Tổng duyệt lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
Sáng 17/12, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tổng duyệt chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2016) và công tác tổ chức phục vụ, bảo đảm an ninh.
Một tiết mục trong buổi tổng duyệt lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/TU ngày 12/10/2016 về việc “Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến”.
Cùng với việc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm, các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng dân tộc diễn ra phong phú, đa dạng trên khắp địa bàn thành phố, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, các hoạt động tri ân thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức ở nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều hình thức phong phú, giàu ý nghĩa nhân văn, kịp thời động viên tinh thần gia đình chính sách…
Theo dõi, kiểm tra kỹ các nội dung tổng duyệt, lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá cao các lực lượng tham gia, đồng thời khẳng định, mọi phần việc liên quan đã sẵn sàng tổ chức thành công lễ kỷ niệm xứng đáng với tầm vóc lịch sử Ngày Toàn quốc kháng chiến.
9h30 ngày 18/12, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, với sự tham gia của khoảng 3.500 đại biểu. Lễ kỷ niệm được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1; Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh.
Trước đó, Hà Nội đã gắn tên phố kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến.
Con phố cạnh TAND TP Hà Nội mà nhân dân quen gọi là chợ Âm Phủ được gắn biển “Phố 19 tháng 12”, nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm).
Trong đêm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, con phố này là nơi chôn tập thể của các nạn nhân chết tại khu vực Hàng Bông, Cửa Nam. Năm 1954 sau khi tiếp quản thủ đô, chính quyền thành phố cho xây tường bao và ghi biển “Nơi chôn cất đồng bào thủ đô hy sinh ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946”.
Năm 1986, di cốt nạn nhân chiến tranh được chuyển đi. Nơi đây chính thức được đặt tên là chợ 19 tháng 12 nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chợ Âm Phủ.