Nga-Nhật thảo luận về hiệp ước hòa bình vĩnh viễn
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Nhật Bản trong chiều ngày 15/12 để tham dự một hội nghị thượng đỉnh cùng với Thủ tướng Shinzo Abe tại một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng, nơi họ sẽ cùng thảo luận để tháo gỡ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để từ đó tiến tới một hiệp ước hòa bình chính thức kể từ sau Thế chiến II.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thủ tướng Nhật Shinzo Abe
bắt đầu cuộc họp đầu tiên tại Nagato, Yamaguchi hôm 15/12.
(Nguồn: Reuters).
Cả hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết hàng loạt thỏa thuận liên quan tới hợp tác kinh tế ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ dược phẩm cho tới năng lượng. Nhưng thu hút sự quan tâm nhất chính là hy vọng đạt được một bước đột phá liên quan tới tranh cấp tại một số hòn đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc vốn kéo dài hàng thập kỷ qua khiến Nga và Nhật Bản chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II.
Tổng thống Putin, người đến trễ hơn gần 3 giờ đồng hồ so với dự kiến, và Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp ngay trong chiều 15/12 tại khu suối nước nóng ở thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi. Đây cũng là quê hương của ông Abe, nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo sẽ còn có thêm một cuộc gặp khác tại thủ đô Tokyo trong ngày hôm nay, 16/12.
Trước cuộc gặp lần này, Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Nga, trong niềm hy vọng rằng sẽ để lại một di sản ngoại giao tốt đẹp và xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với Moscow để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực mà họ đang hết sức quan ngại.
Tuy nhiên, một thỏa thuận nhằm chấm dứt các tranh chấp trên chuỗi đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là Nam Kuril ẩn chứa nhiều rủi ro đối với Tổng thống Putin, người không muốn làm tổn hại hình ảnh một nhà lãnh đạo vốn có quan điểm cứng rắn về vấn đề chủ quyền nước Nga của mình.
Ngoài ra, các hòn đảo này mang ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với Nga bởi nó đảm bảo tuyến đường biển giúp họ tiếp cận khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
“Những chướng ngại đang tồn tại khá rõ ràng và khó khăn để vượt qua” - ông Yasutoshi Nishimura, một cố vấn của Thủ tướng Abe, nói với hãng tin Reuters - “Nhưng mặt khác, họ là hai nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nên tôi hy vọng rằng một con đường rộng mở sẽ xuất hiện”.
Nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc cải thiện mối quan hệ với Nga đã khiến chính quyền Washington quan ngại, nhưng mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đã đưa ra nhiều tín hiệu rõ ràng rằng ông sẽ tìm cách “rã băng” mối quan hệ với Moscow.
Nếu như điều này xảy ra sau khi ông Trump nhậm chức tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017, nó có thể giảm sức ép đối với cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga trong việc đưa ra một thỏa thuận, bởi cả hai sẽ không còn chịu nhiều phản ứng từ phía chính quyền Washington.
Các cuộc đàm phán diễn ra giữa lãnh đạo Nga-Nhật cũng diễn ra trong bối cảnh Moscow đang hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nước phương Tây liên quan tới chiến sự bùng nổ ở thành phố Aleppo, Syria, nơi mà Nga ủng hộ lực lượng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong khi phương Tây ủng hộ các phe phái nổi dậy.
Đến với cuộc họp thượng đỉnh lần này, Nga mong muốn sẽ đạt được nhiều thỏa thuận với các công ty Nhật Bản như một phần trong chiến lược hướng tới khu vực châu Á của họ, trong bối cảnh phải đáp trả lại các lệnh trừng phạt của phương Tây - trong đó có cả Nhật Bản - có hiệu lực từ năm 2014, sau khi Crimea trở lại là một phần nước Nga trong chuỗi diễn biến khủng hoảng Ukraine.
Trong tuần, Tổng thống Putin đã nói với tờ Yomiuri của Nhật Bản rằng mục tiêu về thỏa thuận hòa bình sẽ khó đạt được hơn nếu như Nga vẫn là nạn nhân của các lệnh trừng phạt của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Hiroshige Seko, đã bác bỏ đồn đoán cho rằng bất kỳ mối hợp tác kinh tế nào giữa họ với Nga cũng có thể ảnh hưởng tới sự đoàn kết của nhóm G7 trong tuyên bố trừng phạt Moscow trước đây.
Nhật Bản từ lâu đã khẳng định rõ quan điểm rằng họ có chủ quyền đối vói tất cả 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi phía Bắc đảo Hokkaido, và điều này cần phải được xác nhận trước khi một hiệp ước hòa bình được ký kết. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu cho thấy họ đang cân nhắc lại quan điểm này, có khả năng như một tuyên bố chung mà Nhật Bản và Liên Xô từng ký kết năm 1956, trong đó quy định sẽ trao trả 2 hòn đảo nhỏ sau khi một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn được ký kết.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, cả hai bên có đôi lúc đưa ra ý tưởng về hợp tác kinh tế chung trên các hòn đảo này, nhưng lại không thể giải quyết được câu hỏi làm thế nào để làm như vậy mà không làm suy giảm các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên.