Nhập thế để bảo vệ môi trường
Sớm mùa đông, trong khuôn viên xanh mát, thanh tịnh chốn cửa thiền, Thượng tọa Thích Thanh Huân- Trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội) đã có những chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết về một vấn đề đang ngày càng trở nên cấp thiết- bảo vệ môi trường.
Thượng tọa Thích Thanh Huân.
Qua câu chuyện của vị trụ trì, càng thấy rõ hơn về tinh thần nhập thế của các tôn giáo trong việc chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
PV:Hưởng ứng chương trình các Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam phối hợp triển khai, chùa Pháp Vân đã có những hoạt động gì thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: Lần đầu tiên, một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò, trách nhiệm của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng một bản cam kết chung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam.
Điều đó thể hiện rõ sự đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các tổ chức tôn giáo cùng với Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham gia bảo vệ bền vững môi trường.
Chùa Pháp Vân may mắn được tổ chức Bắc Âu và MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn là một trong những chùa mô hình điểm của Phật giáo phía Bắc.
Cuối tháng 10 vừa qua, Chùa đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng mô hình điểm của Phật giáo phía Bắc trong việc tham gia các hoạt động Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung vào việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và các hoạt động về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoạt động được triển khai trên nền tảng Tam giác phối hợp: Mặt trận tổ quốc/ chính quyền địa phương – Nhà chùa – Người dân địa phương. Trong gian tới Chùa sẽ phát triển theo 2 hướng là làm xanh sạch đẹp môi trường và tạo nguồn quỹ để khi có hạn hán thiên tai xảy ra thì giúp đỡ, cứu trợ được một cách hiệu quả nhất.
Thượng tọa có thể nói cụ thể hơn về những hoạt động này?
- Sau khi tổ chức Chiến dịch Sạch-Xanh làm tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên chùa, Chùa Pháp Vân tổ chức Lễ phát động “Chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" bằng hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực hồ Linh Đàm với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, khu dân cư. Hiện Chùa có CLB Xanh, với khoảng 200 thành viên, là sinh viên của nhiều trường đại học tại Hà Nội, các bạn thường xuyên tham gia hoạt động môi trường tại chùa và các khu vực dân cư xung quanh.
Đồng thời chùa cũng tổ chức các buổi nói chuyện với địa phương về bảo vệ môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các cụm dân cư và tổ chức “Ngày ăn chay chung tay bảo vệ môi trường” cho cộng đồng khoảng 500 người tại khuôn viên chùa Pháp Vân và “Tử tế với môi trường”, do các Hoa hậu, Á hậu, người đẹp cùng hơn 500 đoàn viên, thanh niên CLB Liên kết trẻ Trung ương Đoàn thực hiện.
Khách tham quan vườn rau hữu cơ của nhà chùa.
Rất nhiều người dân khi thấy nhà chùa phát động dọn dẹp, làm sạch môi trường họ cũng tình nguyện tham gia. Mỗi một người khi làm việc tốt tức là họ đã tự lan tỏa được hành động đẹp đó với những người xung quanh mình.
Hữu xạ tự nhiên hương thôi! Con người chúng ta tồn tại được khỏe mạnh là nhờ môi trường thiên nhiên gồm có thực phẩm, không khí, cây xanh… Môi trường này mà tốt thì tinh thần của mình sẽ tốt hơn, giảm âu lo, stress.
Ngày ăn chay để bảo vệ môi trường - một ý tưởng rất nhân văn và nhiều ý nghĩa, thưa Thượng tọa?
- Khi nghe thông tin mỗi ngày có tới hơn 200 người chết vì bệnh ung thư, chúng tôi vô cùng lo lắng. Ai cũng biết, số người ung thư tăng nhanh như vậy nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm, thực phẩm “bẩn” tràn vào trong mỗi bữa cơm của các gia đình.
