Ách tắc xử lý tài sản đảm bảo: Khó hóa giải nợ xấu
Mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về 3%, nhưng để xử lý thì không hề dễ. Gần 90% nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó bất động sản chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Thế nhưng cơ chế phát mãi và sự nhiêu khê trong xử lý tài sản thế chấp lại trở thành rào cản vô hình làm ách tắc toàn bộ quá trình xử lý nợ xấu.
Quan hệ tín dụng với các khách hàng có nợ xấu có cơ hội
được phục hồi và cải thiện sau khi TSBĐ được xử lý tốt.
Kẽ hở để con nợ chây ỳ
Ông Thiệu Ánh Dương- Tổng Giám đốc Cty xử lý nợ xấu Techcombank chia sẻ, tại ngân hàng tồn tại không ít các khoản nợ đã có bản án có hiệu lực thi hành từ những năm 2012, 2013, 2014 nhưng đến thời điểm này việc thi hành án vẫn chưa thực hiện xong và nợ vẫn chưa được thu hồi. Ví dụ: trong tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ 1 tài sản bảo đảm (TSBĐ) tại Hà Nội- đây là TSBĐ của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày.
Mặc dù ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ TSBĐ (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ), nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, tổ chức tín dụng (TCTD) đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng nhưng cơ quan chức năng thuộc một số UBND quận huyện lại chủ trương không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hương- Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quyền xử lý TSBĐ hiện nay còn “dung túng” con nợ, chưa trao quyền năng cho TCTD trong việc xử lý TSBD. Pháp luật hiện hành lại không có cơ chế để thực thi một cách hiệu quả quyền xử lý TSBĐ của TCTD, khi thu giữ TSBĐ, nếu chủ tàisản không bàn giao tài sản thì TCTD chỉ có cách khởi kiện ra Tòa án, vai trò của cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ TCTD thu giữ TSBĐ rất mờ nhạt: việc tham gia của cơ quan công an chỉ dừng lại ở việc giữ gìn an ninh trật tự. Do đó, trường hợp chủ nợ muốn thu giữ được TSBĐ trên thực tế để phục vụ cho công tác xử lý (cưỡng chế) thì phải có bản án, có quyết định của Tòa án.
Tòa án xử xong phải chờ bản án có hiệu lực (không bị kháng cáo, kháng nghị), chờ cơ quan thi hành án. Vì vậy, thường thì vài năm, thậm chí lâu hơn TCTD mới có thể xử lý được TSBĐ. Với quyền năng hạn chế trong việc thu giữ TSBĐ, nhiều trường hợp TSBĐ đã có người mua, đã công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán nhưng vì không thể bàn giao tài sản trên thực tế dẫn đến không thể xử lý được TSBĐ. Việc BLDS 2015 không trao quyền thu giữ TSBĐ cho TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của TCTD do chịu rủi ro thì việc biến động TSBĐ, chịu chi phí từ việc khởi kiện, vốn bị tồn đọng…; chưa kể đến áp lực lên hệ thống cơ quan tài phán dẫn đến chậm trễ trong quá trình xét xử, còn con nợ thì có thêm cơ hội để chây ỳ.
Thay đổi quan điểm
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, nếu quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD được thực thi có hiệu lực và hiệu quả, thì không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay, mà còn cả của người đi vay và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của nền kinh tế. Theo đó, xử lý được tài sản bảo đảm giúp xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo chuẩn quốc tế và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quan hệ tín dụng với các khách hàng có nợ xấu có cơ hội được phục hồi và cải thiện sau khi TSBĐ được xử lý tốt.
Việc này không những bù đắp toàn bộ thiệt hại gây ra từ nợ xấu cho TCTD mà còn có thể có nguồn lực tài chính bổ sung cho người đi vay giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và một lần nữa trở thành khách hàng tốt của các TCTD.
Cũng theo ông Ánh, đối với người đi vay, TSBĐ được xử lý tốt không những giúp cho người đi vay cải thiện được vị thế trên thị trường tín dụng ngân hàng, dứt điểm cởi bỏ gánh nặng nợ xấu đeo đẳng, sớm có cơ hội phục hồi hoặc tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn có thể thu hồi được một phần giá trị TSBĐ sau khi đã được xử lý tốt.
Giới chuyên gia cho rằng quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ. Đồng thời, cũng kiến nghị, Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với NHNN và các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử lý TSBĐ.