Gần 1000 ha ruộng đất bỏ hoang

Bài ảnh: Trần Duy Hưng 14/12/2016 17:53

Đó là số liệu được ông Bùi Sỹ Sơn, Quyền Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định nêu ra khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh ngày 14/12, về một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Sở...

Quang cảnh buổi chất vấn.

Tích tụ ruộng đất gặp nhiều rào cản

Cụ thể, mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lưu Mạnh Lực (đoàn đại biểu huyện Trực Ninh) đặt câu hỏi về kết quả thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất cũng như hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định?

Trả lời câu hỏi này, Quyền Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định Bùi Sỹ Sơn cho biết: từ năm 2011, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện “dồn điền đổi thửa” đất nông nghiệp. Cùng với dồn đổi ruộng đất, 90% số xã trong tỉnh đã quy gọn được đất công ích, xây dựng được150 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 7000 ha.

“Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 800 ha ruộng đất được tích tụ, trong đó 595 ha do các doanh nghiệp thuê gom, tích tụ còn lại do các hộ nông dân, chủ trang trại tích tụ”, ông Sơn thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc thực hiện tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn. “Diện tích ruộng đất được tích tụ thành các vùng cánh đồng lớn chưa nhiều. Toàn tỉnh vẫn còn gần 1000 ha ruộng đất nông dân không gieo trồng. Trong đó chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, manh mún, nằm rải rác, khó dồn đổi, tích tụ thành những vùng tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư”, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định phản ánh.

Hiệu quả tích tụ ruộng đất còn hạn chế, theo ông Sơn còn là do: “Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân”

Và nhìn nhận: “Nhiều hộ nông dân tuy không có nhu cầu sử dụng ruộng đất nhưng vẫn giữ ruộng hoặc chỉ cho thuê ngắn hạn, doanh nghiệp không có đủ thời gian thu hồi vốn đầu tư nên không dám thuê để đầu tư. Đây là một hạn chế trong chính sách đất đai hiện nay”.

Theo ông Sơn, tích tụ ruộng đất là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và là cơ sở để triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về giải pháp tháo gỡ, ông Sơn cho biết: “Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như: Mời gọi và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tích tụ, thuê gom đất đai. Xây dựng các giải pháp, quy định và chế tài cụ thể nhằm tăng cường quản lý đối với việc sử dụng đất của chủ sử dụng đất và chuyển đổi đất canh tác”.

Ông cũng cho hay, sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đổi thửa và cho thuê ruộng đất, nhất là những hộ không có nhu cầu sử dụng ruộng đất. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất và đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.

Ruộng đất bỏ hoang trong khi việc tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn.

Nếu được cấp giấy chứng nhận, trang trại sẽ được vay vốn ưu đãi

Cùng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tại phiên chất vấn trả lời chất vấn, đại biểu huyện Ý Yên nêu vấn đề hiện nay tuy có cơ chế, chính sách nhưng không có nhiều trang trại, gia trại tiếp cận, vay được vốn sản xuất từ các ngân hàng...

Đăng đàn giải đáp vấn đề này, ông Trần Đình Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định cho biết, theo quy định hiện hành, những cơ sở sản xuất nào đáp ứng được hai tiêu chí, gồm có quy mô diện tích từ 2,1 ha trở lên, có giá trị sản xuất kinh doanh đạt từ 700 triệu/năm trở lên sẽ được cấp giấy chứng nhận là trang trại.

“Khi đã được chứng nhận là trang trại thì theo Quyết định 55 của Chính phủ chủ trang trại sẽ được hai ưu tiên khi vay vốn,gồm ưu tiên về lãi suất và được vay theo hình thức tín chấp, nếu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản được vay tín chấp tối đa 1 tỷ đồng, trong lĩnh vực thủy sản được vay tín chấp tối đa 2 tỷ đồng. Cho đến nay toàn tỉnh có 181 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận là trang trại”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định phủ nhận việc các trang trại không được vay vốn. “Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa nhận được phản ánh nào về việc này”, ông Hùng khẳng định.

Và dẫn chứng: “Theo thống kê, hiện có 77/181 trang trại có dư nợ tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Với tổng dư nợ là hơn 36 tỷ 185 triệu đồng”.

Mặc dù vậy, ông Hùng thừa nhận kết quả các ngân hàng cho các trang trại vay vốn vẫn còn khiêm tốn. Lý do, theo ông Hùng nằm ở chỗ, đối chiếu với các tiêu chí thì trên địa bàn tỉnh Nam Định không chỉ có 181 cơ sở sản xuất mà có tới tới 794 cơ sở sản xuất có thể được công nhận là trang trại.

“Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở sản xuất không làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền (cấp huyện) cấp giấy chứng nhận trang trại nên chưa được cấp. Mà chưa có chứng nhận là trang trại thì không được vay theo chính sách ưu đãi”, ông Hùng nêu lý do.

“Nhân đây tôi đề nghị chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để các cơ sở sản xuất hiểu rõ được quyền lợi, lợi ích của mình”, ông Hùng nói.

“Chốt” lại vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các Sở NN và PTNT, TN-MT phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát, thực hiện cấp giấy chứng nhận trang trại cho các cơ sở sản xuất đẫ đáp ứng đủ các tiêu chí; ngành Ngân hàng phải tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện việc cho các trang trại vay vốn, đảm bảo đúng quy định”

“Đây cũng là một nội dung quan trọng trong thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.

Bài ảnh: Trần Duy Hưng