Miền Trung vẫn gồng mình chống lũ

Đại Thành - Đồng Cúc 07/12/2016 15:20

Cho đến thời điểm này, tình hình mưa lớn ở miền Trung vẫn ngày một gia tăng, các hồ thủy lợi, thủy điện vẫn đang xả lũ điều tiết, hạ du nhiều nơi vẫn còn ngập nặng.

Người dân neo các bè cá trên sông Trà Khúc.

16 hồ vẫn tiếp tục xả lũ

Tại khu vực miền Trung, hiện có 16 hồ thủy lợi, thủy điện vẫn vận hành xả điều tiết. Với thủy lợi lưu lượng từ 600m3/s đến 998m3/s, thủy điện lưu lượng từ 300m3/s đến 880/880m3/s, tùy theo lưu lượng nước đổ về từng hồ. Như Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2) 880/880m3/s, Sông Ba Hạ 703/700m3/s, Sông Hinh 327/382m3/s, Srepok 3: 405/410m3/s (21h đến 22 ngày 6/12)).

Sáng ngày 7/12, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Văn Lân – Phó giám đốc Công ty TĐST - Chủ đầu tư TĐST2 cho biết, hiện đơn vị vẫn tiếp tục xả nước trong hồ để tạo dung tích đón lũ mới. TĐST2 đã có thông báo đến các cơ quan, đơn vị việc tiến hành xả nước qua tràn để hạ mực nước hồ về cao trình 172m nhằm tạo dung tích đón lũ, giảm lũ cho khu vực hạ du trong thời gian đến.

“Mục đích xả tràn là để hạ mực nước hồ về mực nước đón lũ là 172m, đến nay tình hình xả điều tiết không có gì thay đổi”- ông Lân nói.

Còn đối với Thủy điện Đăk My 4, ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk My cho biết: “Tình hình thượng nguồn hiện nay mưa đã giảm. Hiện Thủy điện Đak My 4 vẫn xả điều tiết từ 100-200m2/s. Mục đích cũng là nhằm tạo dung tích đón lũ, giảm lũ cho khu vực hạ du”.

Còn tại Quảng Ngãi, thủy điện Đắkdrinh đã xả điều tiết nước lòng hồ, với lưu lượng xả qua tràn 140m3/s, đã thông báo đến nhân dân trong vùng. Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện Sơn Tây và Ban giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắkdrinh cho biết, luôn chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, cử cán bộ trực 24/24 để đảm bảo việc điều tiết ảnh hưởng thấp nhất đến cuộc sống dân sinh vùng hạ du bị ảnh hưởng.

Lực lượng dân quân đưa học sinh qua khu vực nguy hiểm.

Gồng mình chống lũ

Dù việc xả điều tiết của các hồ thủy lợi, thủy điện đã thông báo đến người dân hạ du, nhưng do mưa lớn kéo dài, cộng với việc xả điều tiết liên tục đã khiến mực nước ở khu vực hạ lưu tại các sông dâng cao. Nhiều vùng trũng thấp, ven sông vẫn bị ngập nặng.

Cụ thể, tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã khiến 7 người chết. Hơn 2.000 ngôi nhà; gần 3.000ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và 100 nghìn chậu hoa cảnh bị ngập, hư hỏng. Hơn 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, nước cuốn trôi. Gần 90ha đất bị sa bồi thủy phá. Quảng Nam có trên 1.000 nhà dân bị ngập, 6 người chết và hàng trăm héc ta hoa màu bị thiệt hại.

Ghi nhận tại xã Tịnh Phong, chúng tôi được biết, có 7 hộ dân ở xóm Hẻo, thôn Phú Lộc bị cô lập hoàn toàn. Riêng tuyến đường duy nhất nối từ Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tịnh Phong một số đoạn đã bị ngập nước sâu. 417 hộ dân trong thôn có thể bị cô lập khi nước dâng. Đối với các trường của xã đã thông báo cho các em học sinh nghỉ học, lực lượng dân quân thường trực của xã đã có mặt 24/24 tại khu vực này để đưa các em học sinh về nhà và giúp người dân đi lại, đồng thời cảnh báo những nơi nước ngập sâu nguy hiểm.

Người dân thôn Minh Long, kê cao đồ đạc, vật dụng cần thiết để sắn sàng chạy lũ.

Em Nguyễn Thị Hồng, một học sinh lớp 6 cho biết: “Nếu không có mấy chú dân quân đưa qua đoạn đường này thì con không dám về nhà. Mênh mông là nước nhiều chỗ sâu, chảy xiết, con và bạn lo sợ lắm!”

Trong khi đó, hàng trăm lồng bè nuôi cá trên sông Trà Khúc đoạn qua thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn nhiều hộ đang khẩn trương gia cố lồng bè và dùng dây neo các bè cá để phòng tránh thiệt hại do lũ.

Anh Trần Trung Việt người nuôi cá bè trên sông Trà Khúc cho biết: “Dù là chủ động neo đậu, nhưng ai biết lũ lớn sẽ xuất hiện lúc nào. Mấy ngày qua tôi đã mất ăn, mất ngủ, vì cơ nghiệp đang đứng trước nguy cơ trắng tay!”.

Còn tại thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, nới có những xóm nhỏ nằm ở vùng thấp, giáp sông Trà Khúc do vậy, mỗi khi mưa lũ, nước dâng, là các xóm này cô lập hoàn toàn. Để chủ động ứng phó trong tình hình lũ, đến thời điểm này các hộ ở khu vực thấp trũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chạy lũ. Bà con đã dọn dẹp, che chắn, kê cao đồ đạc, vật dụng cần thiết. Lúa gạo và nông sản đã được cất giữ nơi khô ráo và có phương án di dời khi nước dâng cao.

Bà Nguyễn Thị Trúc, thôn Minh Long than thở: “Hoàn cảnh tôi đã già lại neo đơn, nhà ở sát mé sông Trà nên ngay sau khi có thông báo xả lũ của thủy điện, tôi nhờ người đến giúp đỡ đem lúa di dời đến chỗ cao và đưa con bò đến nơi an toàn nhất, vì đây là tài sản lớn nhất của tôi. Nói răng cho hết nỗi cơ cực đây hỡi trời!”.

Nước sông Vu Gia dâng cao nhấn chìm hàng trăm ha đậu
của người dân ở xã Đại Cường.

Tại Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Lạc, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc cho biết: “Mấy ngày qua, trên địa bàn có mưa lớn, và nước sông Vu Gia dâng cao đã làm ngập nước 200 ha đậu lạc và một số hoa màu của người dân canh tác gần bờ sông này”.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UB MTTQ VN huyện Phước Sơn cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có mưa lớn, nhiều điểm sạt lở nhỏ ở các đường vào các thôn, xóm ở vùng cao”.

Đáng lo ngại khi Trung tâm KTTV TƯ dự báo, đến chiều ngày 8/12 khu vực Quảng Nam đến Khánh Hòa mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 100-200mm, có nơi trên 200mm. Trong khi đó, các hồ thủy lợ, thủy điện vẫn đang xả lũ gọi là xả điều tiết. Do đó người dân vùng hạ du vẫn phải tiếp tục gồng mình gánh lũ.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ​UBND các tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp chủ động ứng phó tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.

Đại Thành - Đồng Cúc