Con ngựa trong đời sống của người vùng cao
Con ngựa theo bà con thồ hàng ra chợ; chở phân bón, hạt giống lên nương; đem củi rơm về cho bếp ấm… Bên cạnh đó, hằng năm, những con ngựa được huấn luyện còn tham gia lễ hội đua ngựa thu hút hàng vạn du khách.
Ngày hội đua ngựa của người Mông tỉnh Lào Cai.
1. Có dịp đi vùng cao Tây Bắc, từ Mường Khương, Y Tý, Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai) hay Trạm Tấu (Yên Bái), thậm chí trên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)… đâu đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh con ngựa lầm lũi theo chân bà con người Mông, Tày, Nùng… Theo một con số thống kê, riêng ở Lào Cai, tổng số đàn ngựa hiện có trên 5.000 con, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương.
Đối với đồng bào vùng cao Lào Cai, con ngựa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bởi từ lâu, trong cuộc sống mưu sinh đầy gian khó, ngựa không chỉ là tài sản đáng giá, mà còn là “người bạn” thân thiết. Thậm chí, ngày trước, dù khó khăn đến mấy, khi lập gia đình ai cũng tính mua con ngựa về nuôi trong nhà. Từ đó, nuôi ngựa không chỉ là công việc chăn nuôi bình thường như nuôi các con vật khác mà đã trở thành phong tục, tập quán trong tiềm thức của đồng bào...
Theo ông Ly Seo Áo, dân tộc Mông, xã Bản Phố (Bắc Hà - Lào Cai), con ngựa được người Mông nuôi và chăm sóc ngay tại nhà nên con vật này đã biết “trả ơn” chủ bằng sức lực của nó. So với trâu, bò, sức ngựa dẻo dai hơn, chịu hạn tốt hơn. Ngựa cho người Mông sức cày trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn nơi triền núi cao.
Ngựa cùng đồng bào Mông xuống chợ phiên, trên lưng nó mang theo ngô, lúa và sản vật của đồng bào mà những chiếc xe máy “cào cào” không sao vượt được suối và dốc đèo. Cũng theo ông Áo, sức kéo của ngựa vừa bền vừa lớn nên nó giúp cho người Mông nhiều lắm. Kể cả những lúc kéo củi, kéo gỗ ở rừng về hay kéo đá, kéo phân ngược dốc lên xây nhà, làm nương, ngựa đều giúp sức cho con người.
2. Còn nếu đến Hà Giang, hình ảnh những chú ngựa thồ thật gắn bó với bà con. Chúng ta có thể gặp trên đường đến các phiên chợ vùng cao Hà Giang, ở đó, những con ngựa thồ hàng, đưa người xuống chợ - hình ảnh rất đỗi quen thuộc, đã trở thành bản sắc văn hóa của người Mông. Thậm chí, sau phiên chợ, chồng quá chén, say rượu nằm ven đường, người vợ ngồi đợi, dây ngựa buộc vào chân…
Những người Mông ở vùng Đồng Văn - Mèo Vạc cho biết, chỉ có ngựa của người Mông mới leo núi đá, lội suối “thiện nghệ” trong những thời tiết khắc nghiệt. Nhưng người Mông ở đây cũng nuôi nhiều giống ngựa, để phục vụ những mục đích khác nhau: ngựa thồ, ngựa đua, ngựa chiến.
Người có kinh nghiệm khi chọn ngựa phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, con biết nghe lời và có con bướng bỉnh… Một chú ngựa chạy vài vòng quanh chân núi về mà không bị thở dốc mới được xem là có sức khỏe tốt. Bên cạnh ngựa thồ, vùng cao núi đá Hà Giang có loại ngựa đua rất quý: thân dài, mông to, bụng thon, ức nở, đi nước kiệu rất nhanh trên đường bằng, leo núi thiện nghệ, phi nhanh như cơn lốc.
Tuy nhiên, ngựa của người Mông có đặc điểm là tầm vóc nhỏ nên không chở nặng hàng được. Bên cạnh đó, chức năng sinh sản kém. Bởi vậy, nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia) đã lai tạo thành công giữa ngựa Cabardin với ngựa Mông, cho ra con lai chuyên kéo xe, thồ hàng rất hiệu quả.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi, ngựa Cabardin to khỏe hơn, nhưng ngựa Mông lại khéo léo hơn, bởi vậy ngựa lai phù hợp để kéo xe vận chuyển gạch, cát, xi măng. Giống ngựa lai này thích ứng rất tốt với điều kiện nuôi dưỡng, quản lý và sinh thái ở nước ta...
3. Bên cạnh việc giúp đỡ đồng bào trong đời sống, sản xuất, vào những dịp lễ Tết, con ngựa còn tham gia vào những cuộc đua làm nên một ngày vui khó quên cho bà con. Vì thế, từ lâu, đua ngựa ở Hà Giang, Lào Cai… đã trở thành một trong hoạt động không thể thiếu. Mấy năm gần đây, đua ngựa còn là sản phẩm du lịch, thu hút đông du khách trong và ngoài nước.
Đua ngựa biểu hiện của tinh thần thượng võ, phóng khoáng, dũng cảm, mãnh liệt và tự tin. Người thắng và người thua trong đua ngựa đều mừng nhau trong chén rượu nồng ấm áp giữa ngày xuân.
Từ năm 2013, Mèo Vạc đã phục dựng lại giải đua ngựa và từ đây sẽ tổ chức thường niên trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ văn hóa, du lịch Chợ tình Khau Vai hàng năm.
Trước đó, năm 2007, ở vùng Bắc Hà (Lào Cai), lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà chính thức được phục dựng. Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng tổ chức vào hè năm 2008 có quy mô cấp tỉnh, thu hút khoảng 13.000 lượt du khách đến với cao nguyên trắng. Năm 2016, giải đua ngựa đã thu hút 54 “kỵ sĩ” đến từ các xã, thị trấn của huyện Bắc Hà và Si Ma Cai.
Nét độc đáo của đua ngựa Bắc Hà là đua ngựa thồ. Điều thú vị nữa, những “kỵ sĩ” trong cuộc đua cưỡi ngựa không có yên cương, nhưng tốc độ đạt tới 60-70 km/giờ… Giải đua ngựa Bắc Hà đã trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao, trở thành tâm điểm hấp dẫn khách du lịch hàng năm.
Chính vì con ngựa có vai trò quan trọng đối với đồng bào vùng cao như vậy, nên bà con chăm sóc ngựa rất chu đáo. Sau ngày lao động, ngựa được chủ nhà cho ăn khá đầy đủ, gồm cây ngô non, cây chuối băm chộn với thóc gạo hay cám gạo cùng bột ngô và uống nước muối. Những ngày đông gá rét, sương muối hay có băng tuyết, chuồng ngựa được quây kín…