Những tấm lòng thơm thảo

Hương Lê 16/12/2016 08:30

Chuyện bốn cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) dũng cảm chống chọi với cơn lũ dữ để cứu 13 cháu nhỏ còn mắc kẹt trong lớp học khi nước dâng mỗi lúc một cao, đã nhanh chóng được cộng đồng chia sẻ. Cứu người giữa khoảnh khắc tưởng như tuyệt vọng, với một quyết định chỉ trong tích tắc: “Thà cô chết chứ không để trò chết...”- tấm gương của các cô giáo mầm non đã khiến bao trái tim xúc động và cảm phục.

Từ trái qua: 4 cô giáo mầm non Võ Thị Thu Sương, Thái Thị Tuyết Hồng,
Lê Thị Kim Hằng và Nguyễn Thị Hòa. (Ảnh: D.Thanh).

Sự dũng cảm và lòng yêu trẻ, yêu nghề của các cô giáo đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi kịp thời ngay trong sáng 15-12. Trong thư, Thủ tướng bày tỏ: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 13 tháng 12 năm 2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại Trường.

Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu...”

Chuyện của các cô giáo trường mầm non An Hiệp gợi nhớ những tấm lòng thầy cô giáo bám bản vùng cao. Khó mấy, khổ mấy cũng không chùn bước. Có những cô giáo đã bị lũ cuốn trôi ngay trong ngày khai giảng năm học mới ở trường tiểu học Bản Khoang- Thị trấn Sa Pa- Lào Cai. Chuyện của 10 năm trước đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh người thân, đồng nghiệp và trong ánh mắt những học trò.

Bản Khoang cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra những trận lũ quét kinh hoàng, tính mạng của thầy và trò luôn luôn bị đe dọa khi mùa mưa lũ tới. Nhưng không thầy cô nào chùn bước. Khi được hỏi về dự định tương lai, các thầy cô đều ngậm ngùi: Nếu ai cũng muốn về xuôi, ai cũng mong sung sướng thì lấy ai dạy chữ cho những đứa trẻ trên non? Những cô giáo chúng tôi từng gặp đều khóc, có người khóc vì nhớ quê, khóc vì thương xót đồng nghiệp xấu số, khóc vì nghĩ đến cảnh phải biệt ly đám học trò rất đỗi thân thương...

Cũng có không ít những buổi chuyện trò diễn ra trong im lặng, ngoài cửa nhà công vụ của các cô giáo chốc chốc lại có đôi ba trò nhỏ thập thò. Chúng chân đất, tóc xoăn cháy xém, mắt ngơ ngác nhìn khách lạ...Cô giáo mắt ngấn nước kể với khách rằng, đám trò nhỏ ấy chỉ sợ rồi một ngày cô sẽ về xuôi... Chính những ánh mắt ấy đã níu chân nhiều thầy cô trụ lại- không chỉ dăm năm, mười năm mà còn lâu hơn thế nữa.

Hay mới đây nhất tại Hà Nội, 42 thầy cô giáo tiêu biểu đang dạy học nơi đảo xa cũng đã kịp thời được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN tuyên dương. Chỉ có điều trong lễ tuyên dương ấy có tới 5 thầy, cô giáo do điều kiện khó khăn, sóng mạnh ở đảo không vào được đất liền để dự lễ . 42 thầy, cô giáo là những tấm gương có thành tích tiêu biểu và nghị lực vượt khó vươn lên trong công tác giảng dạy; dành thời gian, tâm huyết đem “con chữ” đến với các em học sinh ở vùng biên giới, hải đảo. Trong số họ, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết có 3 năm dạy học ở Trường Tiểu học Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ thầy sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo. Từ nhỏ thầy chứng kiến nhiều bạn học cùng trang lứa phải nghỉ học nên đã nuôi ý nghĩ phải trở thành giáo viên để cống hiến hết khả năng của mình. Và từ thời sinh viên, thầy Quyết đã làm đơn xin ra quần đảo Trường Sa để công tác.

Thời gian đầu ra đảo điều kiện dạy và học rất khó khăn, lớp học thô sơ chỉ học trong căn nhà tôn của bộ đội nhường lại. Ngày học hai buổi, buổi chiều điện không có, chỉ có điện vào ban đêm nên lần nào học cũng vậy, mồ hôi thày- trò ướt hết cả đầu, cả áo. Nhưng khuôn mặt trẻ thơ của con trẻ chính là động lực để thầy Quyết và những thầy cô giáo bám đảo nỗ lực vì học trò.

Đọc và nghe chuyện về 4 nữ giáo viên mầm non chưa một lần gặp mặt, có biết bao bạn đọc bỗng trào nước mắt. Nhiều phụ huynh chia vui với 13 học sinh và gia đình các con bởi những đứa trẻ ấy đã thoát chết nhờ tấm lòng nhân hậu của những cô giáo như mẹ hiền. Còn đồng nghiệp của các cô trên khắp mọi miền đất nước đang cảm thấy thật tự hào vì họ đại diện cho những bông hoa đẹp của ngành giáo dục; những tấm lòng cao cả sẵn sàng quên mình vì học sinh thân yêu.

Hương Lê