Thu hút trí thức kiều bào về nước

M. Phương – M. Anh (thực hiện) 11/12/2016 10:10

Đội ngũ trí thức kiều bào trên thế giới rất đông đảo, nhất là những người trẻ nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 200 - 300 người về nước lập dự án hoặc làm việc. Con số này là quá ít so với tiềm năng nguồn lực kiều bào. Vậy làm thế nào để mời gọi nhiều hơn nữa trí thức kiều bào về nước? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Phú Bình.

PV: Nhiều trí thức kiều bào đã từng chia sẻ, nếu lấy thước đo đơn thuần về tiền, thì không biết bao nhiêu cho đủ và quả thật, sẽ không ai về nước chỉ đơn thuần vì tiền. Điều trí thức kiều bào cảm thấy được trân trọng là cần sự hỗ trợ, sự hậu đãi, tạo điều kiện để làm việc… Vậy thưa, ông đánh giá thế nào về vấn đề thu hút lực lượng trí thức trẻ ở nước ngoài về Việt Nam thời gian qua?

Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Có thực tế là, trí thức trẻ về Việt Nam làm việc, cống hiến chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cũng dễ hiểu thôi, người Việt Nam dù có đi đâu, ở đâu bao nhiêu năm đi nữa thì họ và thế hệ con cháu họ vẫn coi mình là người Việt Nam, gốc gác từ Việt Nam. Đấy là điều tích cực.

Nhưng thực tế là, con em kiều bào do được sinh ra ở nước ngoài từ nhỏ. Do hoàn cảnh tự nhiên nên việc giữ bản sắc, giữ ngôn ngữ tiếng Việt là rất khó.

Do vậy, khi ở trong nước có nhu cầu về nguồn nhân lực, thế hệ trẻ, thanh niên Việt kiều của chúng ta biết nhưng họ không có đủ điều kiện để về nước. Ngoài ra sự hiểu biết, mối quan hệ cũng như ngôn ngữ văn hóa tạo khoảng cách lớn.

Nhiều thanh niên, trí thức trẻ khi tốt nghiệp các trường đại học ở nước ngoài họ đều có tâm lý đang đứng trước ngã ba đường ở lại hay trở về.

Cũng cần nói rõ là, ở lại cũng không phải dễ kiếm việc làm, mà về thì sao, sẽ lựa chọn công việc nào đây, lương bổng ra sao, có đủ sống hay không, và mình sẽ tìm được công việc gì trong nước đãi ngộ ra sao... Tất cả những điều đó họ chỉ nghe nói chung chung khiến cho các em hoang mang, không biết nên lựa chọn thế nào.

Tôi nghĩ đây cũng là một thực tế mà chúng ta đang vấp phải. Trong khi ở trong nước, nhu cầu lại rất lớn. Đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng, chăm sóc các em ở trong nước đi du học và cả con em của bà con việt kiều.

Với con em ở nước ngoài, chúng ta phải tạo điều kiện để các em hiểu về tình hình trong nước, nắm được văn hóa trong nước và ít nhiều phải nắm rõ tiếng Việt để làm hành trang khi trở về.

Bây giờ công nghệ phát triển, phương tiện thông tin rất dễ, cơ quan nào cũng sẽ có cách thức để thông báo ngành mình, lĩnh vực mình cần gì… Và một điều quan trọng nữa là phải có chính sách đãi ngộ tốt.

Tôi thấy TP Hồ Chí Minh đang có chính sách đãi ngộ thân nhân kiều bào, trí thức trẻ, sinh viên du học rất tốt, thu hút một lượng đông trí thức trẻ về nước.

Tôi rất ấn tượng với việc một số công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cử các chuyên gia của mình sang Anh tìm đến các tri thức trẻ Việt kiều để trực tiếp mời gọi về hoạt động cho công ty của mình ở trong nước. Họ làm như vậy, tại sao chúng ta không làm được?

Vậy vai trò của Hội Người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện như thế nào trong việc gắn kết các thế hệ người Việt?

- Hội Người Việt Nam ở nước ngoài hiện có các hội thành viên ở hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước. Chúng tôi đang khuyến khích vận động, đề nghị các cơ quan chính quyền, MTTQ ở các địa phương để có thể thành lập thêm các hội ở các tỉnh khác nữa.

Hội chính là cầu nối quan trọng, thông qua các mạng lưới hội viên của mình để kết nối con em mình về nước làm việc. Mạng lưới của chúng tôi đang cố gắng để làm việc đó.

Kiều bào về nước họp mặt mừng Xuân Bính Thân.

Ngoài ra Hội cũng tập hợp được những người tâm huyết tham gia công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bao gồm những người trí thức, những người có vai trò trong xã hội, những người đó có mối quan hệ tốt với các cấp chính quyền, các tổ chức ở địa phương mình và ở trung ương, họ chính là những người phát hiện và kết nối giữa các trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan đoàn thể trong nước. Tôi nghĩ có rất nhiều cách để Hội có thể phát huy vai trò của mình.

Vậy theo ông, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách gì để có thể đẩy mạnh việc thu hút nhân tài, các tri thức Việt kiều về nước hoạt động và cống hiến?

- Tôi nghĩ các quy định luật pháp hiện nay đã tương đối đủ rồi. Tuy nhiên, những văn bản dưới luật cũng hết sức quan trọng. Vì khi Luật có rồi nhưng vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn hoặc có Nghị định, có Thông tư nhưng lại bất hợp lý, thiếu khả thi thì rõ ràng Luật chưa đầy đủ và chưa thể thực thi.

Tôi lấy ví dụ thế này, một mong muốn lớn của hầu hết đồng bào ta ở nước ngoài là có thể được mua nhà ở Việt Nam. Nhiều bà con Việt kiều chia sẻ với tôi rằng khi về già, họ muốn có một căn nhà ở Việt Nam.

Thế nhưng để có thể sở hữu một căn nhà tại Việt Nam lại đang rất khó khăn. Họ nói, khi trở về nước làm thủ tục mua nhà thì cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt những quy định, điều kiện, giấy tờ thành ra, bà con rất e ngại.

Tôi cứ băn khoăn, Luật đã cho phép Việt kiều có thể mua nhà, nhưng dường như những quy định vẫn còn rất “o ép” gây khó khăn cho người dân. Tôi mong những rào cản chính sách hiện nay cần phải được giải tỏa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con Việt kiều.

Về phần mình, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ cố gắng bằng tiếng nói của mình đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng để làm sao đưa ra các quy định, chính sách thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho bà con kiều bào có cơ hội sở hữu một căn nhà ở Việt Nam cũng như những vấn đề khác nữa.

Hiện, trong Hội có nhiều luật sư, tôi cho rằng, bà con kiều bào có thể tìm đến các luật sư để được tư vấn, giúp đỡ!

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong số 400.000 trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào có không dưới 150.000 người đang học tập, nghiên cứu ở các nước G7, G20. Trong đó, ở Mỹ khoảng 50.000 người, Australia khoảng 30.000 người, Nhật Bản khoảng 26.000 người và các nước châu Âu. Kể cả những người đã tốt nghiệp, thì Việt Nam có hàng trăm ngàn người trình độ cao, rất nhiều người tốt nghiệp các trường đại học danh giá trên thế giới.

M. Phương – M. Anh (thực hiện)