Phát huy tâm huyết, sáng tạo trong từng hoạt động
Ngày 16/12, tại Hội nghị giao ban công tác Mặt trận các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc năm 2016, đội ngũ những người làm công tác Mặt trận 7 tỉnh Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hoà Bình đã chia sẻ kinh nghiệm, trong nhiều hoạt động để gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển quê hương.
Quang cảnh hội nghị.
Dự và chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Phú Thọ; ông Trần Phù Tiêu, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ, Trưởng cụm thi đua các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc năm 2016 cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh trong cụm.
Năm 2016 là năm thứ hai Mặt trận các cấp trong cụm thi đua phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền để triển khai thực hiện 5 chương trình hành động do Đại hội VIII MTTQ Việt Nam đề ra và Chương trình hành động của Mặt trận các cấp trong cụm.
Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện trách nhiệm công dân của mình để mang lại thành công cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua được Mặt trận các cấp vận động nhân dân thực hiện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, đối với xây dựng nông thôn mới, MTTQ tỉnh đã huy động MT các cấp tham gia vào hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng nhằm nắm được cơ chế chính sách áp dụng vào giải phóng mặt bằng và trực tiếp giám sát việc đền bù, từ đó vận động nhân dân trong việc hiến đất để xây dựng nông thôn mới.
Trong chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, Mặt trận tỉnh đã vận động nhân dân hiến 240.560 m2 đất (chiếm 1/3 tổng số lượng đất xây dựng nông thôn mới).
Bí thư Đảng ủy xã Sông Lô, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) Nguyễn Xuân Tám.
Nói về kinh nghiệm của Mặt trận địa phương tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Tám, Bí Thư Đảng uỷ xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện xã Sông Lô là một trong 6 xã đạt 18/18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 7.3%.
Kinh phí hoạt động trong công tác Mặt trận luôn được Đảng uỷ xã chú trọng, kinh phí hoạt động trong 1 năm của Mặt trận xã là 80-100 triệu, kinh phí mua báo được đầu tư cho 21 thành viên MT trong xã.
Xã đã thành lập được hai tổ tư vấn để tham gia vào giám sát phản biện xã hội trong đó tập trung vào 2 vấn đề trọng điểm là: tiến hành giám sát việc thực hiện cơ chế 1 cửa tại uỷ ban nhân dân xã thông qua việc phát phiếu trực tiếp cho người dân đến làm việc và giám sát hoạt động của vùng rau an toàn.
“MTTQ làm tốt nhiệm vụ của mình thì việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân sẽ hiệu quả”, ông Tám khẳng định.
Ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ.
Để tránh việc chồng chéo trong triển khai công tác Mặt trận, ông Trần Phù Tiêu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần phải khẳng định vai trò “trọng tài” của cấp uỷ và sự nỗ lực của các thành viên.
Đối với việc triển khai đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và đoàn thể nhân dân, MTTQ tỉnh đã chủ động trong việc tiếp nhận các văn bản và đề xuất với lãnh đạo tỉnh.
Trong công tác giám sát, MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất nội dung giám sát trong năm tới, đưa ra kế hoạch, thời gian cụ thể và nội dung nào phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để từ đó chủ động triển khai.
Đồng thời những kết luận sau mỗi cuộc giám sát đều được chuyển thành kiến nghị thực tế như việc kinh phí hoạt động của hoà giải đã được đề xuất tăng kinh phí.
“Đến với dân nghèo là trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể nhưng đến với người nghèo như thế nào cho hiệu quả?”, ông Trần Phù Tiêu trăn trở.
Trong việc triển khai cuộc vận động vì người nghèo, tỉnh đã thành lập được ban vận động trong đó có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các sở ban ngành. Ban vận động sẽ đưa ra danh sách những doanh nghiệp, những cơ quan và các nhà hảo tâm, từ đó phân ra các nhóm trực tiếp vận động cho người nghèo để tránh việc vận động chồng chéo.
Đối với việc hỗ trợ người nghèo, MTTQ tỉnh triển khai việc xoá nhà tạm, đồng thời phối hợp với Tổng công ty Viettel và Tập đoàn Vingroup tổ chức trao bò cho người nghèo, giúp người nghèo ổn định sinh kế lâu dài.
“Cần đưa ra phương án đâu là hỗ trợ người nghèo, đâu là cứu trợ để từ đó phân định cho phù hợp.”, ông Tiêu đề nghị.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong cụm thi đua Trung du và Miền núi phía bắc năm 2016.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định, năm 2016 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, nhiều nhiệm vụ được đề ra nhưng công tác MT trong năm 2016 của các tỉnh trong cụm đều được hoàn thành với kết quả đáng khích lệ, các tỉnh đều hướng tới việc thực hiện tốt 5 chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 4 trọng tâm năm 2016 đề ra.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh hoan nghênh cách làm mới của Mặt trận các tỉnh trong cụm như việc MTTQ các tỉnh đã tránh được sự chồng chéo trong công tác vận động thông qua việc xác định được vai trò trọng tài trong từng hoạt động từ đó đề cao vai trò tham mưu của MTTQ và các đoàn thể.
“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ trong việc đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận không thể thiếu được việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể. Từ đó thể hiện được vai trò Đảng vừa là lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định.
Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc trong việc giám sát, phản biện và những kiến nghị của Mặt trận các tỉnh trong cụm, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết sẽ trực tiếp xem xét, tìm ra hướng khắc phục hiệu quả để công tác Mặt trận trong năm 2017 đạt kết quả cao hơn nữa.
Trên tinh thần khách quan, dân chủ, đoàn kết, Hội nghị đã thực hiện việc bình xét các danh hiệu khen thưởng để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét, quyết định. Hội nghị cũng đã đồng nhất và giới thiệu tỉnh Bắc Kạn là Cụm trưởng cụm thi đua năm 2017.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Văn Quang. Theo ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Phú Thọ trong năm 2016, MTTQ tỉnh Phú Thọ cùng các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực cụ thể hoá chủ trương, đường lối chính sách của Đảng bằng các nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi và đại diện cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân có sự phối hợp chặt chẽ thông qua các quy chế phối hợp và các chương trình thống nhất hành động, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ và tham gia giám sát xã hội. Với các hoạt động thiết thực trong việc tăng cường và đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận trong năm 2016, MTTQ tỉnh Phú Thọ đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong tỉnh như việc xoá nhà tạm cho 5.300 hộ nghèo giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ hộ nghèo còn 10,44%… Ông Bùi Văn Quang tin tưởng trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Phú Thọ cùng MTTQ các tỉnh trong cụm thi đua sẽ tiếp tục chủ động và phát huy tâm huyết, sáng tạo trong từng hoạt động và phát huy tâm huyết sáng tạo trong từng hoạt động để đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Ông Hoàng Thanh Mịch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên.
Ông Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân Tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái.