Dự án giao thông giải ngân chậm

H.Hương 15/12/2016 07:10

Buổi họp báo kết quả công tác trọng tâm 2016 của Kho bạc Nhà nước được tổ chức ngày 14/12 cho thấy, ngoài việc thông tin về kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đơn vị này đã lý giải tại sao, việc giải ngân vốn tại các dự án giao thông hiện nay diễn ra khá chậm chạp.

Năm 2016, Bộ GTVT được giao gần 25.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay mới giải ngân được hơn 40%, thuộc nhóm các Bộ ngành chưa giải ngân được một nửa số vốn được giao. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc thay đổi các quy định trong quá trình triển khai dự án cũng là nguyên nhân của tình trạng này.

Theo kế hoạch, trên 90% vốn trái phiếu Chính phủ giao cho Bộ GTVT sẽ được giải ngân trong năm nay. Số còn lại phải giải ngân hết trong tháng 1/2017.

Đơn cử, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên đã hoàn thành từ cuối năm 2015 nhưng đến nay, mới chỉ có 40% số vốn đăng ký của năm nay được giải ngân.

Đây chỉ là một dẫn chứng cụ thể cho việc vốn giải ngân tại các dự án giao thông diễn ra chậm. Điều này khiến cho tiến độ nhiều công trình cũng chậm tiến độ

Nhưng tại sao việc giải ngân vốn tại các dự án giao thông lại chậm? Theo bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước: Riêng với các dự án giao thông, đối với phần vốn đối ứng từ năm ngoái trở lại đây Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Cụ thể dự án giao thông có vốn ODA chỉ được kiểm soát giải ngân trong phạm vi dự toán quốc hội phê duyệt. Chưa kể tại dự án giao thông có đặc thù riêng. Khi triển khai dự án buộc phải có quy trình kỹ thuật, nhiều lớp lang nên trong suốt quá trình thực hiện chủ đầu tư chỉ được tạm ứng 1 phần vốn theo ký kết là 30% hay 50%.

Về hướng giải ngân vốn trong thời gian tới, phía Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, sẽ bám sát tiến độ các dự án. Đặc biệt dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng thì yêu cầu địa phương vào cuộc thì giải ngân mới nhanh. Ngoài ra Kho bạc Nhà nước cùng chủ đầu tư, xác định số liệu tới thời điểm nhất định, đối chiếu làm sao nếu giải ngân không hết thì phải điều chỉnh ngay cho chỗ khác.

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến hết năm 2016 hệ thống kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ước đạt 285.861,1 tỷ đồng bằng 84,5% so với kế hoạch của năm.

Cũng tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước cho biết, đến sáng 14/12, 3.000 tỷ đồng tạm ứng để bồi thường sự cố môi trường các tỉnh miền Trung đã được chuyển về kho bạc địa phương.

Tuy nhiên hiện tại, 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mới duyệt danh sách với tổng số tiền là hơn 2.728 tỷ đồng và số tiền giải ngân thực tế là gần 1.340 tỷ đồng, bằng 50,57% số kinh phí.

Việc bồi thường sự cố được đánh giá là chậm do yếu tố khách quan. Trong đó thời gian vừa qua khu vực miền Trung gặp lũ lụt nên bản thân người dân không thể tới nhận tiền.

Ông Vũ Đức Hiệp cho biết thêm thông tin, có nơi nhận tiền rồi nhưng chi trả cho 1, 2 hộ dân rồi phải trả lại Kho bạc Nhà nước vì người dân lo chống bão, không tới nhận được.

H.Hương