Hướng đến thương mại hóa các sản phẩm xanh, sạch
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), hiện nay Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới về lượng phát thải khí nhà kính (KNK), cường độ phát thải KNK trên đầu người của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới nhưng cường độ phát thải trên một đơn vị GDP cao hơn trung bình thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Thông tin được đưa ra trong cuộc Hội thảo “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam” do Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu, Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (Bộ KH&CN) tổ chức sáng 13/12.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là vấn đề thời sự nóng. Để giải quyết vấn đề này có nhiều bài toán. COP 21 vừa qua có nhiều chính sách của thế giới, còn ở Việt Nam, Nghị quyết 24 của Trung ương đã nêu về vấn đề này. Hỗ trợ để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ xanh, sạch đang là hướng đi tích cực trong công cuộc ứng phó với BĐKH, khuyến khích các doanh nghiệp cùng đóng góp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH.
Vẫn theo ông Nguyễn Quang Huy, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định lên UNFCCC, trong đó cam kết mức giảm phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) là 8% vào năm 2030, sẽ tăng lên 25% nếu có thêm hỗ trợ quốc tế. Khi xây dựng mục tiêu giảm nhẹ này, nước ta đã tính đến phương án giảm phát thải thông qua xây dựng và vận hành thị trường các –bon nội địa.
Hiện nay, dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xây dựng dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam (VN-PMR) và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai. Đây là dự án định hướng việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam cũng như cung cấp những công cụ thị trường giúp giảm phát thải KNK thông qua việc thử nghiệm với 2 lĩnh vực là sản xuất thép và quản lý chất thải rắn. Đồng thời, thông qua việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm thị trường các-bon cùng với cá công cụ thị trường sẽ kiểm soát phát thải KNK.
Nói về việc nâng cao tăng trưởng xanh ở Việt Nam, PGS.TS Mai Quang Vinh- Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Chính xác iMetos Việt Nam ITED cho biết hiện nay công nghệ thích ứng trong nông nghiệp đã có khả năng tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai, nâng cao năng suất, an ninh lương thực và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Công nghệ iMetos quan trắc, dự báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh, môi trường tự động đang được phát triển ứng dụng tại Việt Nam.
Dự kiến trong 3-5 năm tới sẽ hình thành Hệ thống thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai, sâu bệnh cây trồng, thủy sản, xâm nhập mặn với hàng ngàn trạm quan trắc, cảnh báo tự động theo công nghệ thích ứng thông minh được lắp đặt và hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng: Việt Nam là một trong những quốc gia đang chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế các doanh nghiệp nên tập trung vào xu hướng lựa chọn các sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của người tiêu dùng hiện nay.
Các ý kiến cũng đưa ra kiến nghị, nên mở rộng hành lang pháp lý, hỗ trợ để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và các nhà khoa học cùng hợp tác, mở ra cánh cửa công nghệ mới, công nghệ sạch của Việt Nam.
Các doanh nghiệp nên chủ động lên kế hoạch nghiên cứu và đầu tư đúng hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH trong nước. Việc đón đầu xu thế sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh cho tất cả các quy mô doanh nghiệp, thu hút nguồn đầu tư cả trong nước và quốc tế.