Bao giờ tiềm năng biến thành 'vàng ròng'?
Với hơn 50 triệu lượt khán giả một năm, doanh thu toàn thị trường không ngừng tăng trong suốt 5 năm qua và lên tới con số 106 triệu USD năm 2015, thị trường điện ảnh Việt Nam đang cho thấy những tiềm năng dồi dào. Nhưng ba giờ và làm thế nào để biến tiềm năng ấy thành sức mạnh nâng đỡ cho nền điện ảnh trong nước, khiến điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ hái ra tiền thì vẫn là một câu hỏi lớn, chưa được giải đáp thỏa đáng.
Cảnh trong phim “Để Mai tính 2”.
Mảnh đất màu mỡ
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo nhiều chuyên gia, bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam đang có những khởi sắc. Hiện cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu, trong đó, rạp do nguồn lực trong nước đầu tư là 92 rạp, cụm rạp, còn liên doanh nước ngoài là 46 cụm rạp.
Số lượng khán giả mua vé xem phim tại các rạp cũng ở mức khá cao so với khu vực. Số lượng khán giả năm 2015 khoảng 51 triệu lượt, doanh thu chiếu bóng đạt 2.300 tỷ đồng, tương đương 106 triệu USD.
Số lượng phim Việt cán mốc doanh thu chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng cũng ngày một nhiều. Năm 2013, bộ phim “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đoạt doanh thu 52 tỷ đồng đã là một kỳ tích của điện ảnh Việt. Ở thời điểm đó, “Mỹ nhân kế” là bộ phim ăn khách thứ nhì trong lịch sử phòng vé Việt chỉ thua phim hoạt hình bom tấn “Kungfu Panda 2” (56 tỷ đồng).
Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau, kỷ lục này đã bị bỏ xa bởi những bộ phim có doanh số tăng gần gấp đôi: “Quả tim máu” (85 tỷ đồng), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (80 tỷ đồng),… đặc biệt là hai bộ phim cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng từ các rạp chiếu gồm: “Để Mai tính 2” (doanh thu 101 tỷ đồng) và “Em là bà nội của anh” (102 tỷ đồng). Hơn bất cứ lời mời chào ngọt ngào này, những con số này đủ làm “mật ngọt” để các nhà đầu tư tập trung hơn nữa vào thị trường điện ảnh nội địa.
Thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ của các nhà làm phim. Nhiều đơn vị kinh doanh phim ảnh thế giới đã không bỏ lỡ để giành giật thị trường. Nếu các đơn vị kinh doanh điện ảnh trong nước không nắm bắt, ắt cơ hội sẽ vuột mất.
Cảnh trong phim “Quả tim máu”.
Nhiều khoảng trống
Ở mảng phát hành phim, phim nước ngoài chiếm tới 70% thị phần với hơn 200 phim được phát hành mỗi năm. 30% thuộc về các nhà sản xuất trong nước, nhưng hiện tại cũng chỉ tập trung vào một số nhà sản xuất lớn là tư nhân hoặc liên doanh.
Trong số 450 cơ sở được cấp giấy phép đủ điều kiện hành nghề sản xuất phim, chỉ có khoảng 40 hãng đủ năng lực sản xuất phim, còn lại chỉ làm về dịch vụ. Phim của hãng phim Nhà nước gần như không có đủ khả năng cạnh tranh ngoài rạp.
Hệ thống rạp, cụm rạp do liên doanh đầu tư chỉ chiếm non nửa số lượng rạp, cụm rạp nhưng lại có số phòng chiếu chiếm già nửa (269 màn chiếu trên tổng số 510 màn chiếu của cả nước), tập trung ở những khu vực trung tâm, trung tâm thương mại, giải trí lớn.
Những con số trên cho thấy, thế mạnh của sản xuất và phát hành phim đang nằm trong tay tư nhân. Đó cũng là lý do vì sao dòng phim thương mại, giải trí ngày càng phát triển và gần như chiếm giữ vị trí độc tôn.
