gia Yên Tử
Theo sử sách còn ghi từ thời Lý, Trần và các triều đại phong kiến sau này, khu vực Tây Yên Tử thuộc địa phận Bắc Giang đã có nhiều dấu tích các thiền sư đến tu hành, dựng chùa. Đến nay, việc xây dựng, phục dựng các di tích tại đây được thực hiện tập trung trong không gian thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) và chia làm 4 cụm chùa gồm: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng nhằm kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh núi Yên Tử.
Vì thế, hội thảo bàn việc tổ chức lễ hội Tây Yên Tử tập trung vào 3 nội dung chính: Mô hình tổ chức quản lý lễ hội; phần hội trong lễ hội Tây Yên Tử; phần lễ trong lễ hội Tây Yên Tử với nhiều ý kiến tham luận sâu sắc nhằm thống nhất tổ chức một lễ hội Yên Tử mang tầm quốc gia bao gồm cả 2 phần Tây Yên Tử ở Bắc Giang và Đông Yên Tử ở Quảng Ninh.
GS TS Vũ Minh Giang nhận định vị trí của Bắc Giang không hề nhỏ đối với Thiền phái Trúc Lâm. Do đó, việc tổ chức lễ hội cần thể hiện được nét đặc sắc, tiêu biểu. Cùng đó, địa phương cần tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, quan tâm tuyên truyền quảng bá nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách.
Theo ông Bùi Hữu Dược- Vụ trưởng Vụ Phật học, Ban Tôn giáo Chính phủ: Lễ hội Tây Yên Tử nếu được tổ chức càng làm cho giá trị văn hóa ở Yên Tử được bảo tồn và phát huy, góp phần vào xây dựng và phát huy bản sắc dân tộc.
Còn GS Trần Lâm Biền cho rằng, lễ hội sườn Tây Yên Tử và Đông Yên Tử cần đồng nhất để tạo nên một lễ hội lớn, thu hút tín đồ của cả nước. Phần lễ hội cần hội tụ những nghi thức gắn với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian để tạo nên sự cân bằng với con đường hành hương ở phía Đông Yên Tử. Cũng theo ông Biền, nên tổ chức lễ hội Yên Tử đồng nhất vào đầu năm 2017 là phù hợp.
Đồng quan điểm này, GS TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng: Không nên có sự phân biệt Đông - Tây Yên Tử mà cần hướng tới lễ hội mang tầm quốc gia và sự đồng nhất giữa 2 vùng.
Sáng tỏ giá trị của một vùng di sản
Nhất trí với việc tổ chức lễ hội Tây Yên Tử đồng nhất qui mô, song PGS TS Chu Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, nên để đến năm 2018 tổ chức lễ hội Tây Yên Tử, vì hiện tại nếu tổ chức lễ hội thì Bắc Giang chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa có các sản phẩm du lịch, đường đi lại khó khăn, du khách đến một lần sẽ không để lại ấn tượng.
Do đó Bắc Giang cần làm rõ giá trị di tích của Tây Yên Tử, giá trị Phật giáo trong lễ hội; nâng tầm, phát huy giá trị các di tích, kết nối với các tour, tuyến du lịch với Quảng Ninh, Hải Dương.
Tại hội thảo vừa rồi, các nhà khoa học đánh giá cao giá trị di sản văn hóa, tâm linh vùng Tây Yên Tử. Trên thực tế Lễ hội Xuân Yên Tử hàng năm khách hành hương tới chùa Đồng xuất phát cả ở 2 sườn Đông - Tây Yên Tử.
Chỉ có điều, con đường hành hương ở phía Tây Yên Tử không giống như ở phía Đông do giao thông còn chưa thuân tiện. Người đi lễ hành hương qua địa phận xã Thanh Sơn, Tuấn Mậu rồi Khu bảo tồn sinh thái Tây Yên Tử Đồng Thông để cùng nhau leo lên đỉnh chùa Đồng. Thời gian người dân địa phương leo từ Đồng Thông lên chùa Đồng khoảng 1 giờ rưỡi đồng hồ. Còn khách thập phương leo chậm mất độ 2 tiếng.
Tại hội thảo về tổ chức lễ hội Tây Yên Tử, ông Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Qua hội thảo, địa phương sẽ lĩnh hội ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để xây dựng Đề án Tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử, nhằm từng bước xây dựng thương hiệu cho khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang.