Sân khấu hóa tín ngưỡng: Nên hay không?
Hiện có một số nhà hát, sân khấu công diễn các chương trình về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng cho thấy sức hấp dẫn của nghi lễ này trong đời sống dân gian.
Vở diễn “Tứ phủ” trên sân khấu Nhà hát Việt.
Trong số này, không thể không nhắc đến vở diễn khá đình đám mang tên “Tứ phủ” lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, do Việt Tú đạo diễn, trên sân khấu Nhà hát Việt (Viettheatre).
Trong thời gian qua, mỗi suất diễn dài 45 phút của “Tứ phủ” đã nhận được sự quan tâm từ công chúng trong nước và khách quốc tế.
Bên cạnh đó là vở “Ngũ biến” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn tái hiện 5 giá đồng, khi đi lưu diễn từ tháng 9 vừa qua đã đón lượng người xem đông đảo và gặt hái một số giải thưởng tại các liên hoan sân khấu quốc tế.
Tuy nhiên, nghệ thuật hóa hay bảo tồn tín ngưỡng này trong không gian truyền thống cũng đang là câu chuyện được đặt ra, và hiện có những cái nhìn khác nhau.
Theo TS Lê Thị Minh Lý- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều giá trị đặc sắc nên việc khai thác, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới thuộc hình thức nghệ thuật khác là chuyện bình thường và nên làm. Từ Quan họ, Ví giặm, Chèo cũng đã sản sinh nhiều bài hát mới có giá trị đó thôi. Nhưng chúng ta phải rõ ràng trong câu chuyện này, trước hết phải tôn trọng và biết tri ân những chủ thể đã sáng tạo, trao truyền và gìn giữ văn hóa đó.
Bà Lý cũng nhấn mạnh: Chúng ta nên khuyến khích vì các sáng tạo mới đó cũng là một cách giới thiệu di sản, làm cho di sản thêm sức sống. Những sáng tạo ấy sẽ là rất tốt nếu họ có sự liên kết với cộng đồng, để cho cộng đồng cơ hội tham gia vào những sáng tạo đó để nhận diện những giá trị văn hóa cốt lõi của họ, để không bị mai một, sai lệch.
UNESCO luôn lưu ý đến việc trân trọng văn hóa cộng đồng bằng cách trả lại cho cộng đồng những giá trị tương xứng khi khai thác sử dụng di sản của họ. Có thể không phải là cách trả sòng phẳng như việc sử dụng bản quyền, nhưng nên có sự thỏa thuận hoặc ngầm hiểu đó là sự hỗ trợ trở lại cho cộng đồng để họ có thể bảo vệ di sản của họ tốt hơn.
Tôi cho rằng, nếu mai kia có cơ hội đưa di sản ra nước ngoài thì nên nghĩ đến cộng đồng chủ thể để họ được giới thiệu văn hóa của họ. Hoặc nếu có sân khấu hóa thì cũng phải nói rõ ràng, đây là sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu thực hành của ai, cộng đồng nào và sáng tạo ở chỗ nào chứ không thể phớt lờ cộng đồng.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo khẳng định, cần phải “trả lại không gian truyền thống cho nghi lễ này”.
Theo ông Tuấn, việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu có thể phá vỡ ý nghĩa về tâm linh, tôn giáo vì đó không phải không gian của hát văn.
“Chỉ nên dừng lại ở “mô phỏng”, chứ không thể đưa các nhân vật như cô đồng, bà đồng lên sân khấu trình diễn. Tôi cho rằng cần phải bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên không thể “tầm thường hóa” câu chuyện của nó” - TS. Nguyễn Quốc Tuấn nhận định.