Và thực tế này khiến cho bao người phải đặt câu hỏi: bao giờ Việt Nam mới lại có những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật cao chứ không phải là những bộ phim giải trí có tính “cóp nhặt”, được làm lại nhưng lại dễ dàng chiếm lĩnh thị trường?!
Mảng hợp tác sản xuất phim cũng bộc lộ những khoảng trống rất lớn. Đạo diễn người Việt gốc Ấn nổi tiếng Peter Hiền trong cuộc tọa đàm về hợp tác điện ảnh Việt - Ấn gần đây có chia sẻ một câu chuyện cá nhân. Vốn là người gốc Việt nên anh rất mong muốn đưa các nhà sản xuất phim Ấn sang Việt Nam.
Trong năm qua, anh đã đưa 4 dự án phim sang Việt Nam nhưng ít nhiều đều gặp trục trặc. “Một phim, nhà sản xuất chỉ muốn quay một bài hát tại Việt Nam nhưng phía Việt Nam lại muốn duyệt cả kịch bản phim. Phim khác thì khi xin quay lại tốn nhiều thời gian quá trong khi nhà sản xuất ở Ấn rất sốt ruột. Mình đã mất gần 4 tháng trời đi lại xem bối cảnh và xin giấy phép, khiến kinh phí đội lên 2,5 lần cho hãng. Cuối cùng 3 hãng đã sang Thái Lan để quay. Có tới 3400 công ty sản xuất điện ảnh ở Ấn Độ, họ đều làm vì lợi nhuận nên nếu bị cản trở ở đây họ sẽ chuyển sang quốc gia khác”, Peter Hiền nói.
Ông Đỗ Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam nhận định: “Việc hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa Việt Nam với các nước hiện nay vẫn rất hạn chế.
Việc hợp tác sản xuất của Việt Nam với nước ngoài góp vốn sản xuất chưa nhiều, chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam. Có nhiều bộ phim bom tấn được quay ở Việt Nam nhưng phía đối tác Việt cũng chỉ thực hiện những phần việc mang tính hành chính như xin phép, lo ăn ở, đi lại… Dạo gần đây, tình hình đã tốt hơn rất nhiều. Ví dụ như phim “Điệp viên 007” quay tại Việt Nam, khi tôi tiếp xúc với đoàn làm phim, họ cho biết người Việt Nam làm rất chuyên nghiệp, nếu có dự án mới sẽ xem xét để làm tại Việt Nam”.
Cảnh trong phim “Mỹ nhân kế”.
Hoàn thiện cơ chế để phát triển
Từ trước tới nay, điện ảnh luôn là ngành nghệ thuật dành được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ông Đỗ Duy Anh đánh giá: “Điện ảnh là một trong những ngành nghệ thuật đã có Luật, có nghị định, có thông tư hướng dẫn thi hành. Chúng ta cũng có chiến lược phát triển điện ảnh, quy hoạch phát triển điện ảnh... Đó là những ưu điểm của điện ảnh Việt Nam trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho điện ảnh phát triển. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia vào sự nghiệp phát triển điện ảnh. Hàng năm nhà nước có kinh phí tài trợ hoặc đặt hàng cho các phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Có chính sách cung cấp phim đến các khu vực miền núi. Các đội chiếu phim lưu động phục vụ hơn một triệu lượt xem”.
Tuy nhiên, những bước phát triển đáng ghi nhận thời gian gần đây vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng về thị trường, nhân lực. Các nhà sản xuất phim nước ngoài vẫn tìm đến các thị trường rộng cửa với họ hơn, thủ tục nhanh gọn, có nguồn nhân lực dồi dào.
Được biết, Cục Điện ảnh cũng đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án khuyến khích các nhà làm phim nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi thêm các chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh đủ chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi của các nhà làm phim thế giới cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia điện ảnh đặt ra.
Để trở thành đối tác chứ không phải là người làm thuê, gia công những thứ đơn giản, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao hơn nữa, được đào tạo chuyên nghiệp cũng như thực tập ở những nền điện ảnh lớn.