Nga, Nhật đạt bước tiến quan trọng hướng tới hiệp ước hòa bình
Nga và Nhật Bản trong hôm 16/12 đã đạt được bước đột phá mới khi ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm xây dựng lòng tin hướng tới một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến II, vốn bị cản trở bởi các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới một nhóm đảo trên biển Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhất trí về xây dựng lòng tin hướng tới hiệp ước hòa bình. (Nguồn: AFP).
Ngày thứ hai và cũng là ngày đàm phán cuối cùng tại thủ đô Tokyo diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp hôm 15/12 tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở Nagato, tỉnh Yamaguchi - quê hương của ông Abe - với hy vọng đạt được bước đột phá.
Tuy nhiên, dù các cuộc trao đổi đã diễn ra hết sức thẳng thắn nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn tuyên bố rằng không có tiến triển lớn nào liên quan tới hiệp ước hòa bình giữa hai bên, dù đã đạt được một số bước tiến về hợp tác kinh tế, trong đó bao gồm cả hợp tác tại khu vực tranh chấp.
Thủ tướng Abe, phát biểu tại một bữa trưa với ông Putin, nói rằng họ đã nhất trí ký kết “hơn 60 dự án” hợp tác trong nhiều lĩnh vực liên quan tới kinh tế, và chi tiết sẽ được nêu rõ hơn trong cuộc họp báo sau đó.
“Tôi tin rằng có hàng loạt lĩnh vực mà Nga và Nhật Bản vẫn chưa nhìn thấy hết triển vọng thực sự, bất chấp thực tế rằng chúng tôi là hai nước láng giềng” - ông Abe nói.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng đưa ra tín hiệu tích cực rằng các mối quan hệ hợp tác kinh tế là một cách để xây dựng lòng tin hiệu quả.
“Sự hợp tác của chúng tôi trong lĩnh vực kinh tế sẽ giúp chúng tôi tạo nên một cơ sở vững chắc để cải thiện quan hệ” - ông Putin nhấn mạnh.
Cùng ngày, các hãng truyền thông Nhật Bản cũng cho hay, nước này dự kiến sẽ thỏa thuận cung cấp một gói kinh tế trị giá 300 tỷ Yên (2,5 tỷ USD), gồm các dự án ngành tư nhân trong các lĩnh vực như khai khoáng, và nhiều khoản cho vay để khai thác khí tự nhiên và phát triển kinh tế ở vùng Viễn Đông của Nga.
Liên quan tới vấn đề thu hút sự chú ý nhất - tranh chấp chuỗi đảo trên biển Thái Bình Dương - dường như hai nhà lãnh đạo vẫn chưa đạt được bước đột phá dù đã có tiến triển đầy tích cực.
Tranh chấp lãnh thổ liên quan tới chuỗi đảo mà Nga gọi là Nam Kurril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc là một chướng ngại khiến hai bên không thể ký kết một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh sau Thế chiến II. Cuộc họp thượng đỉnh lần này chính là nỗ lực mới nhất nhằm đạt được thỏa thuận này kể từ khi Nhật Bản và Liên xô cũ bắt đầu các vòng đàm phán từ năm 1956.
Tổng thống Putin, người đã có chuyến thăm tới một sàn đấu Judo Nhật Bản tại Tokyo trong hôm 16/12, đã nói rằng ông xem việc thiếu vắng một thỏa thuận hòa bình như “sự lỗi thời” và mong muốn giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa, dù nhận thức rõ rằng tiến trình này không hề đơn giản và sẽ tiêu tốn thời gian.
Trong khi đó, Thủ tướng Abe cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận thông qua việc đề xuất các khoản đầu tư kinh tế lớn đối với Moscow, hiện đang gặp khó khăn về vấn đề kinh tế do hứng chịu các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt liên quan tới Crimea, khủng hoảng Ukraine và giá dầu thế giới suy giảm.
Hôm 15/12, ông Abe đã nói rằng ông cùng ông Putin đã thảo luận về việc phát triển kinh tế chung trên các hòn đảo tranh chấp, đồng thời cho phép những người dân Nhật từng sinh sống trên các hòn đảo đó - hiện đang ở độ tuổi trung bình 81 - được tới thăm nơi họ từng sinh sống.
Trong khi đó, ông Yuri Ushakov, một cố vấn của Điện Kremlin, cũng cho hay hai nhà lãnh đạo đã tham vấn giới chuyên gia để tìm cách hợp tác khai thác triển vọng kinh tế trên 4 hòn đảo tranh chấp, trong đó gồm các lĩnh vực hợp tác như đánh cá, du lịch, văn hóa và y tế.
Theo giới quan sát, việc giải quyết vấn đề tranh chấp có thể sẽ rất khó khăn bởi 4 hòn đảo này mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Nga khi là tuyến đường biển dẫn tới Biển Okhotsk.
Một quan chức Nhật Bản thông báo về hội nghị thượng đỉnh này cũng nói rằng các câu hỏi pháp lý cũng là một thách thức khi nói về triển vọng hợp tác chung tại các hòn đảo tranh chấp, đặc biệt là về khung làm việc pháp lý đối với các dự án kinh tế. Cả hai bên đều không muốn gây tổn hại tới quan điểm pháp lý của bên còn lại đối với các hoạt động kinh tế trên chuỗi đảo này.