Nghệ An cần phát huy lợi thế nhân lực và đất đai
Đó là đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, trao đổi về xây dựng mô hình đô thị thông minh; Kết quả công tác mặt trận năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 ngày 7/12.
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; đại diện lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
5.760 khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại thông tin cho biết, năm 2016 tỉnh đã hoàn thành 25/27 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 ước đạt 7,5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm gần đây (2014 tăng 7,13%, 2015 tăng 7,31%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước 6,3-6,5%).
GRDP bình quân đầu người theo phương pháp tính mới năm 2016 ước đạt 28,54 triệu đồng.
Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tuy gặp điều kiện không thuận lợi nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 1,25 triệu tấn, tăng 3,5% cùng kỳ.
Tính đến 23/11/2016, toàn tỉnh có 135 xã có quyết định đạt chuẩn nông thôn mới. Giải quyết việc làm mới cả năm 2016 ước 37.500 lao động. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2016 còn 9,5% (giảm 2,6% so với cuối năm 2015).
Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội năm 2016, tổng số trường chuẩn quốc gia đạt 976 trường, đạt tỷ lệ 64,25%. Ngành y tế đã chủ động giám sát chặt chẽ các loại dịch bệnh, dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 81,6% dân số.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh tôn giáo, biên giới, miền núi, dân tộc, an ninh nông thôn, đô thị bảo đảm vững chắc, không có bị động, bất ngờ và “điểm nóng” xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2016, MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Huy, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xóa nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ các cấp đã tích cực vận động nhân dân hiến hơn 393 nghìn m2 đất, đóng góp 463.321 ngày công để thực hiện chương trình. Tổ chức cho 4.616 khu dân cư đăng ký công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức bình xét tôn vinh 3.703 khu dân cư văn hóa, 545.873 gia đình văn hóa.
Kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, 100% khu dân cư tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”. Điểm mới trong tổ chức Ngày hội năm nay, các khu dân cư đã tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày hội gắn với chủ đề “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”. Đã có 5.760 khu dân cư tổ chức tốt phong trào “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn”, 5.715 khu dân cư tổ chức tốt “Ngày Chủ nhật xanh”, trồng hơn 10.000 cây xanh Đại đoàn kết.
Ủy ban MTTQ tỉnh cũng vận động nhân dân ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” đạt trên 24 tỷ đồng, làm mới và sửa chữa 798 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ giống cây con, phương tiện phát triển kinh tế số tiền trên 8,7 tỷ đồng, vận động ủng hộ các chương trình an sinh xã hội trên 92 tỷ đồng. Tổ chức tiếp nhận, phân bổ nguồn cứu trợ trên 30 tỷ đồng giúp đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt gây ra sớm ổn định cuộc sống.
Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Cần thúc đẩy xây dựng mô hình HTX kiểu mới
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Nghệ An giữ được đà tăng trưởng kinh tế, thành tích đạt được cao hơn những năm trước. Đặc biệt, Nghệ An đã đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội trong năm qua, giữ được sự ổn định về chính trị, an toàn cho cuộc sống của người dân.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Nghệ An có lợi thế về con người, với khoảng 1,6 triệu lao động trong số hơn 3 triệu dân. Nghệ An cần sẵn sàng nhân lực cho phát triển không chỉ cho tỉnh mà còn cho các vùng lân cận. Cùng đó đất đai cũng là một lợi thế giúp tỉnh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các nhà đầu tư.
“Cùng với những lợi thế về nhân lực, đất đai, Nghệ An cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân. Văn hóa xứ Nghệ cần được phát huy để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, một trong những biện pháp cụ thể mà Nghệ An có thể thực hiện ngay là triển khai Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư thuộc UBND tỉnh, đồng thời tỉnh cũng phải có chính sách thu hút nhân lực có trình độ với mức đãi ngộ cao.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2018 số hóa toàn bộ dữ liệu về kinh tế, xã hội, quy hoạch của địa phương.
“Việc công bố quy hoạch cấp tỉnh cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư là rất cần thiết. Đây là một phần trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh. Xây dựng thành phố Vinh thông minh sẽ thúc đẩy chính quyền thông minh để phục vụ người dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Việc này có thể triển khai đến cả cấp huyện”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Về công tác mặt trận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh những cách làm sáng tạo của MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trong việc phối hợp với Đảng bộ và chính quyền tỉnh như: ký kết chương trình phối hợp giám sát, thực hiện Tuần Đại đoàn kết cũng như phát động phong trào "nói không với thực phẩm bẩn".
