Giữa mênh mông nước lũ
Đợt mưa lũ thứ tư đến với dải đất miền Trung kể từ cuối tháng 11 năm nay. Mưa lớn hồ đập thủy điện xả lũ, lũ vượt đỉnh nhấn chìm, phá hủy nhiều nhà cửa, hoa màu kéo nỗi đau từ nơi này đến nơi khác. Nhưng trong mưa lũ, tình người càng trở nên ấm áp. Và ý chí vượt lên gian khó cũng thật phi thường.
Đoàn cứu trợ huyện Hoài Nhơn (Bình Định) chuyển mỳ tôm và nước uống cho người dân xã Hoài Hải bị nước lũ cô lập. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN.
Mưa lũ kéo dài như dìm Nam Trung Bộ trong biển nước Đây là đợt mưa lũ thứ tư đến với dải đất này kể từ cuối tháng 11 năm nay. Người vùng lũ đang gượng dậy trong khó khăn, tổn thất.
Mất mát
Kéo dài từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, những cơn mưa vẫn ập xuống như trút nước, những hồ đập vẫn nhăm nhe xả lũ. Bao mất mát về của cải chưa kịp lắng xuống thì nỗi đau còn - mất kiếp người đã chồng lên.
Ngày nhận thi thể chồng mình là ông Nguyễn Minh Sơn (57 tuổi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) trong trạng thái lạnh căm, áo quần bị nước lũ xé rách tả tơi, bà Nguyễn Thị Hậu chỉ kịp gào lên trong ngỡ ngàng và ngất lịm đi trong đau tiếc. Hàng trăm gia đình khác quanh nhà ông Sơn bốn bề trống hoác, gió lùa thông thốc, tài sản chảy trôi theo dòng nước. Ông lập cập đến đưa tang người hàng xóm xấu số trong nỗi ngậm ngùi, nước mắt nín lặng vào trong.
Quanh năm quần quật với đầm tôm, mấy trận lũ gần như mất sạch, còn chút tài sản nhỏ nhoi là vài lồng cá, anh Lê Hồng Phong (33 tuổi, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cố lao ra giành giật với thiên tai đặng Tết này có cái để quây quần mấy ngày xuân. Nhưng rồi, dòng nước vô tình cuốn anh đi bỏ lại vợ trẻ, con nhỏ bơ vơ trong buổi chiều tĩnh mịch, mây đen đầy trời. Bà Hạnh, mẹ anh Phong, nước mắt rơi lã chã cùng khói trắng hoa tang trong ngày tiễn con về nơi chín suối.
Dòng nước lạnh lùng như kéo nỗi đau từ nơi này đến nơi khác. Xa nhau đằng đẵng mấy chục năm trời, nghe tin chị mình mất tích, linh cảm điều chẳng lành anh Trần Văn Cảnh tức tốc từ nước ngoài về thăm bà Trần Thị Vinh (Tuy An, Phú Yên). Nỗi bồn chồn của ông Cảnh tắt lịm khi thi thể bà Vịnh đang được đưa đi an táng đúng lúc ông vừa đặt chân đến Tuy An. Bao giấc mơ của bà về những đứa con ngoan, về những ruộng rẫy mướt xanh màu hoa trái giờ đành dang dở.
Cũng như bà Vinh, ước mơ cháy bỏng cả đời lam lũ của mình là xây dựng cho con trai một căn nhà kiên cố, ông Hồ Tân ở huyện Sơn Hóa, Phú Yên đã phải đổ bao mồ hôi, nước mắt. Nhưng chỉ sau một đêm “nọc độc” của luồng nước từ đầu nguồn thủy điện xả về cộng mưa lớn, căn nhà chỉ còn là đống đổ nát. Chới với, níu lấy chiếc ví và chút tài sản khác thì mạng sống vuột theo luồng nước tử thần. Bao hàng xóm tiễn đưa ông nghẹn đắng, hy vọng ông thong thả phía bên kia bởi suốt đời ông chưa một ngày thư thả.
Nước ngập vào nhà anh Tuấn Vy (phường Phước Hải, Nha Trang).
