Không ai bị bỏ lại sau
UNDP từng đưa ra nhận định về việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở Mục tiêu Thiên niên kỷ 1 về giảm nghèo. Hiện, tỉ lệ này ở Việt Nam vào khoảng trên dưới 10%. Cũng vẫn theo tổ chức này thì, sau hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh, giờ đây Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về phát triển. Công cuộc đổi mới về chính trị và kinh tế đã đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành nước có m
Sự tăng trưởng ngoạn mục đó, kèm theo kết quả thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức dưới 100 USD lên khoảng trên 1000 USD đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao mức sống của người dân; nỗ lực xóa nghèo là lớn đến đâu. Cũng nhờ nâng cao đời sống nên thay vì phải chạy ăn từng bữa giờ ở nhiều vùng quê người ta đã thấy mọc lên nhiều ngôi nhà khang trang với hạ tầng cơ sở đầy đủ. Và quan trọng là thay vì chỉ lo ăn; giờ nhiều người dân đã có điều kiện cải thiện bữa ăn; có điều kiện cho con cái đến trường học lấy cái chữ để thay đổi nhận thức, quan niệm và thay đổi tư duy từ đó góp phần thoát nghèo.
Đương nhiên, góc nhìn về tỉ lệ giảm nghèo chỉ là một trong những góc nhìn trong thực hiện MDGs tại Việt Nam nhưng nó có tính chất quyết định trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ khác và xa hơn nó góp phần vào việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam. Nhưng, nói đến Việt Nam có lẽ không chỉ có câu chuyện về xóa đói giảm nghèo mà những vấn đề về bình đẳng giới, tự do tôn giáo, tín ngưỡng; chống bạo lực gia đình đã và đang được quan tâm ở mức cao với sự ra đời của nhiệu dự luật liên quan.
Được biết đến là một quốc gia có địa hình trải dài và sự đa dạng của các vùng miền đã tạo nên tính đặc thù và sự giàu có về văn hóa, nhưng cũng là khó khăn không nhỏ trong việc đảm bảo và thực thi các quyền con người đối với mọi người dân Việt Nam. Nhưng có lẽ không ở đâu như tại Việt Nam, với số dân khoảng 90 triệu người (trong đó 75% sống ở nông thôn), Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới. 54 dân tộc (người Kinh chiếm 86%) chung sống hòa thuận và có những bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Không thể phủ nhận việc, nhiều tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, trong quá trình du nhập vào Việt Nam, đã hòa nhập với các tín ngưỡng bản địa để cùng phát triển hoặc hình thành những tôn giáo nội sinh mang đậm sắc thái Việt Nam như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...
Điều đó không chỉ tạo cho Việt Nam nét đặc thù của một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và là nền tảng cho khối đại đoàn kết dân tộc suốt hơn 2.000 năm dựng nước và chống ngoại xâm, mà còn là cơ sở để Nhà nước Việt Nam thực hiện các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo đảm quyền phát triển nói chung và các quyền con người nói riêng một cách bình đẳng.
Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người. Hiến pháp 1992, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, đảm bảo mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bình đẳng trước pháp luật; quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại và cư trú trên đất nước Việt Nam; quyền khiếu nại và tố cáo; quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe... không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo. Trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa các quyền này, phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về nhân quyền.
Đáng chú ý, sau khi được thông qua và đi vào thực tiễn cuộc sống Hiến pháp 2013 đã được xem như một trong những bản Hiến pháp đặt trọng tâm vào việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân với 36 điều liên quan đến vấn đề này. Không phải chỉ từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016); mà từ rất lâu, chúng ta vẫn coi trọng đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực này trên cơ sở lấy đối thoại làm mục tiêu để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước hay giữa Việt Nam với các diễn đàn đối thoại đa phương.
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền chứng tỏ chúng ta đã tạo được sự tin tưởng trong bạn bè quốc tế. Bởi, “họ tin tưởng vào sự khách quan của Việt Nam trong đánh giá về tình hình nhân quyền trên thế giới”, bà Hoàng Thị Thanh Nga- một đại diện của Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao đã từng giải thích. Cũng bởi, nguyên tắc đề cao đối thoại và hợp tác luôn được chúng ta tôn trọng không chỉ với các đối thoại với quốc tế mà với cả người dân trong nước.
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người. 3 năm đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiêu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng Nhân quyền; đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại. Tham gia Hội đồng Nhân quyền với chúng ta không phải chỉ để lắng nghe và học hỏi mà chúng ta đã tham gia phát biểu, bình luận hay thậm chí là tranh luận, phê phán trên nguyên tắc rõ về lập trường.
Cũng vì thế mà không chỉ trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam hiện còn được tín nhiệm bầu vào nhiều cơ quan khác nhau của LHQ như Hội đồng Kinh tế - Xã hội; mới đây nhất chúng ta đã trở thành thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ. Sự tin tưởng của quốc tế sẽ đặt chúng ta vào trọng trách mới. Và, Việt Nam ý thức rõ các trọng trách ấy để nỗ lực phấn đấu hơn nữa vì các quyền con người và quyền công dân. Để đã làm tốt thì phải làm tốt hơn.
Trong một dịp trả lời phỏng vấn Đại Đoàn kết về việc Việt Nam vừa được Đại hội đồng LHQ tín nhiệm bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) của LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng đó là sự ghi nhận của quốc tế cho những nỗ lực của Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Và, việc này sẽ giúp chúng ta “ý thức được trách nhiệm rất lớn của Việt Nam. Với tinh thần hợp tác, xây dựng, chúng ta sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của ECOSOC, huy động sự tham gia của các lực lượng, các nguồn lực trong xã hội, đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển của LHQ, phát huy hiệu quả của hợp tác phát triển để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường”. Mục tiêu cao nhất của Việt Nam sẽ là và phải là làm sao để: Không ai bị bỏ lại đằng sau.