Nhà ở xã hội: Khi 'đại gia' vào cuộc

Duy Phương (thực hiện) 11/12/2016 07:10

Thời gian qua, thị trường bất động sản chứng kiến sự gia tăng của phân khúc nhà ở cao cấp, nhưng lại thiếu hụt nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Điều này khiến cho ước mơ của người thu nhập thấp có thể mua được một căn nhà ngày càng xa vời. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy, một số “đại gia” lĩnh vực này đã vào cuộc. Phân khúc nhà ở giá rẻ cũng vì thế mà sáng lên.

Ông Nguyễn Văn Đực.

Phát triển nhà ở xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, với mong muốn mọi người dân Việt Nam, bất kể người thu nhập cao hay thấp đều có cơ hội được sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường bất động sản vẫn đang chứng kiến sự gia tăng của phân khúc nhà ở cao cấp, mà thiếu hụt hẳn nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Điều này đang khiến cho ước mơ của người thu nhập thấp có thể mua được một căn nhà ngày càng xa vời. Vậy cần phải có giải pháp gì để đẩy nhanh được mục tiêu nói trên, những rào cản nào cần phải loại bỏ? Theo ông Nguyễn Văn Đực- Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, rất cần phải tạo nhiều kênh xây nhà giá thấp để bất cứ ai cũng có thể được lựa chọn.

PV:Trong chiến lược nhà ở quốc gia, một trong những mục tiêu cơ bản là phát triển mạnh phân khúc nhà ở xã hội để hướng tới mọi người thu nhập thấp đều có cơ hội sở hữu nhà. Tuy nhiên, thời gian qua, dường như phân khúc này vẫn chưa được doanh nghiệp (DN) chú trọng. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

Ông Nguyễn Văn Đực: Tôi cho là, đến thời điểm này, mục tiêu nhà ở xã hội đặt ra theo đề cương phát triển nhà ở của Bộ Xây dựng đã không đạt được như mong muốn. Vì mục tiêu là đến năm 2020 xây dựng thêm ít nhất 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu đô thị, các công nhân khu công nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội hiện nay là rất thấp vì đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ đạt được trên dưới 20% mục tiêu nói trên.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó?

- Đối với DN nào cũng vậy, mục tiêu hoạt động của họ là lợi nhuận. Với lĩnh vực nhà ở xã hội, nhiều DN họ không nhìn thấy lợi nhuận cao trong khi đó, làm nhà ở phân khúc giá rẻ thì mức lãi thấp, rủi ro lại cao. Một số DN cho rằng, khi tham gia vào phân khúc này, nếu xảy ra rủi ro là lỗ, còn không thì lợi nhuận cũng không mấy hấp dẫn nên họ không làm.

Thêm nữa, dù có nhiều ưu đãi trong đầu tư nhà ở xã hội, nhưng tiến trình thực hiện và thủ tục hành chính liên quan đến quá trình lập dự án và xây dựng nhà ở còn phức tạp, mất thời gian khiến các nhà đầu tư không muốn tham gia vào thị trường vốn kém hấp dẫn về thương mại này.

Ảnh minh họa.

Vậy theo ông, cần phải có cơ chế, giải pháp gì để thúc đẩy DN tham gia vào thị trường này, hướng tới tương lai mọi người thu nhập thấp đều có cơ hội sở hữu nhà?

-Chúng ta cần có những thay đổi về cơ chế, quy định để tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Như tôi nói ở trên, DN họ phải thấy phân khúc nào sinh lời, họ mới tham gia nhiều.

Lâu nay các đại gia bất động sản như Đại Quang Minh, CT Land, Novaland, Hưng Thịnh… đều không mặn mà. Chỉ có Mường Thanh đã tham gia từ khá lâu và mới đây nhất là Tập đoàn Vingroup.

Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ, phải làm sao để thu hút được DN tham gia. Nhà quản lý cần phải thay đổi phương thức hỗ trợ, nếu không tổ chức được một bộ máy tập trung riêng vào lĩnh vực này thì phải tạo hành lang để DN có thể tham gia.

Muốn như vậy, chính sách cần phải cởi mở hơn. Đơn cử như, quy định về việc nhà ở xã hội được xây tối thiểu 25m2 nhưng nhà ở thương mại tối thiểu 45m2, như vậy là bất hợp lý.

Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam chưa cao, mức thu nhập của phần lớn của người dân chỉ đủ để có thể sở hữu được những căn nhà diện tích nhỏ dưới 45m2, trị giá 200 triệu – 300 triệu đồng thôi.

Nếu quy định như trên là thiếu công bằng đối với nhiều người thu nhập thấp, vì họ chỉ đủ tiền để mua căn hộ nhỏ, nhưng về điều kiện thì lại không được mua nhà ở xã hội chẳng hạn… Điểm này nhà làm chính sách cần phải xem lại.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội, cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ đối với mục tiêu làm sao để mọi người dân, người thu nhập thấp đều có cơ hội sở hữu nhà.

Tôi cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần phải tạo ra nhiều kênh phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.

Theo đó, cả Nhà nước và DN đều cùng tham gia vào phân khúc này, nên có hai kênh song hành, cho phép cả DN cũng được xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ để bán cho người thu nhập thấp, không nên quá cứng nhắc trong việc hạn chế diện tích như Luật đang thực thi. Có như vậy, người tiêu dùng mới có nhiều cơ hội lựa chọn.

Tôi cho rằng, khi kênh Nhà nước và kênh DN cùng song song thì chắc chắn thời gian tới, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp sẽ được đẩy lên sôi động hơn.

Các đại gia đã nhảy vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này trong thời gian tới?

- Đây là một khuynh hướng tốt cho thị trường bất động sản, và theo tôi đây cũng là khuynh hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, vì phần lớn người dân Việt Nam có mức thu nhập trung bình, thấp.

Nếu như các DN chỉ lao vào phân khúc trung và cao cấp thì đương nhiên cơ hội có nhà cho người nghèo sẽ ở rất xa.

Đại đa số người dân Việt Nam đều mong muốn có sản phẩm và họ mong chờ sản phẩm này từ rất lâu rồi nhưng nhà nước chưa làm được, các DN không nhìn thấy lợi nhuận nên không tham gia. Đây thực sự là một xu hướng đáng mừng vì có thể làm đảo chiều thị trường. Và là xu hướng tốt trong thời gian tới.

Trên thực tế, chỉ một số rất ít DN lớn ngành bất động sản nhảy vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Trong đó Mường Thanh đã làm phân khúc này khá lâu rồi, còn Vingroup giờ mới tham gia.

Tôi cho rằng, khi các “ông lớn” bất động sản nhảy vào chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng mới dẫn dắt thị trường bất động sản, tạo một luồng sinh khí mới cho thị trường này.

Khi đó, các DN khác cũng sẽ nhảy vào. Vì bao giờ cũng thế, những đại gia lớn luôn có sự ảnh hưởng nhất định đến thị trường. Do đó, tới đây phân khúc nhà ở giá thấp sẽ rất sôi động và cũng sẽ là xu hướng chính của năm 2017.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Phương (thực hiện)