Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì: Lòng dân vui thích tức là được ý trời
Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì (1571-1652) đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, giữ những chức quan chủ chốt hơn 40 năm, cao nhất là Lại bộ Thượng thư kiêm chưởng lục bộ sự, Tế tửu Quốc tử giám (chỉ dưới chúa Trịnh). Giỏi ngoại giao, thêm tài bày mưu lược đánh nhà Mạc. Đau đáu việc nước, nạn tham nhũng, ông dâng chúa Trịnh bài khải “Đạo trị nước”.
Một số đại biểu và con cháu của danh nhân Nguyễn Duy Thì tại Hội thảo ngày 17/11/2016 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sử gia Phan Huy Chú đánh giá ông là 1 trong 39 người phò tá có công lao tài đức thời Lê Trung hưng. Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639), con trai trưởng ông cũng đỗ Tiến sĩ ở tuổi 27.
Đến năm 1925, hậu duệ của ông là họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973) cùng họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (1870-1937) đồng sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là giáo sư hội họa tại đây trong suốt 20 năm...
Luân chuyển nhiều chức quan đứng đầu các bộ
Quan Thượng Láng là tên gọi thân mật của người dân quê hương kẻ Láng (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) gọi Thái tể Tuyền Quận Công Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì. Đền thờ ông được lập trên nền phủ đường Bỉnh Quân xưa ở quê hương được hậu duệ trùng tu có kiến trúc 2 toà nhà 5 gian song song.
Đền thờ còn giữ nhiều hiện vật quý: Chiếc đòn võng gỗ mít Quan Thượng Láng dùng khi đi lại giữa triều đình và quê nhà; 2 bản gia phả bằng chữ Hán (Một bản do cháu nội của ông là nho sinh Nguyễn Duy Chính ghi lại vào tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753), một bản do cháu xa đời của ông là Nguyễn Duy Kính viết năm 1939).
Cả hai bản gia phả đều đề cập đến vấn đề các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông; 34 đạo sắc phong nguyên gốc; nhiều hiện vật là đồ thờ tự có niên đại thế kỷ XVII: Ngai ỷ, án gian, chấp kích, bát bửu và hệ thống hoành phi, câu đối.
Theo ông Nguyễn An Kiều- hậu duệ danh nhân Nguyễn Duy Thì: “Ngày giỗ cụ Nguyễn Duy Thì hàng năm (11-9 âm lịch), ông Trưởng họ Nguyễn Duy Mùi tổ chức tế lễ với sự tham gia của nhiều xã tại địa phương, nhất là hai làng Thạch Đà, Đinh Xá để tỏ lòng biết ơn Quan Thượng Láng xưa kia đã cứu dân chúng hai làng thoát khỏi sự truy bức của quân đội triều đình. Rồi dòng họ phát phần thưởng cho các cháu học sinh học giỏi, dỗ đạt trong họ, còn học sinh trường THPT Nguyễn Duy Thì (huyện Bình Xuyên) đỗ đạt thì tổ chức vào ngày 20/11”.
Bản gia phả do Nguyễn Duy Chính viết năm 1753 cho biết: Nguyễn Duy Thì còn có tên tục khác là Trảm, sinh giờ Thìn, tháng 3 năm Nhâm Thân (1571). Khi sinh ra đã có cách cục khác thường, xương dài rủ xuống quá hậu môn. Bản tính thông minh dĩnh ngộ, lại được gia đình dạy dỗ văn chương chu đáo, tìm những sinh đồ giỏi nhất cho theo học.
Lúc đó, nhà Mạc còn trấn giữ Thăng Long. Nghe tiếng nho sinh học giỏi, đích thân quan Thái bảo đương thời đã cưỡi voi tới tận nơi thăm để tỏ sự coi trọng. Nhưng Nguyễn Duy Thì lại không đi thi các kỳ thi do nhà Mạc tổ chức.
