Sẽ lập danh sách công an, nhà báo 'can thiệp' xin-cho vi phạm giao thông
Trưởng phòng CSGT Hà Nội - đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, công an thành phố cương quyết lập danh sách các trường hợp gọi điện can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an hoặc cơ quan của người can thiệp, đồng thời ghi lại số điện thoại, sau đó sẽ truy tên tuổi, đơn vị công tác.
Nhiều chiến sỹ CSGT ngại xử lý cán bộ, công chức nhà nước, công an vi phạm luật giao thông.
Khó thực hiện, cảnh sát ngại xử lý
Như Tiền Phong thông tin, ngày 5/12, trong buổi triển khai kế hoạch chống ùn tắc, xử lý vi phạm giao thông, đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong tháng cuối năm 2016, ngoài nhiệm vụ đảm bảo trật tự giao thông, chống ùn tắc tại các nút giao, tuyến huyết mạch giờ cao điểm, đơn vị huy động lực lượng cảnh sát tuần tra tăng cường xử lý vi phạm, đặc biệt không bỏ qua lỗi vi phạm của bất cứ trường hợp cán bộ ngành, công chức, viên chức nào. “Đội trưởng các đội CSGT không nghe điện thoại xin bỏ qua vi phạm. Lãnh đạo Phòng CSGT sẽ thực hiện tuần tra các đơn vị, nếu phát hiện xin - cho sẽ xử lý nghiêm”, ông nói.
Trao đổi với phóng viên PV, hôm qua 6/12, một cán bộ Đội CSGT số 2 cho biết, dù chỉ đạo xử lý nghiêm, không bỏ qua các vi phạm đặc biệt là công chức, cán bộ, công an nhưng việc thực thi gặp khó. Thực tế, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT phát hiện rất nhiều cán bộ, công chức, công an vi phạm: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn…
“Khi dừng xe phần lớn họ giải thích đi ăn trưa gần cơ quan hoặc đang thực hiện nhiệm vụ, đi công tác. Không được linh động bỏ qua, họ gọi điện thoại cho lãnh đạo, sếp viện trợ khiến việc xử lý mất nhiều thời gian, gián đoạn. Đặc biệt vi phạm nồng độ cồn, nhiều cán bộ say xỉn thách thức, dọa cảnh sát hoặc có hành vi không chuẩn mực. Đơn cử, mới đây, tổ công tác Đội CSGT số 3 khi xử lý vi phạm ô tô trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng tài xế tăng ga bỏ chạy. Bị cảnh sát dừng xe xử lý, tài xế và 4 người bên trong xưng là cán bộ Sở nọ say xỉn. Họ chửi thề, khoe quan hệ rồi hành hung cảnh sát dẫn đến mâu thuẫn. Nhiều vụ việc tương tự xảy ra khiến nhiều cán bộ ngại xử lý”, người này nói.
Về việc xử lý xe cá nhân sử dụng phù hiệu Bộ Công an, vị cán bộ này cũng cho biết, cũng khó xử lý. Hiện chưa có thủ tục, chế tài xử lý việc gắn phù hiệu Bộ Công an sai quy định. Thông thường lực lượng tuần tra khi phát hiện chỉ nhắc nhở tài xế và thu hồi phù hiệu này về Cục CSGT tiêu hủy mà không phạt hành chính.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian gần đây không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cũng xảy ra tình trạng cán bộ, chiến sỹ CSGT “linh động” chuyển từ lỗi lớn sang lỗi nhỏ. Có trường hợp “vượt đèn vàng, đèn đỏ” nhưng chỉ lập biên bản lỗi “không thắt dây an toàn”. Có trường hợp vượt đèn đỏ ở TP Hải Phòng nhưng lực lượng CSGT chỉ phạt lỗi để quên giấy tờ… Một trường hợp khác xe bị quá hạn đăng kiểm lưu thông trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) bị cán bộ thuộc Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội dọa phạt 2,5 triệu đồng nhưng khi có người quen can thiệp chỉ xử phạt chưa đến 1 triệu đồng.
Một cán bộ Cục CSGT, Bộ Công an chia sẻ với Tiền Phong, có ngày dừng 7 xe chạy quá tốc độ thì có tới 3 xe của cán bộ công an, 3 xe của nhà báo. Việc xử lý đối với cán bộ trong ngành hoặc đối với phóng viên, nhà báo không dễ. Thường đối với các trường hợp này, người vi phạm thường viện lý do trên đường đi công tác, đi làm nhiệm vụ gấp khiến việc xử lý gặp khó khăn.
“Lực lượng CSGT là “tiền của mặt tiền”, hàng ngày va chạm với hàng trăm hàng nghìn người khó tránh khỏi những khiếm khuyết, hoặc có những hình ảnh không được chuẩn điều lệnh. Chính vì thế khi phóng viên, nhà báo vi phạm giao thông hoặc can thiệp, nhiều cảnh sát linh động”, một cán bộ CSGT làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai nói.
Gửi danh sách người can thiệp cho lãnh đạo
Liên quan tới việc kiên quyết xử lý vi phạm là cán bộ, công an, ngày 6/12, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội cương quyết lập danh sách các trường hợp gọi điện can thiệp xử lý vi phạm gửi Bộ trưởng Bộ Công an hoặc cơ quan của người can thiệp, đồng thời ghi lại số điện thoại sau đó sẽ truy tên tuổi, đơn vị công tác. Tương tự đối với trường hợp nhà báo gọi điện can thiệp hoặc tác động cũng sẽ lập danh sách tên tuổi, cơ quan công tác để gửi đến tổng biên tập.
“Đối với cán bộ, chiến sỹ công an hoặc nhà báo trực tiếp vi phạm luật giao thông sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt bình thường, tuyệt đối không linh động bỏ qua. Việc xử lý cán bộ, công chức nhà nước, công an, phóng viên với tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, ông nói.
Về phản ánh thực trạng nhiều chiến sỹ CSGT thường linh động cho cán bộ, công an chuyển từ lỗi lớn sang lỗi nhỏ,vị trưởng phòng quán triệt: Cán bộ, chiến sỹ CSGT tuyệt đối không được chuyển từ lỗi này sang lỗi khác. Nếu cán bộ, chiến sỹ làm việc này sẽ kỷ luật nghiêm khắc.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, chưa đầy một tháng (23/5-29/6) lực lượng tuần tra phát hiện 381 trường hợp vi phạm là cán bộ trực thuộc Bộ Công an, 135 cán bộ vi phạm trực thuộc Công an Hà Nội. “Ngay trong nội bộ ngành công an, việc chấp hành còn chưa chuẩn mực. Chúng tôi đã có nghị quyết đối với tất cả các cán bộ chiến sỹ CSGT, cán bộ nào không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, kể cả khi chở vợ con, người thân không đội mũ bảo hiểm mà bị phát hiện sẽ xử lý mức thấp nhất cắt thi đua năm 2016” – ông Thắng nói. |