Thứ hạng cao của Việt Nam trong đánh giá PISA 2015: Lợi thế cho đổi mới giáo dục

Thu Hương 09/12/2016 09:48

Lần thứ hai Việt Nam tham gia vào Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội Các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo với kết quả nằm trong top 10 về lĩnh vực khoa học, đứng thứ 22 ở lĩnh vực Toán học và thứ 32 ở lĩnh vực Đọc hiểu trong số 72 nước tham gia đánh giá.

Thứ hạng cao của Việt Nam trong đánh giá PISA 2015: Lợi thế cho đổi mới giáo dục

Ảnh minh họa.

Thứ hạng cao

Ở chu kỳ PISA 2015, trọng tâm được đánh giá là lĩnh vực Khoa học. Cụ thể, báo cáo của OECD cho thấy ở lĩnh vực Khoa học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 525 điểm. Kết quả của học sinh Việt Nam cao hơn trung bình các nước OECD 31,4 điểm một cách có ý nghĩa thống kê.

Ở lĩnh vực Toán học, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 490 điểm, của học sinh Việt Nam là 495 điểm. Ở lĩnh vực Đọc hiểu, kết quả trung bình của các quốc gia OECD là 493 điểm, của học sinh Việt Nam là 487 điểm.

Từ kết quả PISA 2015 cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực Khoa học, Toán học, Đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong bài thi PISA.

Đặc biệt, kết quả Top 10 ở lĩnh vực Khoa học mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng về sự phát triển năng lực của học sinh, đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống.

Đặc biệt, một tỷ lệ học sinh (gần 10%) đạt kết quả ở cấp độ năng lực khoa học cao nhất (mức 5, 6) cho thấy nhóm học sinh này đủ tự tin để giải quyết những tình huống khoa học và công nghệ phức tạp trong cuộc sống hiện đại.

Cuộc khảo sát uy tín

Trao đổi với PGS TS Văn Như Cương- Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), ông cho biết không bất ngờ về kết quả đánh giá năm 2015. Ở lần đầu tiên tham gia PISA chu kỳ năm 2012, Việt Nam cũng xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nói như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì đó là một “kết quả gây bất ngờ cho cả thế giới”.

Ở chu kỳ PISA 2015, Việt Nam vẫn giữ vững thứ hạng về Khoa học – lĩnh vực được đánh giá là trọng tâm năm nay và xếp trên Hồng Kông, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Pháp… Hai lĩnh vực còn lại tuy có sụt giảm so với chu kỳ 2012 nhưng vẫn xếp trên nhiều quốc gia được đánh giá là có nền giáo dục tiên tiến.

Điều này khiến nhiều người nghi ngờ và không tin vào kết quả OECD công bố. Tuy nhiên, đây là một chương trình đánh giá học sinh quốc tế quy mô lớn, có tính toàn cầu.

Cho đến thời điểm này, đây là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất trên thế giới chỉ chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15.

Về quy trình, kỹ thuật chọn mẫu do OECD chịu trách nhiệm, Việt Nam cung cấp danh sách các cơ sở giáo dục có học sinh tuổi 15 cho OECD, OECD chọn trường, gửi danh sách trường về cho Việt Nam, Việt Nam thống kê danh sách học sinh tuổi 15 gửi cho OECD; OECD chọn mẫu học sinh.

Theo danh sách chọn mẫu khảo sát chính thức PISA 2015, Việt Nam có 197 cơ sở giáo dục được chọn, trong đó có 1 trường nghề, 9 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trường phổ thông liên cấp (cấp 2 và cấp 3), 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, 28 trường THCS và 150 trường THPT. Mỗi trường có 35 học sinh tham gia và một số trường có số HS tuổi 15 ít hơn 35 em.

Sau khi đàm phán, OECD đồng ý cho Việt Nam lược bỏ 9 trường mẫu nhỏ, học sinh dưới 5 em tuổi 15. Tổng số mẫu trường tham gia khảo sát chính thức thực tế là 188 trường với 5.826 học sinh trên toàn quốc. Khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2015 diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2015.

Cuộc khảo sát phải tuân theo những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của OECD, trong đó việc lựa chọn học sinh tham gia đánh giá là do OECD quyết định và lựa chọn ngẫu nhiên, phía Việt Nam không thể can thiệp nên kết quả hoàn toàn có thể tin tưởng.

Nó cũng phản ánh trung thực, chính xác năng lực của học sinh ở ba lĩnh vực: Đọc hiểu, toán và khoa học nhưng không có nghĩa ở các lĩnh vực khác hoặc toàn bộ năng lực của học sinh Việt Nam đều xếp hạng cao hơn các nước khác. Vì vậy, không thể nói học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ được.

Nhìn nhận để thay đổi

Mục tiêu cụ thể của Việt Nam khi tham gia PISA là một bước tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục. Đồng thời góp phần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trên lớp học và đánh giá trên diện rộng theo hướng đánh giá năng lực của học sinh; phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập của học sinh và khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

Đây cũng là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục, thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Kết quả PISA là một minh chứng cho thấy giáo dục Việt Nam đã không ngừng vận động, đổi mới và phát triển trong thời gian qua, đã gặt hái được một số thành tựu đáng kể.

Điều này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam trong con mắt của chính người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Theo PGS TS Văn Như Cương, nếu nhìn vào đánh giá xếp hạng của PISA hay những thành tích của các kỳ thi Olympic quốc tế, có thể thấy học sinh Việt Nam không thua kém học sinh thế giới. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể nói là ở mức tốt so với trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, do tâm lý thiếu tin tưởng của một bộ phận người Việt vào chất lượng nền giáo dục nước nhà nên nhiều gia đình dù không phải quá giàu nhưng vẫn cho con đi học nước ngoài, trong đó có những em đi du học từ khi còn rất nhỏ.

Đến bậc đại học, số du học sinh của Việt Nam ở nước ngoài những năm gần đây gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có hơn 120.000 học sinh Việt Nam du học ở 47 quốc gia với mức học phí hơn 30.000USD/năm.

“Cái thiếu của học sinh Việt Nam là các kỹ năng mềm để ứng xử trong cuộc sống, cần trang bị cho các em trong quá trình học. Kết quả khảo sát PISA là một niềm vui với nền giáo dục nước nhà nhưng cũng là áp lực để ngành giáo dục nhìn nhận vào thực tế này để thay đổi, khắc phục những yếu kém, củng cố niềm tin của người dân”- ông Cương đề xuất.

Thu Hương