Gặp những người có H.
Câu chuyện đẫm nước mắt của họ ngay trên sân một ngôi nhà giản dị ở vùng quê Bắc Ninh không đầu, không cuối... “Nhiều khi chúng em bị khoác lên mình cái danh người tốt. Em chẳng tốt đâu mà chỉ nghĩ thế nào thì làm thế đấy”. Lời chị Phạm Thị Hiền, nhóm trưởng nhóm Tự Lực phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh còn vọng lại theo tôi trên suốt chặng đường về...
Các thành viên trong nhóm Tự Lực. (Ảnh: Trần Ngọc Kha).
Khẩu ngữ “buôn dưa lê” được các thành viên trong nhóm Tự Lực nói đi, nói lại rất nhiều lần với chúng tôi trong câu chuyện. “Chúng tôi được khóc thoải mái, cười thoải mái và cũng vô tư thoải mái mỗi khi gặp nhau”- chị Hoàng Thị Đơn gọi những lần gặp gỡ của nhóm đó là những cuộc “buôn dưa lê”. Chị nói một cách nâng niu, trìu mến về những thành viên trong nhóm nhỏ Niềm tin Tiên Du. “Thường ngày chúng em vất vả, buồn tủi, khó khăn như thế nào, chắc mọi người không lạ. Vì thế cho nên, chúng em thương nhau lắm, như chị em một nhà”, nhóm trưởng Phạm Thị Hiền giãi bày tâm sự...
Những người “không sợ lộ”
Nhóm có gần 200 thành viên, nhưng cố gắng lắm hôm nay các chị chỉ huy động được vài người, đó là những người có H. mà “không sợ lộ”. Trên những chiếc chiếu được trải ra sân, những câu chuyện trải lòng của họ nghe thật xót xa.
Xuất phát từ nhu cầu được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ, họ tìm đến với nhau. Mỗi mảnh đời đều có những vết thương lòng, những nỗi đắng cay, buồn tủi khác nhau. Mỗi khi tụ họp, họ lại được khóc thoải mái, cười thoải mái. Mới đây thôi, trong nhóm có người vừa sinh con nhưng bị gia đình, bạn bè kỳ thị, xa lánh. Ngay lập tức, các thành viên trong nhóm bảo nhau mỗi người góp nhặt một tý giúp mẹ con người phụ nữ bất hạnh này vượt qua khó khăn. Không chỉ giúp người có H, họ còn giúp cả những mảnh đời lành lặn nhưng lỡ sa cơ. Như trường hợp một bé gái 15 tuổi trót dại, sinh con bị gia đình mắng nhiếc, đuổi khỏi nhà cũng được nhóm cưu mang.
Trong cuộc sống hàng ngày của những người có H, một trong những khó khăn nhất là sự kỳ thị. Vô tình, hữu ý mà để lộ mình có H, ngay lập tức các chị sẽ có nguy cơ bị mất việc làm, bị bạn bè xa lánh hoặc không hợp tác nữa. Được mệnh danh là những người “không sợ lộ” nhưng khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, trong nhóm vẫn có thành viên xua tay, che mặt. Chị Hiền kể: Có khá nhiều đoàn đã tiếp cận nhóm và họ để lại khá nhiều những chuyện vui ít, buồn nhiều. Sau những cuộc tiếp xúc như thế này, được lên sóng, họ bị “mất” nhiều hơn “được” - mất mối hàng làm ăn, mất quan hệ, thậm chí, con gái chị Hiền, mặc dù hoàn toàn không “dính” HIV vẫn bị không chỉ các bạn học cùng lớp “xít” - không chơi với - mà còn bị nhà trường không chấp thuận cho học bán trú. Có người vì thế phải bỏ nhóm mới kiếm được miếng cơm hàng ngày.
Và những người còn “sợ lộ”
Làng Nam Viên (xã Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh) còn lưu truyền nhau câu chuyện đau lòng của chị Hoàng Thị Đơn, trưởng nhóm nhỏ Niềm tin Tiên Du. Năm 2006, chị mới phát hiện mình bị lây HIV từ người chồng. “Tôi mới 22 tuổi đời mà chồng vừa mất cách đây 6 tháng. Những ngày này, tôi không còn thiết sống nữa. Tôi bị mọi người kỳ thị, trừ mẹ đẻ. Mẹ an ủi giúp đỡ tôi rất nhiều. Mẹ bảo tôi ôm con trở về nhà sống với mẹ nhưng tôi không về. Bên chồng, mọi người nói nặng, nói nhẹ tìm mọi cách cốt để đuổi tôi ra khỏi nhà. Nhưng tôi nhất quyết ở lại mà rằng, đâu phải lỗi tại tôi? Đến bữa, thậm chí không ai thèm mời cơm, mẹ con tôi cứ xông vào mâm ăn cùng. Tôi nói thẳng với bố mẹ chồng: Bố mẹ và họ hàng đón con về như thế nào thì nay hãy đưa con trở về nhà con như thế. Lâu dần nhà chồng cũng buộc phải nguôi cơn giận mà để mẹ con tôi yên…”. Hết kể chuyện mình, chi Đơn lại kể chuyện người khác. Chuyện nào cũng đẫm nước mắt.
Một người có H. thường có nhiều “mang” bệnh, như Viêm gan B, C, lao... Những căn bệnh không thể không được coi là nghiêm trọng. Vậy nhưng, nhiều khi sợ bị lộ danh tính một người có HIV, phần lớn trong số họ đã khước từ điều trị. Vì thế, cái chết đến với họ nhanh hơn người được điều trị. Họ nói: “Thà chúng tôi chết trong sự đau đớn về thể xác còn hơn đau đớn về tinh thần”. Và trên thực tế, để vận động được những người này đến với các cơ sở y tế không phải là chuyện dễ dàng gì.
Nếu được hỗ trợ, sẽ dùng tiền để làm gì?
Không ít lần các thành viên trong nhóm nhận được câu hỏi như vậy từ các nhà tài trợ. “Chúng tôi sẽ mang cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong nhóm” là một trong những câu trả lời thường trực của nhóm, không phải nghĩ. “Sao các chị không giữ lại để gây quỹ?”. “Chúng tôi không có gì phải gây quỹ cả. Mọi sinh hoạt nhóm đều đã được gia đình các nhóm hỗ trợ”. Hiện nay, trong nhóm có hơn 100 bệnh nhân đang gặp muôn vàn khó khăn. HIV/AIDS đã và đang tàn phá từng con người, từng gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội. Chị Hiền mong đến một ngày nào đó, không còn ai bị lây nhiễm mới nữa. Trước mắt, chị mong làm sao khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng để những người không may có H. như các chị được ấm lòng...