Một đêm, cùng giám sinh bản huyện tới đền Đồng đế quân, ông mộng thấy thần tới, nói: “Người Yên Lãng, người Yên Lãng, thiên hạ an hay nguy trông chờ vào ông cả đấy”. Quả nhiên, năm 1598, ông đỗ Hoàng Giáp, được phong Hàn lâm viện hiệu lý.
Năm 1600, Nguyễn Duy Thì lặn lội vào tận xứ Thanh hiến mưu kế rồi phò vua Lê chúa Trịnh tiến quân về kinh thành đánh quân Mạc. Làm tốt công việc Phó sứ sang phương Bắc năm 1606, Nguyễn Duy Thì được thăng Thiêm đô ngự sử, tước bá.
Năm 46 tuổi, được phong Lại bộ Tả thị lang (nay tương đương Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ), kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, rồi làm Lễ bộ Tả thị lang (Thứ trưởng Thường trực bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục & Đào tạo).
Quan ải phía Bắc trắc trở, ông phụng mệnh đi sứ. Việc thành, hai nước nối lại giao kết, ông lại được thăng thưởng.
Tháng 6/1623, quân Mạc tấn công Thăng Long, ông phò tá chúa Trịnh về Thanh Hóa, rồi nhận định toàn cảnh, chọn thời điểm phản công toàn thắng. Năm 1624, ông cùng Thái bảo Luân quận công đốc suất quân đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, thắng lớn, bắt được Mạc Càn Thống.
Năm sau, lại đánh tiếp, hạ được Thái bảo Lâm Quốc công nhà Mạc, được thăng Thượng thư bộ Công (nay tương đương Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải).
Năm 1627, ông vâng mệnh mang sắc chỉ của vua Lê vào Thuận Hóa dụ hàng chúa Nguyễn. Họ Nguyễn không nghe, còn dùng lời lẽ làm nhục, nhưng ông vẫn cứng cỏi đối đáp. Năm 1629, chỉ bằng một bức thư, ông dụ hàng được nhóm nổi loạn Uy Lãng, được vua, chúa khen: “Một lời nói thắng 10 vạn quân”.
Năm 1642, ông được thăng Thượng thư bộ Binh (tương đương Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), rồi năm sau theo xa giá Nam chinh.
Năm 1644, có công dẹp loạn, giúp vua ban chính sách an dân ở Phù Ninh, Thanh Hoa (Thanh Hóa), ông được đình thần đề nghị thăng chức Thượng thư bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ (tương đương tể tướng), được mở phủ Bỉnh Quân, cấp 50 mẫu ruộng làm lương bổng, mỗi lần nhập triều được ăn mặc tùy ý.
Năm 1645, ông theo ngự giá đánh giặc Minh là Triệu Hữu Đào cấu kết với Mạc Kính Diệu, đại thắng.
Nguyễn Duy Thì đã ba lần tham gia ban giám khảo chấm thi vào các năm: 1613, 1623 và 1637, tuyển được 34 tiến sĩ, nhiều người trở thành những bậc lương đống.
Nguyễn Duy Thì mất khi tại chức, được ban Thái tể, ban thụy là Hành Độ (nắm giữ pháp độ) tướng công, an táng tại cánh đồng Con Cá (xã Lý Hải) quê nhà.
Câu đối khắc cột đình bia trên mộ ông bao quát cuộc đời ông: “Bát cổn ngoại xuân thu, lũy triều nguyên lão, tứ thập niên tể phụ, vạn cổ danh gia”. Nghĩa: Tám chục xuân thu, bậc nguyên lão mấy triều; Bốn mươi năm tể tướng, vị danh nhân muôn đời.
“Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ,trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài mãi mãi”. |
Giúp chúa dẹp nội loạn
Mùa hạ 1619, vua Lê Kính Tông bàn mưu với Trịnh Xuân giết Trịnh Tùng để giành quyền. Việc hỏng, vua bị giết, Trịnh Xuân bị giam, rồi tha. Năm 1623, Trịnh Xuân lại làm loạn, việc hỏng, bị giết.