Ông Nguyễn Hải Hoàng (ở Đông Hòa, Phú Yên) cũng hướng cái nhìn chứa ẩn nỗi buồn vô tận ra phía những luồng nước xoáy đang dâng lên hạ xuống thổn thức; trắng tay hết rồi. Không chỉ Đông Hòa, Tuy An, Sông Hinh…mà hàng trăm thôn làng khác cũng mất sạch rồi. Mấy ngày nay được chính quyền cấp cho lương khô và mỳ tôm nhưng nỗi buồn ứ lên đến óc nuốt gì vào cũng không trôi được. Những cánh đồng quê màu mỡ, những bãi ngô xanh rì bị nước kéo màn trắng toát, nan rợ và hãi hùng. Những người dân với chiếc bóng vật vờ như quện thành từng đám mây đen òa ra tiếng khóc bất lực.
Bà Nguyễn Hoàng Th., mẹ em Bùi Phan Hoàng Trúc (ở Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa) cũng như người mất hồn trong ngày đón nhận thi thể đứa con trai tuổi 16 của mình. Quanh năm chỉ biết miệt mài với đèn sách, đối chọi với nước lũ, Trúc chỉ biết nhắm mắt cho “thần chết” kéo đi.
Bà Th bảo; Vậy là xuân này nó không còn níu áo mẹ đòi phần nhiều bánh chưng xanh. Mấy ngày rồi, cơn gió nhẹ thoảng qua cũng làm bà bật dậy tưởng con mình trở về, chân bà khụy sau bậc thềm. Không mất mát người ruột thịt nhưng hàng ngàn người dân khác ở Khánh Hòa cũng chìm trong đau khổ, nghẹn nấc, bàng hoàng. Những xây dựng, kiến tạo và hy vọng cả đời bị xé rách, bị mất sạch, biết bắt đầu lại từ đâu.
Nước ngập các đường phố Nha Trang.
Gượng dậy trong lo âu
Những con số lạnh lùng, người chết, thôn xóm tiêu điều, những ngôi nhà đổ sụp suốt một dải Nam Trung bộ vẫn chưa dừng lại.
Chưa bao giờ chứng kiến những khối bùn lùa thẳng vào tận gian phòng thờ nhà mình ở giữa thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ông Trần Văn Chinh hớt hải. Tủ lạnh, ti vi, cho đến quần áo và tất tật không còn sử dụng được nữa. Ăn mỳ tôm để thâu đêm lùa bùn ra khỏi nhà, bốn bề tường nhà nứt toác, nước rút hết rồi cũng sập mất thôi.
Thất thập cổ lai hy nhưng chẳng thể phó mặc cho con cháu, ông Trần Văn Thương ở đường 2/4 Nha Trang lẩy bẩy kéo thuyền chở người vợ ngoài 60 tuổi của mình đi bốc thuốc và khám bệnh bởi nước lũ chia cắt, các phương tiện khác đều vô hiệu. Bị nhiều khối đất đá từ các dự án vây kín, cả xóm của anh Tuấn Vy (Phước Hải, Nha Trang) như chìm trong chiếc ao khổng lồ không biết thoát ra bằng cách nào. Bao giáo án, đồ đạc của anh Vy tan tành, nhà cửa cũng hư hỏng chẳng còn gì.
Đau thương chồng lên đau thương, dẫu trắng tay thì vẫn phải sống. Nhưng có một âu lo khác là liệu sau những mất mát này, bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra thế nào. Nếu các đập thủy điện không nghiêm túc đánh giá khoa học về công tác điều tiết nước; Không theo dõi sát sát các thông tin về dự báo thời tiết, thiên tai thì còn những nhân tai bất thường khác.
Thực tế, trong các trận mưa lũ vừa qua hàng loạt đập thủy điện đã ồ ạt xã lũ như; thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ (ở Phú Yên). Hàng loạt hồ nước lớn cũng đã xả nước ồ ạt chồm lên các bản làng như; hồ chứa nước Núi Ngang (Quảng Ngãi). Đáng nói, mặc cho người dân khốn khổ trong biển nước nhưng một số đơn vị còn xả nước không báo trước như Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Khánh Hòa.
Những ngày này người dân miền Trung đang gượng dậy dù lũ vẫn còn đó. Đùm bọc trở che, áo lành đùm lá rách. Trong khó khăn tình người, ý chí và sức chịu đựng của con người lại càng ấm áp.