TP Hồ Chí Minh: Tiết kiệm và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách
Ngày 6/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM khóa IX, khai mạc kỳ họp thứ 3. Trong ngày đầu tiên của kỳ họp, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, đồng thời hiến kế về việc nuôi dưỡng nguồn thu, tiết kiệm ngân sách cho thành phố.
TP HCM vừa lo nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách,
vừa lo tiết kiệm chi tiêu. (Ảnh: S. Xanh).
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, năm 2016 tốc độ tăng trưởng của thành phố đạt khoảng 8 - 8,5%. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn ước đạt 1.037.625 tỷ đồng, tăng 8.05% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,72%), đạt kế hoạch đề ra. Xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 28,2 tỷ USD, tăng 10,1% so cùng kỳ. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,68% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tốt, bình quân tháng 11 tăng 1,76% so cùng kỳ, thị trường ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo.
Mặc dù kinh tế thành phố tăng trưởng khá song lãnh đạo lãnh đạo UBND TP HCM đang băn khoăn về tình hình thu – chi ngân sách. Trường hợp chi tiêu không hợp lý, không có kế hoạch phát triển nguồn thu ngân sách thành phố sẽ bị rơi vào tình trạng thiếu trước, hụt sau. Lý do, sang năm 2017 Trung ương sẽ giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố, từ 23% xuống còn 18%.
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017 của thành phố được Thủ tướng chính phủ giao là 347.882 tỷ đồng, tăng gần 16% so với dự toán năm 2016. Cũng từ năm 2017 tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố giảm từ 23 xuống còn 18%. Thành phố xác định tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện 7 chương trình đột phá mà thành phố đề ra.
Bàn về phương hướng nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách cho thành phố, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) cho hay, thành phố được giao thu ngân sách là hơn 347 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ, thành phố vẫn thực hiện việc thu ngân sách khá tốt. Thế nhưng một bất cập đang tồn tại hiện nay đối với nguồn thu ngân sách đó là, thành phố dựa vào nguồn thu từ đất đai khá nhiều, trong khi đó không phải là nguồn thu mang tính bền vững.
Đại biểu cho rằng, nguồn thu ngân sách sẽ ổn định hơn nếu thành phố biết nuôi dưỡng nguồn thu. Tức là phải tập trung phát triển doanh nghiệp có trình độ ứng dụng công nghệ tốt nhất. Được biết, thành phố thống kê thành phố có 36 ngàn doanh nghiệp thành lập nhưng chưa thống kê được doanh nghiệp nào ứng dụng tốt công nghệ hiện đại, doanh nghiệp nào có giá trị gia tăng cao. Có thống kê được thì mới có chính sách hỗ trợ hướng đến cơ chế đặc thù tạo sự bền vững, thu ngân sách ổn định hơn.
Liên quan đến giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (quận 1) nêu quan điểm, muốn nuôi dưỡng nguồn thu tốt cần chú ý cải cách thủ tục hành chính sao cho thông thoáng bằng cách giảm bớt các thủ tục liên quan, thực hiện kê khai thuế điện tử, liên thông tin giữa các đơn vị tạo chuỗi quản lý thuận lợi tránh tình trạng đụng đến đơn vị nào là phải lên đến tận nơi nộp hồ sơ, nhận hồ sơ.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) cho rằng, thành phố trợ giá rất nhiều cho hệ thống xe buýt, tuy nhiên hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải hành khách này không cao. Số lượng hành khách liên tục giảm mạnh trong vài năm gần đây. Quan ngại về tình trạng trợ giá cho xe buýt nhưng lại hoạt động không hiệu quả, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh: “Ngân sách của thành phố đang hạn hẹp mà cứ rót hàng ngàn tỷ đồng cho xe buýt là bất ổn. Đến một lúc nào đó TP HCM phải tính đến chuyện có trợ giá cho xe buýt hay không? Không thể đầu tư mà không mang lại hiệu quả”.