Xóa bỏ rào cản cổ phần hóa
Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không những chậm mà có tình trạng vốn Nhà nước bị thất thoát. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Chất lượng DNNN sau CPH là hàng đầu. Muốn làm được điều này cần công khai, minh bạch, chặt chẽ trong CPH để không thất thoát tài sản của Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Vì sao cổ phần hóa chậm?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết, từ năm 2011 đến hết năm 2015, cả nước đã CPH được 499 DN. 10 tháng đầu năm 2016, đã CPH được 48 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp. DNNN trước khi CPH đã được xử lý khá triển để nợ và tài sản tồn đọng, bảo đảm lành mạnh về tài chính trước khi chuyển thành công ty CP.
Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, DN mà NN nắm giữ 100% vốn và CP chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. DNNN không cần nắm giữ 100% vốn hoặc CP chi phối phải thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. |
Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận, CPH vẫn còn chậm. DNNN tuy giảm về số lượng nhưng DNNN và DN do NN giữ CP chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty NN vẫn còn ở không ít ngành, lĩnh vực NN không cần nắm giữ, làm cho DNNN chưa tập trung tối đa vào những lĩnh cần thiết. Tỷ lệ vốn NN được bán ra khi CPH và sau khi thoái vốn còn thấp, còn hạn chế. Trong khi đó hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực quản trị, điều hành còn yếu kém. Một số DNNN còn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Còn tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực, một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản của NN.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến CPH chậm, ông Hà đã đề cập đến vấn đề nhận thức, tầm nhìn của không ít cấp ủy, chính quyền và DNNN về CPH DNNN. Có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Thậm chí, một số cán bộ quản lý e ngại không còn vị trí lãnh đạo, quản lý với DN sau CPH, thoái vốn nên chần chừ.
Đồng quan điểm ông Trần Quang Nghị- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc CPH chậm là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn “làm ông chủ giả” để xài vốn Nhà nước khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh”. Bởi các “ông chủ giả” này chỉ cần bảo toàn vốn là được mà không cần lo làm ra sản phẩm bán được rồi chăm lo cho người lao động. Do vậy không cần phải đẩy nhanh CPH để “chiến đấu” với thương trường...
Vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là vốn Nhà nước có bị thất thoát sau CPH? Ông Lê Mạnh Hà cho hay, do chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị DN và giá khởi điểm của DNNN CPH nên đã có tình trạng thất thoát vốn NN. Trong khi đó, việc quản lý đất đai của DNNN chưa chặt chẽ, còn bất cập. Không ít trường hợp đất được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, trung tâm thương mại... mà không được tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật Đất đai gây thiệt hại cho ngân sách NN.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp bách.
Xử lý nghiêm đơn vị làm chậm, gây thất thoát
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả. Theo Thủ tướng, CPH trước hết nhằm tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy hoạt động. Thứ hai, khi tiến hành CPH, quy mô khu vực kinh tế Nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn NN phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn. Thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn. Theo đó, lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước (năng lượng, ngân hàng,...) thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra để tạo điều kiện để tư nhân hoạt động...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; phải xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể (DN nào giữ 100%, DN nào rút vốn, tỉ lệ rút vốn); lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình CPH...
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, DN trong thực hiện CPH với phương châm bộ nào, địa phương nào, DN nào “làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý”, “không làm thì phải thay đổi”.