Ám ảnh nhà tái định cư
Nhà tái định cư nhanh chóng xuống cấp, nhiều dịch vụ thiết yếu thiếu... Trước kiến nghị của cử tri về chất lượng nhà tái định cư, Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề về loại nhà này để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Dù vậy, những nỗi bất an của người dân về nhà tái định cư chưa hề giảm.
Chất lượng nhà tái định cư là vấn đề cần được quan tâm.
Từ năm 2010 đến nay Hà Nội (và không chỉ Hà Nội) đã có nhiều cuộc giám sát chuyên đề về chất lượng cũng như quản lý nhà tái định cư. Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội đã thực hiện tổng rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn. Tuy nhiên kết quả thu lại là người dân sống trong các căn nhà vẫn mang nặng những nỗi lo.
Lo nhất phải kể đến những người dân ở khu tái định cư Đền Lừ. Đó là việc tường nhà của các căn hộ ở đây liên tục bị thấm nước, bong tróc. Đã thế, sàn gạch không ít căn bị vỡ, ùn lên thành từng đống.
Đặc biệt, tại khu dịch vụ tầng 1 của tòa A1, việc sụt lún khiến cho những khoảng trống giữa 2 khối nhà bị tách ra hàng chục cm, tạo cảm giác ghê sợ nguy cơ mất an toàn của công trình. Tương tự, tại khu tái định cư Nam Trung Yên, việc nhà xuống cấp cũng đã trở thành nỗi lo thường trực của hàng trăm hộ dân.
Khu Mễ Trì Thượng cũng đang xuống cấp và nhếch nhác không kém. Đường lên sảnh chính của một vài tòa nhà đã bong tróc và có hiện tượng nứt nẻ; phần mái che sảnh đi lên cũng bị rơi vỡ từng mảng. Nhiều đoạn đường còn nguyên đất sỏi còn là nơi lý tưởng để người dân chăn thả gia cầm...
Chất lượng nhà tái định cư quá thấp, đây không phải lần đầu tiên những bất cập này được nhắc đến. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND TP Hà Nội, cử tri không ít lần kiến nghị về vấn đề này. HĐND TP cũng từng giám sát, tái giám sát, không ít kiến nghị đã được đưa ra.
UBND TP đã cấp thêm kinh phí từ nguồn ngân sách TP nhiều tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện công tác bảo trì đối với quỹ nhà chung cư tái định cư trên địa bàn, nhưng vẫn chưa giải quyết được thấu đáo các vấn đề liên quan đến nhà tái định cư. Vậy thì vì lý do gì chất lượng loại nhà này không được cải thiện?
Nguyên nhân của tình trạng trên là lâu nay các khu nhà tái định cư xây theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu nhà tái định cư không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng.
Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quản lý, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình trong suốt quá trình sử dụng. Thế nên, khi có sự cố người dân chỉ biết kêu trời.
Tại cuộc họp về vấn đề nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”. Điều đó có nghĩa, dù là nhà nhiều tiền hay ít tiền chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Có an cư người dân mới lạc nghiệp.
Đối với người nghèo, họ đã phải cố gắng hết sức để có nhà mà sử dụng chưa được bao lâu đã phải đối mặt với những nguy cơ là điều không thể chấp nhận được. Với những người dân tái định cư, họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi, phải rời bỏ nơi ở thân thuộc nhường đất cho những dự án, công trình...
Lẽ ra, nơi ở mới luôn phải tốt hơn nơi ở cũ theo đúng chủ trương của Nhà nước, chính quyền TP. Vậy mà, ở hầu hết các khu tái định cư, ngoài sự xuống cấp của tòa nhà, thì hầu hết các điều kiện thiết yếu đều thiếu. Điện, nước phập phù; thiếu đường, trường, trạm, công tác phòng cháy, chữa cháy bị bỏ ngỏ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bên liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà dành cho người thu nhập thấp.
Điều đó có nghĩa, sẽ không nghiệm thu những khu tái định cư thiếu khớp nối về hạ tầng, thiếu các dịch vụ thiết yếu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng sẽ không còn những khu tái định cư ba, bốn không. Hy vọng người dân sẽ được sống trong căn hộ mang tên tái định cư mà không phải lo âu.