Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thăm Trân Châu Cảng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của nước này tới thăm Trân Châu Cảng, trong một chuyến đi đến địa điểm lịch sử nơi mà cuộc tấn công bất ngờ của họ đã mở đầu Thế chiến II trên Thái Bình Dương.
Ông Shinzo Abe sẽ trở thành vị Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tới thăm Trân Châu Cảng. (Nguồn: Reuters).
Thông tin về hành trình này xuất hiện chỉ 2 ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ 75 cuộc tấn công ngày 7/12/1941 của Nhật vào căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 8/1945 sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản và, dù hai nước đã thiết lập mối quan hệ vững chắc trong 7 thập kỷ sau đó, dấu ấn về sự kiện năm đó vẫn hiện hữu.
Chuyến thăm của ông Abe tới Trân Châu Cảng cũng xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị xây dựng một mối quan hệ mới với ông Donald Trump, người sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Ông Trump từng gây chấn động ở Nhật Bản hồi đầu năm nay khi dường như đặt ra nhiều câu hỏi về khối đồng minh quân sự giữa hai nước, khiến ông Abe phải có cuộc gặp gỡ với ông và trở thành vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp gỡ ông Trump sau bầu cử với mục đích xác nhận lại quan hệ Washington-Tokyo.
Chuyến đi của ông Abe tới Trân Châu Cảng là một phần trong chuyến thăm tới bang nhà của Tổng thống Barack Obama trong hai ngày 26 và 27/12, nơi mà cả hai lãnh đạo sẽ cùng nói chuyện và tới thăm địa danh lịch sử.
Chuyến đi này cũng giống như chuyến thăm của ông Obama tới Hiroshima hồi tháng 5 vừa qua - nơi hứng chịu quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới - và trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm thành phố này. Chuyến thăm của Obama lúc bấy giờ đã làm nảy sinh nhiều đòn đoán rằng ông Abe cũng có thể tới Trân Châu Cảng để phản ứng, dù chính phủ Nhật trước đó đã bác bỏ điều này.
“Đây là một chuyến thăm để tưởng nhớ các nạn nhân” - Thủ tướng Abe nói trước báo giới trong nước về quyết định của mình - “Chúng ta không nên nhắc lại sự khủng khiếp của chiến tranh”.
Lời nói mà ông đưa ra cho thấy khả năng ông cũng sẽ đưa ra quan điểm tương tự điều mà ông Obama từng làm ở Hiroshima, nơi mà lãnh đạo Mỹ đã tổ chức đặt vòng hoa tưởng niệm, nói về sự thống khổ của các nạn nhân và nhắc lại lời kêu gọi tiêu hủy vũ khí hạt nhân của mình.
Không có lời xin lỗi
Tuy nhiên, khi tới thăm Hiroshima, ông Obama chưa từng đưa ra lời xin lỗi về vụ đánh bom nguyên tử và có khả năng Thủ tướng Abe cũng sẽ hành động tương tự ở Trân Châu Cảng.
Thủ tướng Abe, một vị chính trị gia có tư tưởng dân tộc đầy cương quyết, từng kêu gọi Nhật Bản xem xét lại Hiếp pháp hòa bình của nước này áp dụng từ sau Thế chiến II, và từng bác bỏ những luận điệu cho rằng đất nước ông đã quá hung hăng trong cuộc chiến đó.
Dù có quan điểm ủng hộ lời xin lỗi mà những người tiền nhiệm của ông từng đưa ra vì cuộc chiến ở khu vực châu Á, ông Abe hồi năm ngoái khẳng định rằng các thế hệ tương lai của Nhật Bản sẽ không phải đi xin lỗi nước khác nữa. Những lời xin lỗi trước kia mà Nhật từng đưa ra thường vấp phải chỉ trích là chưa thành thực.
Nói về chuyến thăm sắp tới, ông Abe nhấn mạnh rằng ông mong muốn cuộc gặp của ông với Tổng thống Obama sẽ làm đậm mối quan hệ thân thiết hiện thời giữa hai nước.
“Tôi muốn biến nó thành một cơ hội để gửi đi thông điệp với thế giới rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường và duy trì khối đồng minh của chúng tôi, hướng tới tương lai” - thủ tướng Abe nói, một tín hiệu được cho là gửi tới chính quyền mới sắp tới của ông Donald Trump.
Phía Nhà Trắng cho hay Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ với ông Abe vào ngày 27/12 và sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ cùng tới thăm Đài tưởng niệm USS Arizona để tưởng nhớ những nạn nhân đã thiệt mạng trong thời chiến.
“Chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo sẽ nhấn mạnh về sức mạnh hòa giải, thứ sức mạnh đã biến các cự thù thành những đồng minh thân thiết nhất, chung tay vì lợi ích và các giá trị chung” - Một tuyên bố của Nhà Trắng cho hay.
Mỹ hiện vẫn duy trì số lượng lớn căn cứ quân sự ở Nhật Bản cùng với khoảng 47.000 binh sỹ theo một hiệp ước an ninh mà trong đó Mỹ phải bảo vệ quốc gia này. Tuy nhiên, Nhật Bản đã rất sốc kể từ khi ông Donald Trump đưa ra tuyên bố rằng Tokyo cần phải chi tiền nhiều hơn để hỗ trợ binh sỹ Mỹ và thậm chí nên phát triển sức mạnh hạt nhân của riêng mình.