“Nói không với thực phẩm bẩn là điều cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải nói có với thực phẩm sạch”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Để thực hiện được công tác này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khuyến nghị Nghệ An cần thúc đẩy mô hình HTX kiểu mới để các hộ nông dân liên kết, gắn bó với nhau để sản xuất an toàn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, HTX kiểu mới sẽ giúp phát huy được lợi thế của kinh tế tập thể, có khả năng kết hợp với doanh nghiệp, cung cấp địa chỉ cụ thể để giúp tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn và xây dựng được thương hiệu gắn với HTX. Việc xây dựng nông thôn mới cũng cần gắn với việc thành lập các HTX kiểu mới ở cấp xã nhằm thu hút nhiều hơn nữa các hộ sản xuất cá thể để tạo liên kết, sản xuất lớn, an toàn.
Nhân chuyến làm việc tại Nghệ An, chiều 7/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).
Có chiến lược phát triển đô thị thông minh Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã có những trao đổi về việc xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với trách nhiệm giám sát phản biện của mình, năm 2015, MTTQ Việt Nam đã tổ chức hai hội thảo quốc tế là xây dựng các đô thị thông minh và triển vọng của Việt Nam và Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo chế biến của thế giới. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân việc xây dựng đô thị thông minh là vấn đề mà thế giới đã làm từ lâu. Việt Nam đi sau, rất cần nhanh chóng triển khai, rút ngắn khoảng cách bằng việc bắt tay vào việc xây dựng hệ thống các đô thị thông minh để phát triển đất nước. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Các đô thị chịu áp lực về những bất lợi nhiều hơn vùng nông thôn. Áp lực tích tụ dân số, áp lực tích tụ ô nhiễm môi trường, áp lực ách tắc giao thông và áp lực về thiếu nhà. Do đó người quản lý nếu không có giải pháp phù hợp không có cách nào xử lý được những “đối đầu” này. Phân tích vấn đề ngập nước, vấn đề tắc giao thông ngày càng tăng, ô nhiễm môi trường và nước sinh hoạt của đô thị… tại một số đô thị lớn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những vấn đề này nếu không có tầm nhìn dài hạn thì không có cách nào giải quyết ở đô thị. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Với Nghệ An cường độ kinh tế còn thấp so với cả nước. Sự tích tụ về cường độ kinh tế nhỏ nhưng vấn đề đô thị sẽ đến dần dần, nhất là thành phố, các thị xã. Do vậy, Nghệ An cần tham khảo, vận dụng để có chiến lược phát triển đô thị thông minh. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, một đô thị thông minh thì ở đó, chính quyền, người dân, doanh nghiệp phải thông minh hơn. Phải làm sao để mỗi người dân là một “cảm biến xã hội” thông qua công cụ quản lý là CNTT để hướng tới việc xây dựng chính quyền hiện đại phục vụ nhân dân. Ưu điểm của mô hình đô thị thông minh là chính quyền dự phòng, dự báo khủng hoảng, ách tắc chứ không chỉ đi giải quyết khủng hoảng, ách tắc. Xuất phát từ vai trò quan trọng của các đô thị đối với việc phát triển kinh tế xã hội cả nước nhu cầu phải giải quyết các vấn đề của đô thị, thực trạng hệ thống quản lý đang cải cách, hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT - truyền thông ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm các nước về phát triển các thành phố thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh. Đó là chính quyền phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững. “Như vấn đề ngập nước tại các đô thị nếu có dự báo dài hạn sẽ hạn chế được chứ không thể nào năm nào cũng đi xây bờ bao chống ngập được” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ. Giải pháp thứ hai theo Chủ tịch là chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của 4 chủ thể là hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngày càng cao hơn các nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn… cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn. Giải pháp thứ ba đó là phát triển và khai thác không gian mạng trong không gian sống của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội bao gồm giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền. “Giải pháp cuối cùng để có đô thị thông minh thì người dân tham gia quản lý là một “cảm biến xã hội”, giám sát xã hội, phát huy trí tuệ nhân dân coi sự đánh giá sự hài lòng của người dân là thước đo trong việc xây dựng chính quyền năng động hiệu quả”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Để xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện song song 2 cánh với 10 nhiệm vụ ưu tiên. Cánh một là quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững bao gồm 2 nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để doanh nghiệp người dân tiếp cận được thông tin. Cánh thứ hai là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh (quản lý xây dựng thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh - công dân thông minh; chính quyền thông minh - dịch vụ thông minh như giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải; nông nghiệp thông minh; quản lý trật tự - trị an thông minh. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hiện nay, các thành phố như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Thanh Hóa bắt đầu triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh. Việc phát triển đô thị thông minh phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả 2 cánh. Trong đó, với cánh thứ nhất cần triển khai nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và nhiệm vụ quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển. Với cánh thứ hai, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số 8 nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước. “Nghệ An có thể xây dựng được cơ sở dùng chung để các chủ thể gồm công dân, doanh nghiệp cũng trở nên thông minh hơn khi họ có đủ thông tin, đủ công cụ để tương tác với chính quyền” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở. |