Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Nói Hà Nội ô nhiễm ngang Bắc Kinh là không đúng!
“Tuy nhiên nếu chúng ta đánh giá ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ngang với Bắc Kinh là không đúng. Vì theo chúng tôi đánh giá dựa trên những số liệu từ các trạm quan trắc thì điều này không đúng”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XV vào chiều 14/12.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm trao đổi thêm với cử tri sau buổi tiếp xúc.
Cử tri lo lắng tình trạng ô nhiễm không khí, nước tại các hồ
Cử tri Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông) cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các Hồ Hà Nội đã “báo động”, vừa qua có hiện tượng cá chết ở Hồ Tây, Hà Nội cũng đã công bố có 4 nguyên nhân: Thứ nhất, do hầu hết hồ của Hà Nội là hồ điều hòa, vẫn còn nước thải chảy vào, gây nên hiện tượng tái ô nhiễm nước; Thứ hai, do thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu oxy trong nước, hàm lượng DO thấp (DO là lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của thủy sinh). Thứ ba, do ý thức người dân kém, vẫn xả thẳng rác thải và xả thải trái phép vào hồ và thứ tư, Thành phố cho rằng, vẫn còn hiện tượng cho phép nuôi, thả cá kinh doanh làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hồ.
Cử tri Trịnh Thanh Phi cho rằng việc tìm ra 4 nguyên nhân cứ cho là “chính xác” tuy nhiên vị cử tri này cũng băn khoăn khi cho rằng “ thành phố đã chi 1.000 tỷ xây dựng nhà máy xử lý nước thải mà Hồ Tây vẫn chịu 30 cống nước thải hàng ngày xả thẳng ra hồ? Xin Thành phố cho biết nguyên nhân”?
Ngoài ra, cử tri này cũng đề nghị hướng cải thiện vấn đề ô nhiễm nước ở 117 hồ trên địa bàn Thành phố nói chung và Hồ Tây nói riêng.
Một vấn đề khác cũng được cử tri Đào Quyết Thanh (Phường Hàng Trống) đề cập đến đó là vấn đề ô nhiễm không khí. Cử tri Quyết Thanh cho biết Hà Nội ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á và không thua kém Bắc Kinh.
Nguyên nhân là do Trung tâm Hà Nội vẫn còn hàng trăm nhà máy, xí nghiệp xả thải ra không khí, có gần 100 cơ sở y tế lớn mỗi ngày xả thải hàng trăm tấn rác thải y tế, một vạn xe tải chở nguyên vật liệu xây dựng chạy trên đường xả khói bụi vào không khí gây các bệnh tim mạch, ung thư…
“Thành phố có biện pháp gì giải quyết chất lượng không khí ngoài việc trồng thêm một triệu cây xanh?” – cử tri Đào Quyết Thanh nêu.
Trong quý I năm 2017 sẽ xử lý xong ô nhiễm tất cả các hồ
Trả lời câu hỏi giải pháp nào giải quyết tình trạng ô nhiễm ở các hồ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, không phải bây giờ mà từ đầu năm Thành phố đã nhận thức tình trạng ô nhiễm các hồ. Do đó, thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, công nghệ Đức để làm sạch nước trên các hồ.
Theo thống kê của Cty thoát nước, hiện đã xử lý ô nhiễm được 80 hồ ở trong nội thành và ngoại thành. Đến Tết âm lịch đảm bảo toàn bộ các hồ trong nội thành và một số hồ ngoại thành sẽ xong. Trong quý I, sẽ xử lý xong tất cả các hồ trên địa bàn thành phố. Khi ấy, nước tại các hồ này sẽ không còn mùi và trong.
“Khi mới nhậm chức, tôi đã mời các nhà khoa học Đức lấy 126 mẫu gửi sang Đức để phân tích, trên cơ sở đó họ đưa ra chất Redoxy-3C cung cấp cho Hà Nội. Hà Nội đã tiến hành thứ nghiệm từ tháng 1 đến tháng 6/2016, trong quá trình này đã mời các nhà khoa học và tất cả giáo sư, kỹ sư, các giáo viên trên địa bàn HN để đánh giá. Đến nay chất này được coi là kinh tế nhất, sạch nhất. Ví dụ như đối với Hồ Hoàn Kiếm xử lý theo phương án cũ mất 6 tỷ, tuy nhiên theo công nghệ mới này chỉ mất trên 500 triệu” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết.
Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đến hôm nay TP đã lắp xong 10 trạm quan trắc tự động và nếu không có gì thay đổi tới ngày 30/12 này sẽ côn bố công khai để người dân có thể tra mạng để biết được khu vực mình sinh sống, mức độ ô nhiễm như thế nào.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí nhưng sợ bộ đánh giá và kết quả phân tích có mấy nguyên nhân chính sau:
Đó là liên quan đến bụi từ các công trường. Thứ hai là vận chuyển, thu gom xả thải chưa tốt; thứ ba xả thải từ than tổ ong, từ xe máy ô tô quá date, tỷ lệ cây xanh quá thấp, còn có những ô nhiễm từ vùng khác (đốt rơm rạ, sử dụng chất đốt không phù hợp) tất cả những nguyên nhân này cộng lại là nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.
“Tuy nhiên nếu chúng ta đánh giá ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ngang với Bắc Kinh là không đúng. Vì theo chúng tôi đánh giá dựa trên những số liệu từ các trạm quan trắc thì điều này không đúng”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết thêm thời gian tới sẽ siết chặt với các công trường xây dựng, theo đó tất cả các ô tô vào sau khi ra phải rửa sạch. Hiện Thành phố đã giao cho 2 công ty nhập máy nghiền gạch (của Đức) từ ốp lát vỉa hè từ bê tông phá dỡ nhà có thể nghiền thành cát dùng tận dụng san nền.
Quá trình này tránh việc các công trình, công trường đổ trộm vật liệu thải khắp nơi gây bụi. Đồng thời, TP sẽ tăng cường đề án thu gom rác thải theo đó từ 1/1/2017 sẽ nâng từ 10 lên 50 chiếc ô tô hút bụi ở 4 quận nội thành. Ông Chung cho biết, với những giải pháp trên hy vọng bụi không khí sẽ giảm, môi trường Hà Nội sạch lên.