Tăng trưởng chăn nuôi tăng cao
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm nay, ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, có thể đạt kết quả tăng trưởng cả năm khoảng hơn 6%, cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Ngành chăn nuôi phát triển cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Năm nay, chăn nuôi được nhìn nhận là một trong những lĩnh vực quan trọng giúp ngành nông nghiệp nói chung thoát tình trạng tăng trưởng âm của nửa đầu năm.
Đề cập tới vấn đề này, ông Vân cho rằng, không chỉ riêng chăn nuôi mà kết quả vượt tăng trưởng âm của toàn ngành nông nghiệp còn có sự góp sức của nhiều ngành khác. Tuy nhiên, phải khẳng định, giá trị gia tăng mà ngành chăn nuôi đóng góp vào ngành nông nghiệp khá lớn.
“Số lượng thống kê hằng năm cho thấy, giá trị gia tăng mà ngành chăn nuôi đóng góp chung vào ngành nông nghiệp khoảng 23-24%, song năm nay có thể cao hơn. Giá trị gia tăng ngành chăn nuôi chủ yếu tập trung ở 2 lĩnh vực chính là lợn và gia cầm”, ông Vân nói.
Riêng về vấn đề giống - vấn đề được coi là đáng lo ngại nhất của ngành chăn nuôi, ông Vân cho biết: “Nói về giống lợn, chúng ta hoàn toàn có thể bảo đảm 100% giống tốt nhất của thế giới. Năm nay, chúng ta nhập khoảng 7.400 con lợn giống của các nước phát triển nhất trên thế giới như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp. Con số này tăng 28,7% so với cùng kỳ hằng năm”.
Đề cập thêm về tình hình cung ứng các loại sản phẩm ngành chăn nuôi dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, ông Vân cho biết, hiện nay, các loại sản phẩm chăn nuôi cung ứng tương đối dư dả, khoảng vài triệu tấn các loại cùng hơn 1 tỷ quả trứng. Thậm chí, sản phẩm chăn nuôi còn đủ để xuất khẩu nếu có điều kiện. Năm nay, chất lượng sản phẩm chăn nuôi tương đối tốt.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm nay, đàn lợn cả nước tăng 2,7-3,7%; đàn gia cầm tăng 3-3,5% và được coi là những con số “bất ngờ” đối với ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, cũng theo số liệu của Cục Chăn nuôi, chỉ trong 3 năm trở lại đây, số vốn đầu tư cho chăn nuôi lên tới gần 10 tỷ USD. Hiện tại, đang có nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại tiếp tục xin chủ trương mở thêm nhiều trại nuôi lợn, bò nữa. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, những diễn biến trên chỉ là sự phát triển “nóng”, bởi Việt Nam vẫn rất lúng túng trong vấn đề mở rộng thị trường nên có nhiều sản phẩm dư thừa không bán được.
Vấn đề quan trọng nhất là chủ động tìm kiếm thị trường. Có thể đơn cử như thị trường thịt lợn, hiện mới chỉ phụ thuộc duy nhất vào một thị trường là Trung Quốc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có ít nhất 200.000 tấn lợn hơi được xuất sang thị trường nước này và dự kiến đến hết năm nay con số này rơi vào khoảng 400.000-450.000 tấn lợn hơi được đưa sang Trung Quốc.
Hầu hết lợn xuất sang Trung Quốc hiện nay là qua con đường tiểu ngạch, biên mậu. Vì thế, Cục Chăn nuôi cảnh báo, nếu cứ để tình trạng buôn bán như thế này, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố, khi đó sẽ tác động ngược lại đến chăn nuôi trong nước. Điển hình như rất nhiều lợn mỡ của Việt Nam hiện không tiêu thụ được do Trung Quốc ngừng mua.
Vấn đề tồn tại thứ hai là chúng ta còn lúng túng trong khâu chế biến và giết mổ. Hầu hết các nước muốn gia tăng giá trị gia tăng, phải qua chế biến, có như thế mới dễ xuất khẩu. Song ở Việt Nam, khâu này 2 năm qua gần như đứng yên. Vấn đề thứ ba là, rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào chăn nuôi nhưng lại “vướng mắc đủ thứ”, đặc biệt là đất đai, rồi cơ chế quản lý. Tồn tại cuối cùng của ngành chăn nuôi là thiếu chiến lược dài hơi.