Cao thủ nguỵ trang
Trong cuộc chiến sinh tồn ở giữa đại dương mênh mông, những loài động vật “thấp cổ bé họng” luôn phải học cách tự vệ để thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, trong khi những loài to khỏe lại tìm mọi cách để săn mồi. Một trong những biện pháp tuyệt vời nhất đó là nguỵ trang.
Cá rồng biển sở hữu thân hình giống cành cây giúp nguỵ trang cực tốt.
1. Cá rồng biển thân lá
Hải long lá hay cá rồng biển thân lá (danh pháp khoa học: Phycodurus eques) là một loài cá thuộc họ Cá chìa vôi, được tìm thấy dọc theo bờ nam và tây biển Australia. Đây là loài vật biển biểu tượng của bang Nam Úc và là trung tâm của bảo tàng biển.
Loài sinh vật biển này là bậc thầy ngụy trang. Các loại cá dữ khó mà phát hiện hải long lá bởi chúng sở hữu cơ thể thanh mảnh, dài và màu sắc sặc sỡ trông giống như một cái cây trong lòng đại dương mênh mông. Đó chính là những phiến da treo khắp đầu, thân đuôi, và trông hệt như lá thật.
Hải long lá thường sống ở những khu vực có nhiều tảo bẹ bởi với kiểu ngụy trang hình lá như vậy chúng được an toàn giữa cây lá. Thức ăn ưa thích của hải long lá thường là các loài không xương sống nhỏ sống quanh quẩn bên những đám tảo bẹ này. Chúng dùng cái miệng dài nhỏ để hút con mồi vào trong.
Khi cần tự vệ hay tấn công, chúng co người lại rồi chĩa những cái gai trên mình ra. Loài này có thể đứng yên một chỗ lâu đến 68 giờ liền. Chúng sẵn sàng di chuyển với tốc độ tối đa 150m/h trong một khoảng thời gian khá dài khi cần thiết.
2. Cá mào gà lá
Cá mào gà lá (Danh pháp khoa học: Ablabys taenianotus), tên tiếng Anh là Cockatoo waspfish, là một loài cá phân bố ở vùng biển nhiệt đới và ôn đới của một số vùng phía Đông Ấn Độ và Tây Thái Bình Dương, từ bờ biển trung tâm của Tây Úc về phía nam tới bờ biển miền trung bang New South Wales.
Cá mào gà lá được mệnh danh là những “kẻ lười biếng nhất đại dương”.
Cá mào gà lá có chiều dài tổng trung bình 8 cm, dao động từ 5 đến 12 cm. Màu sắc của chúng là toàn thân màu cam nâu, các vây màu nhạt hơn so với thân. Vây lưng bắt đầu từ ngay phía trên mắt, với 17 tia gai cứng giương cao như mào gà. Vây ngực lớn, vây đuôi hình lưỡi mác.
Đây là loài cá được mệnh danh là những kẻ lười biếng nhất trong lòng đại dương. Lý do là trong khi các loài sinh vật khác phải ra sức tìm kiếm các ngóc ngách an toàn để ẩn mình, trốn tránh kẻ thù, những con cá mào gà lá chỉ đơn giản cứ việc giả vờ trôi nổi trong nước với hình dạng hiện tại của nó.
Với cơ thể có hình dạng giống hệt một chiếc lá úa, cá mào gà lá có khả năng đánh lừa một cách ngoạn mục các kẻ thù của nó. Thức ăn ưa thích của chúng là ăn cá, cua, giun nhiều tơ giun, tôm, sứa, ăn các loài nhuyễn thể, tôm nhỏ, động vật phu du, ăn đêm.
3. Cá Characin đuôi kiếm
Cá Characin đuôi kiếm (danh pháp khoa học: Swordtail characin) là một loài cá nhiệt đới sống theo nhóm (gồm 6- 8 cá thể) ở khoảng giữa khu vực Bắc và Trung Mỹ. Thức ăn chủ yếu của cá characin đuôi kiếm là kiến, bọ cánh cứng và ruồi, nếu như những côn trùng này chẳng may ngã xuống nước.
Ca Characin đuôi kiếm sử dụng phần đuôi “biến hình” để hấp dẫn bạn tình.
Cá Characin đuôi kiếm nổi tiếng với chiêu nguỵ trang để “lừa tình”: con đực sử dụng phần “đuôi phụ” để hấp dẫn con cái trong mùa sinh sản. Cụ thể, cá Characin đuôi kiếm đực có phần đuôi dài có thể còn biến đổi thành rất nhiều hình dáng khác nhau với mục đích ve vãn bạn tình. Không những thế, phần đuôi này còn toát ra mùi thơm như mùi...kiến để hấp dẫn con cái. Sau khi dụ các con cá cái cắn câu, quá trình giao phối của chúng bắt đầu.
4. Fangblenny sọc xanh
Fangblenny sọc xanh là loài cá nhỏ sinh sống chủ yếu ở các rạn san hô và đầm lầy tảo hỗn hợp ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là loài cá đầu tiên được phát hiện có khả năng thay đổi màu sắc trên cơ thể để đánh lừa kẻ thù nguy hiểm của mình trong đại dương bao la, hoang dã, tiềm ẩn nhiều mối đe dọa rình rập.
Cá Fangblenny sọc xanh có khả năng thay đổi màu sắc để đánh lừa kẻ thù.
Chúng khoác lên mình những bộ cánh với rất nhiều màu sắc như ô liu, cam, đen hay màu xanh sẫm. Nhờ các sắc tố tế bào hấp thụ ánh sáng, Fangblenny có thể phân biệt giữa màu sắc của loài cá bên cạnh và bắt chước một cách nhanh chóng. Sau đó, chúng sẽ tiến sát lại bên cạnh và ăn thịt con mồi.
Cũng bằng cách này, cá Fangblenny sọc xanh sẽ “thay hình đổi dạng” để ẩn mình vào trong môi trường tùy thuộc vào kẻ thù mà nó cố gắng trốn tránh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khả năng chiêu ngụy trang của cá Fangblenny sọc xanh thất bại khi nó gặp phải các loài cá săn mồi ăn tạp, có thói quen vơ vét tất cả những gì có thể chén được khi chúng đang trong cơn đói.
5. Bạch tuộc biến hình
Bạch tuộc biến hình hay bạch tuộc bắt chước (Danh pháp khoa học: Thaumoctopus mimicus) được tìm thấy từ thập niên 1998 ngoài khơi vùng biển Indonesia và ở rạn san hô Great Barrier.
Bạch tuộc biến hình có khả năng giả dạng các loài khác tài tình.
Chiêu thức tự vệ của bạch tuộc biến hình có thể khiến cho nhiều loài sinh vật biển phải ghen tỵ. Chúng có thể tùy ý thay đổi hình dạng, màu sắc cho đến kết cấu da để giả dạng thành sinh vật biển độc hại như rắn biển, cá thờn bơn hoặc cá sư tử để tự bảo vệ và hù dọa các loài động vật ăn thịt khác.
Chúng thông minh đến độ có thể quyết định loài động vật thích hợp nhất để giả danh trong các tình huống nguy hiểm bất kỳ dựa trên những mối đe dọa mà chúng gặp phải. Ví dụ, khi bạch tuộc bị tấn công bởi cá chúa (damselfish), nó sẽ biến mình thành một chú rắn biển dài để đe dọa và lẩn trốn.