Bộ tộc sống biệt lập với thế giới

Bùi loan 09/12/2016 09:00

Người Yanomami sống như người nguyên thuỷ trong rừng rậm Amazon, tách biệt hẳn với thế giới văn minh của loài người.

Người Yanomami sống biệt lập với thế giới bên ngoài.

Bộ tộc Yanomami là một nhóm sắc tộc người da đỏ bản địa ở vùng rừng rậm Amazon nằm ở biên giới giữa Venezuela và Brazil với dân số chừng 35.000 người và tổ chức sống vào khoảng 200-250 ngôi làng. Đây là nhóm bộ lạc lớn nhất trong rừng Amazon.

Bộ lạc Yanomami được phát hiện vào năm 1929 trong rừng Amazon, thuộc đất nước Brazil. Kể từ khi phát hiện cho đến lúc này, người Yanomani vẫn sống hoang dã như hàng ngàn, hàng vạn năm trước. Họ sống tách biệt, không muốn liên hệ với thế giới bên ngoài, không muốn thay đổi những phong tục văn hóa, thói quen sống từ thuở sơ khai.

Người Yanomami sống trong những túp lều lợp lá, quay lại thành hình tròn và nằm sâu trong rừng. Họ ngủ võng, biết dùng lửa và sở hữu một kho kiến ​​thức rất lớn về thực vật, với khoảng 500 loại cây cỏ được họ biến thành thức ăn, thuốc uống và nhà ở. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên: Đàn ông săn bắn và đàn bà hái lượm.

Tập tục kì dị

Bộ lạc Yanomami có tục ăn, uống tro cốt của người chết. Họ tin rằng có sự tồn tại của thế giới linh hồn. Khi người trong bộ lạc chết đi, họ tìm cách giữ linh hồn người đó ở lại bằng cách hợp nhất thân xác người chết với thân xác người sống. Đó chính là lý do mà dân làng tiến hành đốt xác rồi ăn tro cốt người chết.

Tuy nhiên, người Yanomami cũng đưa ra quy định riêng là chỉ những người đàn ông có uy tín trong bộ lạc mới được thực hiện nghi thức này. Họ phải tắm rửa sạch sẽ, lau sạch mọi vật dụng, kể cả con dao và cung tên đeo mang theo bên mình. Khi mặt trời lặn, những người này sẽ tiến hành đốt xác người chết trên giàn hoả thiêu.

Trong thời gian này, họ sẽ túc trực bên đống lửa trông coi suốt ngày đêm. Khi việc hoả táng xong xuôi, xương cốt người chết sẽ cho vào cối và giã nhuyễn thành bột. Thứ bột này được đựng trong những quả bầu khô và cất giữ ở một nơi trang trọng trong nhà.

Người Yanomami sống dựa vào săn bắn, hái lượm.

Khoảng một năm sau, người Yanomami sẽ đem tro cốt người chết ra trộn vào thức ăn, trong đó có món chính là súp chuối. Trong ngày lễ tưởng nhớ này, cả bộ lạc cùng thưởng thức các món ăn trộn xương cốt người chết. Bất kỳ ai cũng đều ăn đến hết. Khi ăn những món này, họ tin rằng linh hồn người chết sẽ luôn ở bên cạnh họ.

Ngoài ra, những người đàn ông cũng nhét tro cốt vào ống nứa, rồi một người thổi, một người hít thật sâu vào trong mũi. Theo họ, đó cũng là một cách để lưu giữ một phần linh hồn của người đã chết ở lại.

Cũng giống như đa số các bộ tộc bản địa ở Châu Mỹ, người Yanomami vẫn lưu giữ tục lệ tảo hôn. Các cô gái Yanomami kết hôn ở độ tuổi dậy thì từ 10-12 tuổi và làm mẹ từ 13- 14 tuổi. Phụ nữ Yanomami cũng tự “làm đẹp” bằng cách xuyên chiếc đũa tre qua phần sụn ở cánh giữa mũi và 3 chiếc khác xuyên qua mép dưới.

Các cô gái Yanomami làm mẹ ở độ tuổi 13- 14 tuổi.

Dân số suy giảm

Mới đây, tổ chức Survival International (SI)- thường xuyên vận động nhằm bảo vệ các bộ lạc thiểu số- có trụ sở ở Lon don (Anh) đã công bố những hình ảnh mới nhất về một ngôi làng người Yanomami ở bang Roraima, phía Bắc Brazil.

Những hình ảnh cho thấy nhiều người, cả nam lẫn nữ, đang đứng bên trong ngôi nhà lớn, nơi sinh sống của nhiều gia đình trong bộ lạc. Họ không mặc quần áo hoặc chỉ mặc rất ít. Một số người đang ngước nhìn lên trời - dường như đã phát hiện ra mình bị chụp ảnh. Theo SI, có khoảng 100 người cư ngụ ở đây.

Những bức ảnh đặc biệt này được công bố giữa lúc có nhiều lo ngại cộng đồng thiểu số ở vùng Amazon có thể bị các thợ mỏ vàng xóa sổ bởi họ sử dụng vũ lực và mang theo bệnh tật đến khu vực này. Các thợ mỏ cũng được cho là đã làm ô nhiễm nguồn thức ăn, nước uống của bộ lạc do thủy ngân dùng khai thác vàng.

Ngôi nhà lớn của một nhóm người Yanomami.

Theo SI, khu vực họ chụp những bức ảnh đang có tới hơn 5.000 thợ mỏ vàng bất hợp pháp. Các trại đào vàng hoạt động ở cách bộ lạc Yanomami chỉ khoảng 15km.

Thống kê cho thấy, bạo lực và bệnh dịch do người văn minh gây ra đã khiến dân số của họ giảm đi 20% chỉ trong 7 năm. Năm 2012, ít nhất 80 người của bộ lạc Yanomami bị một nhóm thợ đào vàng tàn sát dã man. Mới tháng 11 vừa qua, người dân Yanomami đã bắn chết 6 thợ mỏ đào vàng bằng cung tên mà chưa rõ nguyên do.

Ông Stephen Corry, giám đốc SI khuyến cáo: “Tất cả các nước trong khu vực Amazon cần có hành động ngăn chặn việc khai thác vàng và các khoáng sản bất hợp pháp tràn lan, để bảo vệ khu vực mà bộ lạc này sinh sống” bởi chúng ta cần tôn trọng “quyền được sống ở đó của họ”.

Phụ nữ Yanomami “làm đẹp”.

Bùi loan