Xốc lại đội ngũ
Hôm 9/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương tới cơ sở. Mục đích là chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết một cách có hiệu quả ở địa phương, đơn vị, cơ quan mình.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).
Việc triển khai Nghị quyết nào của Đảng cũng đều hết sức quan trọng, nhưng triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng Đảng thì còn quan trọng hơn nhiều. Vì, công tác ấy nếu làm tốt mới thể hiện được vai trò của Đảng- vai trò được nói đến ở đây chính là vai trò lãnh đạo; đi tiên phong trong sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nói như Tổng Bí thư ngay tại Hội nghị thì, đổi mới, chỉnh đốn Đảng là một bộ phận không tách rời của công tác xây dựng Đảng.
Đây là một yêu cầu khách quan, tự nhiên, một việc làm thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào, ở bất kỳ giai đoạn nào.
Thực tế cách mạng và thực tế sự phát triển của Đảng cho thấy, tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm là việc chúng ta vẫn làm.
Thậm chí, có những lúc chúng ta phải “tự chỉ trích”, “đóng cửa” để củng cố, chỉnh đốn Đảng. Thế nhưng, cũng còn một thực tế khác; đó là việc, chúng ta tuy có đề ra việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng ở lúc này, lúc khác việc chỉnh đốn xem ra vẫn chưa thật sự làm tốt.
Bởi, cái tư duy duy tình của người Việt đôi khi khiến cho cứ nói đến chuyện phê bình là người ta thấy ngại. Lâu dần thành quen nên, phê và tự phê bình tiếng là được đề cao và thường xuyên nhắc nhở trong nội bộ Đảng nhưng nó lại được thực hiện với cách thức xuê xoa, cả nể. Chính từ nguyên nhân ấy mà lâu dần người ta thường quen với việc giơ cao đánh khẽ; thay vì đánh mạnh một lần cho tỉnh ra.
Trong điều kiện mới, yêu cầu cách mạng mới với nhiều khó khăn, phức tạp mới, Đảng đã nhiều lần thể hiện quyết tâm đấu tranh với những biểu hiện thoái hoá, tiêu cực, chăm lo xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển.
“Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực; đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.”- Tổng Bí thư nói và nhắc lại, chỉ tính riêng từ khi “Đổi mới” đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Điều đó thể hiện bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh của một đảng cách mạng chân chính.
Chính vì những lẽ ấy nên việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy, Bộ Chính trị, BCH Trung ương muốn tập trung nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng; khi mà dân đang có những băn khoăn.
Thậm chí ở nơi này nơi khác còn có lời ra tiếng vào về một số đảng viên của Đảng khi không giữ vững được khí phách đảng viên; khi tự buông mình rơi vào vòng xoáy của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt việc thực hiện Trung ương 4 khóa XII chỉ ít lâu sau khi Nghị quyết ra đời cho thấy phần nào quyết tâm xốc lại đội ngũ của Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, bí thư cấp uỷ các cấp; bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp quán triệt Nghị quyết ở ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Điểm quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý là, những người dứng đầu cần: “Chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp nào có thể thực hiện ngay để sau Hội nghị, khẩn trương quán triệt và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, không chờ đợi.
Đối với các nhiệm vụ phải có hướng dẫn, phải chờ xây dựng cơ chế theo lộ trình thì phải phân công cho các cơ quan, đơn vị cụ thể triển khai sớm và đồng bộ, không để chậm trễ”. Với một tinh thần là phải hành động, hành động thiết thực, rõ hiệu quả; tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm.
Nói như thế cũng có nghĩa là đề cao vai trò của người đứng đầu cả ở cấp ủy và chính quyền. Vì xét cho cùng người đứng đầu chính quyền thường kiêm nhiệm một vị trí lãnh đạo nào đó trong cấp ủy.
Vì thế sự gương mẫu, trách nhiệm có lẽ phải bằng 2 so với một đảng viên thường. Đó là lý do, vì sao, lần này Trung ương nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cấp trên, từ Bộ Chính trị đến các Ủy viên Trung ương phải có cam kết nêu gương.
Nói như ông Nguyễn Đức Hà- thành viên tổ giúp việc của Bộ Chính trị về Trung ương 4 khóa XI, khóa XII thì “ở nhiều địa phương, nhiều ý kiến nói rằng nếu tất cả các đồng chí Ủy viên Trung ương đều vì nước, vì dân, kiên quyết chống tham nhũng… thì bộ máy chuyển động, đâu vào đấy ngay. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao để cấp trên gương mẫu, đi đầu để cấp dưới phải theo.”
Và, ông Hà cho rằng, bây giờ phải nhấn mạnh về “pháp trị”, khi “pháp trị” tốt rồi mới “đức trị”. Chứ trong lúc bộn bề như hiện nay mà lại dùng “đức trị” thì hiệu quả đạt được sẽ thấp.
Đương nhiên, chúng ta vẫn vừa xây, vừa chống, nhưng tình hình như hiện nay thì phải đặt chống trước, nhấn mạnh cái chống mới hiệu quả.
Trong triển khai Nghị quyết lần này, những biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa đã được chỉ ra khá rõ nhưng cũng không phải vì chống để xây mà cố gắng đào bới mọi thứ cho ra được khuyết điểm mới thôi.
Nhưng “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta.”
Và, quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở; tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác và không phải chỉ “đóng cửa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng- Tổng Bí thư lưu ý.
Hy vọng, sau Hội nghị toàn quốc những vấn đề trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII sẽ được xem xét thấu đáo và thực hiện nhanh, nghiêm túc, minh bạch và mỗi cấp ủy Đảng sớm có kết quả báo cáo với dân.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp nào có thể thực hiện ngay để sau Hội nghị, khẩn trương quán triệt và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, không chờ đợi. Đối với các nhiệm vụ phải có hướng dẫn, phải chờ xây dựng cơ chế theo lộ trình thì phải phân công cho các cơ quan, đơn vị cụ thể triển khai sớm và đồng bộ, không để chậm trễ. |