Vài ngày sau, Trịnh Tùng cũng qua đời vì bệnh. Trịnh Tráng lên ngôi chúa. Sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) lưu tại đền thờ ghi: “…ngày có sự biến, ông siêng năng lo lắng phò tá làm việc nghĩa tùy sai phái đánh dẹp loạn và theo quân tiến đánh lập được hai chiến công…”.
Nỗi đau
Trong khi sự nghiệp của cha hanh thông, thì sự nghiệp của con trai trưởng là Nguyễn Duy Hiểu lại trắc trở. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi Mậu Thìn (1628), đồng khoa với Thám Hoa Giang Văn Minh, làm quan đến chức Thiêm Đô Ngự sử.
Được cử đi sứ nhà Minh năm 1639 cùng Giang Văn Minh, nhưng mục đích không thành, cả hai vị đều hy sinh. Phụng mệnh triều đình, Nguyễn Duy Thì lên biên giới đón đoàn sứ thần trở về, không ngờ lại phải nhận thi hài con mình!.
Vua Lê Thần Tông luận công, sắc phong cho Nguyễn Duy Hiểu: “Sắc cho: Tán trị công thần, Đặc tiến Kim Tử Vinh lộc Đại phu Ngự sử đài Thiêm đô Ngự sử Nghĩa Phú tử, Tá trị Thượng khanh trung giai Nguyễn Duy Hiểu, vì việc đi sứ Bắc quốc nạp cống, hoàn thành việc nước có công, mất khi đang tại chức. Triều thần bàn định, gia tặng chức Hình bộ Tả thị lang, tước Nghĩa Phú hầu, thụy Văn Định”, (bản dịch của GS Ngô Đức Thọ).
Đạo trị nước
Cậy công thần trong cuộc trung hưng phò Lê diệt Mạc nên nhiều vị quan đã tiến cử con cháu bất tài, vô đức vào làm quan. Tệ tham nhũng, áp bức dân chúng của cường hào, quan lại địa phương ngày thêm trầm trọng.
Việc kiện tụng nhiều nơi chồng chất. Nhiều chính sách không được thực hiện nghiêm túc. Giữa khi ấy, thiên nhiên xuất hiện nhiều điềm tai dị khiến lòng dân xao xác.
Năm 1612, Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì cùng Giám sát Ngự sử 13 đạo là Phạm Trân dâng lên chúa Trịnh Tùng bài khải “Đạo trị nước”. Tư tưởng của bài khải là trọng dân, coi dân là gốc của nước. Tư tưởng này không mới so với tư tưởng Nho giáo: Bậc vương giả lấy dân làm trời, còn người dân lấy ăn làm trời. Biết sự thật, nhưng ai dám nói ra?.
Bài khải viết: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán”.
Ông cũng đồng thời tố cáo nạn “tham quan ô lại” ở các địa phương là mối nguy cho xã tắc: “Chỉ vì người thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, chỉ chăm làm hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu dân không việc gì là không làm...
Vì thế mà động đến trời đất, nên lòng trời mới không thuận. Tai nạn nước lụt dâng lên lạ thường, phải chăng là chính sự lúc này có thiếu sót...” và ông cũng khuyến nghị: “Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ,trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài mãi mãi”.
Không những vạch cái thối nát của quan lại đồng triều, ông còn dám vạch ra cái khiếm khuyết của người cai trị, Nguyễn Duy Thì quả là vị quan cứng cỏi. May thay, chúa đã nghe lời ông và cho thanh tra các miền, giúp người cơ nhỡ, phiêu dạt và trừng trị, chỉnh đốn hàng ngũ quan lại, mang lại may mắn cho người dân nghèo...
Thái Tể Nguyễn Duy Thì là người Tài Đức song toàn, danh vọng hoàn hảo hiếm có trong lịch sử Việt Nam! Tri ân các danh nhân, Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Duy Hiểu đã được đặt tên đường phố tại thành phố Vĩnh Yên. Đến nay, đã có hai cuộc hội thảo lớn về danh nhân Nguyễn Duy Thì: Lần 1 tại năm 1992 và tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 17/11/2016.
“Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán”- trích Đạo trị nước.