EU - thị trường tiềm năng của dệt may Việt

Thanh Giang 16/12/2016 10:55

Một số ý kiến nhận định, châu Âu đang được xem là thị trường tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội để phát triển mạnh thị trường này bằng sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may đang là ngành công nghiệp lớn nhất trong cả nước, chiếm 10% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Ngành có khoảng 6.000 DN, giải quyết việc làm cho 2,5 triệu lao động.

Trong 10 năm qua ngành dệt may luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 17,5%/năm. Riêng trong năm 2016, các DN dệt may gặp phải rất nhiều khó khăn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến vẫn sẽ đạt khoảng 29 tỉ USD. Dù gặp khá nhiều khó khăn trong cạnh tranh nhưng thời gian qua Việt Nam không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, việc Việt Nam tham gia đồng loạt các hiệp định tương mại (FTA) song phương và đa phương với các thị trường lớn trên thế giới đang mang lại cho ngành dệt may nhiều cơ hội. Đặc biệt, hiệp định Việt Nam – EU đang mở ra một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho ngành giày da Việt. Theo ông Guillame Crouzet, đại diện Phòng công nghiệp Pháp tại Việt Nam, tiềm năng nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào thị trường EU rất lớn. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh về nhập khẩu hàng dệt may vào thị trường EU. DN Việt Nam có nhiều cơ hội liên quan đến thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.

Đặc biệt, ngành hưởng lợi nhiều nhất là giày dép, dệt may”, ông Roberto Cajati - Phó Tổng lãnh sự quán Italia tại Việt Nam nhận định. Lý do, FTA Việt Nam –EU vừa được ký kết sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Sau khi có hiệu lực (năm 2018) 71% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế. Các dòng thuế còn lại sẽ được tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó, dự kiến đến năm 2025 khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực đầy đủ 99% hàng hóa của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế. Hiện nay mức thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU giao động từ 8 -12%.

Việc hợp tác với EU nói riêng và các nước trên thế giới nói chung sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may nâng cao khả năng thiết kế, kĩ năng quản lí sản xuất, tăng năng suất lao động từ đó thay đổi hình thái sản xuất chuyển từ gia công thuần túy sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế sản xuất), OBM (tự sản xuất và phân phối) qua đó nâng cao tính chủ động và giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù được đánh giá là thị trường khá tiềm năng song các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt không chủ quan với thị trường tiềm năng. Vì tiềm năng ở mức nào thì vẫn có những quy định thông thường để bảo vệ người tiêu dùng các nước.

Vụ thị trường EU (Bộ Công thương) từng thông tin, hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này sẽ lưu thông ở toàn bộ 28 nước. Đây chính là một thách thức về chất lượng không hề đơn giản. Chưa kể, thị trường EU có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Ông Roberto Cajati cho rằng, muốn đưa sản phẩm vào thị trường và mong người tiêu dùng EU lựa chọn cần phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, môi trường an toàn, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, thành phần, bao bì,...

Một điều không kém phần quan trọng, nếu doanh nghiệp Việt nóng lòng đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh thì nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ, chống phá giá.

Thanh Giang