Đâu đâu cũng thấy rau phun thuốc, thịt tăng trọng, cá nhiễm hóa chất… Là người tu hành nhưng chúng tôi cũng sốt ruột lắm! Ngoài những hoạt động như vừa kể trên thời gian qua Chùa bắt đầu tổ chức “Ngày ăn chay chung tay bảo vệ môi trường” vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng cho cộng đồng khoảng 500 người. Qua đó vận động nhân dân trồng rau, sản xuất thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và cho cộng đồng.
Mừng là mặc dù những buổi ăn chay đó có tới vài trăm người, thế nhưng khi mọi người đứng dậy, tuyệt nhiên sân chùa không có lấy một chiếc túi nilon hay rác bẩn. Thế tức là mọi người đã rất thấm thía ý nghĩa về bảo vệ môi trường rồi! Nếu chúng ta cứ làm thường xuyên, liên tục, tôi tin rằng ý thức của người dân sẽ được nâng lên, môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện.
Hiện ngoài sân chùa chúng tôi trồng rất nhiều giàn rau hữu cơ. Đó vừa là nguồn để phục vụ bữa ăn của nhà chùa cũng là mô hình để bà con Phật tử có thể tham khảo làm theo. Qua đó chúng tôi cũng muốn tuyên truyền cho bà con sản xuất, chăn nuôi cần phải làm đúng quy trình, không phun thuốc trừ sâu, tăng trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình mình cũng như cộng đồng.
Thượng tọa nghĩ gì về tinh thần nhập thế để bảo vệ môi trường của các Tôn giáo?
- Thực ra không phải bây giờ mà từ lâu rồi các tôn giáo, trong đó có Phật giáo đã rất có ý thức bảo vệ môi trường. Cả cuộc đời đức Phật sống ở rừng, gần gũi với thiên nhiên nên môi trường quan trọng như thế nào với cuộc sống thì Đức Phật đã dạy chúng tôi từ chính cuộc đời của ngài rồi.
Bởi vậy trong giới luật của nhà Phật là phải bảo vệ cây cối, bảo vệ từ ngọn cỏ trở đi. Không được vô ý, cố ý, vô duyên, vô cớ làm tổn hại đến sự sống của thực vật. Trong kinh, Đức Phật có nói tới giá trị của thiên nhiên đối với sức khỏe của con người, và đối với tinh thần, tư tưởng của con người.
Thời gian tới, nhà chùa sẽ luôn sát cánh cùng Mặt trận, ngành Tài nguyên – Môi trường để bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên của đất nước. Bắt đầu từ chính ngôi chùa Pháp Vân này, chúng tôi sẽ tạo ra những không gian xanh mát, những vườn rau sạch và tuyên truyền những mô hình làm điểm thiết thực nhất, gần gũi và an toàn nhất vời đời sống.
Thế nhưng, để làm được những việc như đã nêu ở trên, thưa Thượng tọa có cần sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng?
- Đúng vậy. Đi vào thực tiễn làm mới thấy rằng, cần phải có kiến thức chuyên môn để thực hiện, nếu chỉ có một mình nhà chùa thì không thể làm được mà cần phải có sự phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền, tham gia làm sạch môi trường...
Chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên Môi trường cung cấp những thông tin về môi trường, các cách để bảo vệ mình và cộng đồng làm thành các baner treo ở chùa để mọi người đến lễ có thể đọc và làm theo.
Hiện nay, mỗi ngày rằm, mùng một bà con Phật tử đến chùa thắp hương và đốt vàng mã rất nhiều. Vấn đề này nhà chùa đã nhiều lần lên tiếng.
Chúng tôi đã thuyết giảng để Phật tử hiểu rằng, về mặt văn hóa, việc đốt tiền vàng mã là cái tâm, là tấm lòng của con cháu đối với ông bà tổ tiên, nhưng khi trở thành thái quá thì sẽ là không tốt.
Theo lời Ngài Tố Liên – một trong những bậc cao tăng ở miền Bắc thì đốt vàng mã hoàn toàn không phải là mỹ tục trong văn hóa Việt và nhất định không phù hợp với tinh thần đạo Phật. Ngài cũng đã tha thiết kêu gọi bài trừ hủ tục đốt vàng mã…
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!